Ông lão 88 tuổi trèo dừa

15/12/2013 09:00 GMT+7

Đã qua cái tuổi “cổ lai hy”, nhưng hằng ngày cụ Lê Bá Hoạt (88 tuổi, ngụ thôn 1, xã Hà Đông, H.Đạ Tẻh, Lâm Đồng) vẫn nhọc nhằn trèo dừa mưu sinh…

Cụ Hoạt trên ngọn dừa - Ảnh: G.B
Cụ Hoạt trên ngọn dừa - Ảnh: G.B 

“Ông lão trèo dừa” là biệt danh của cụ Hoạt mà ở Đạ Tẻh này hầu như ai cũng biết. Vì thế, dù nhà cụ không phải ở nơi trung tâm hay gần chợ, nhưng chúng tôi vẫn dễ dàng tìm gặp nhờ mọi người chỉ. 

Cụ Hoạt sinh ra ở Hà Tây (cũ), lớn lên ở Hưng Yên. Năm 1986, cụ cùng người vợ thứ hai và 5 con vào vùng đất Đạ Tẻh này để khai hoang lập nghiệp rồi gắn với nghề nông. Cụ cho biết cũng từng khai hoang và bán hơn 8 ha đất được khoảng 40 triệu đồng, nhưng tất cả không đủ để lo chữa bệnh cho vợ (bà mất năm 1990). Có lẽ hạnh phúc lớn nhất của đời cụ cho đến bây giờ là đã “cho con cái mỗi đứa được mấy sào ruộng để chúng có miếng đất cắm dùi”. Những tưởng suốt đời làm nông, cụ cũng không ngờ những năm cuối đời mình lại gắn với nghề trèo dừa như thế này. “Khoảng 14 năm trước, tôi tính đi tìm việc gì làm thêm. Ra chợ thấy người ta mua bán dừa rất nhiều, về nhà ngẫm hay mình đi buôn bán dừa. Thế là tôi làm thử, rồi vào nghề luôn. Lúc đầu trèo cũng khó khăn lắm, nhưng trèo hoài rồi cũng quen”, cụ Hoạt kể lại.

Chị Tân, con dâu cụ Hoạt, cho hay cứ khuyên cụ nghỉ nhưng cụ không chịu và “bây giờ thì không có ai khuyên cụ được”. Cụ bảo: “Tôi cũng muốn bỏ cái nghề này lắm, cũng muốn nghỉ ngơi, nhưng nghỉ thì lấy cái gì mà cho vào bụng? Nhà mình khó khăn lắm, con cái chẳng có đứa nào khá giả, cũng toàn là nghèo khó cả. Biết làm việc gì bây giờ, cứ trèo ít năm nữa, khi nào trèo không được thì thôi, từ từ tính tiếp chứ nghỉ ngơi sẽ trở thành gánh nặng cho con cháu”.

Từng suýt… “tử nghiệp”

Hằng ngày, công việc của cụ là chạy chiếc xe Cub 50 cà tàng đi khắp nơi, đâu có dừa thì vào hỏi mua trái, cũng có khi người ta tìm đến gọi cụ vào bán… dừa trên cây. Vậy là cụ phải leo lên hái xuống.

Trang thiết bị cụ Hoạt mang theo để hái dừa là một đoạn dây dù buộc vào 2 bàn chân làm đai bám thân dừa khi trèo, một bộ dây dài chừng 25 - 30 m để buộc dừa thả xuống đất và một con dao dài để chặt buồng dừa. Hái xong, cụ chất dừa vào giỏ và chở đi bán khắp nơi để kiếm lời, từ những quán nước ven đường đến chợ trung tâm Đạ Tẻh. Mỗi ngày, cụ Hoạt bán khoảng 50 trái dừa, mỗi trái lời 3.000 - 5.000 đồng, những hôm bán không hết thì chở về mai đi bán tiếp hoặc gửi luôn lại các quầy.

Phút nghỉ ngơi của cụ Hoạt 2
Phút nghỉ ngơi của cụ Hoạt 

Cụ Hoạt cho biết, hằng ngày từ 7 giờ sáng đến 16 giờ chiều là cụ đi làm, trưa về nhà ăn cơm. Cụ sống chung với người con trai đầu, cơm thì con nấu, còn thức ăn cụ mua ở chợ. Chỉ trừ những hôm ốm đau, còn lại khi có hàng thì nắng mưa gì cụ cũng trèo cả. Cụ làm đến 30 tết, nghỉ đến mùng 10 rồi đi làm lại. Những ngày gần tết, bạn hàng lấy nhiều hơn để dự trữ nên cụ phải làm việc gấp rưỡi và chuyện trèo 5 - 7 cây dừa mỗi ngày, có cây cao 20 m, là bình thường. Mua dừa nhà ai cụ cũng nhớ đặc điểm cây dừa “để biết mà đoán thời gian quay trở lại hỏi mua tiếp”.

Với cụ, trèo dừa bị trầy tay, xước chân và bị bọ cạp, kiến bu khắp người cắn là bình thường, nhưng điều sợ nhất chính là ong đốt. “Có lần trèo đến ngọn thì gặp tổ ong vò vẽ, bị động chúng bay túa ra và nhằm tôi mà đốt. Không thể làm gì hơn, tôi chỉ biết ôm cây dừa, nín thở và nép sát thân cây không động đậy gì. May mắn một lát sau chúng bay đi chứ không thì khó bảo toàn được tính mạng... Lần ấy mặt mũi tôi sưng vù, phải nghỉ rất nhiều ngày mới khỏe”.

Cũng chính vì tuổi cao và sợ cụ gặp rủi ro nên có người từ chối bán dừa cho cụ. Một chị ở cùng xã với cụ vừa nói vừa chỉ tay: “Đó, cây dừa nhà tôi đó, cao chót vót như vậy nhưng cụ cứ đến hỏi mua trái mãi. Cụ nói cứ yên tâm đi để cụ trèo, nhưng tôi thấy lo cho sức khỏe của cụ nên không đồng ý bán cho cụ”.            

Giữa trưa đang trò chuyện cùng cụ ngoài chợ thì có người nói muốn bán dừa, thế là cụ lên xe đi theo người ấy đến nhà. Sau khi gia chủ chỉ cây dừa, cụ mang “đồ nghề” ra thoăn thoắt leo lên đến ngọn, chặt dừa cho vào đôi giỏ chở ra chợ…  

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Thụ, Chủ tịch UBND xã Hà Đông (H.Đạ Tẻh), cho hay gia cảnh của cụ Hoạt và con cháu rất khó khăn. Hằng tháng, cụ được nhận một khoản nhỏ tiền trợ cấp xã hội người lớn tuổi chứ không có khoản nào khác. “Biết cụ làm nghề cũng nguy hiểm, nhiều hôm gặp tôi có khuyên cụ nghỉ ngơi tìm việc gì khác làm hoặc ở với con cháu để chúng lo, nhưng cụ bảo sức khỏe còn tốt nên cứ làm...”, ông Thụ nói.     

Gia Bình

>> Cụ già đi kiện ‘lô cốt’
>> Hoan hô cụ già!
>> Hai cụ già chơi đàn t’rưng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.