'Nhà Tây biến hình'

12/10/2013 09:00 GMT+7

Nhà Tây - nhà thời Pháp ở Hà Nội giờ đang biến dạng, và có khi biến mất.

Nhà Tây - nhà thời Pháp ở Hà Nội giờ đang biến dạng, và có khi biến mất.

Gắn với người nổi tiếng

 
Phác thảo cho thấy hình dạng cũ và phần đã khác đi của nhà phố Tây - Ảnh: Trinh Nguyễn

Năm 1920, khi bà Vũ Thị Bông xây ngôi nhà kiểu Pháp để ở, bà cũng mở luôn cửa hàng ở đó. Bà Bông còn lấy tên hai người con trai là Thành và Mỹ đặt tên cho cửa hàng. Cửa hàng vàng bạc Thành Mỹ khi ấy buôn bán phát đạt. Gần 100 năm đã qua, ngôi nhà vẫn sừng sững ở số 8 Cửa Nam. Dấu tích của cửa hàng vàng bạc Thành Mỹ cũng còn đó.

“Thiết kế ngôi nhà là người Pháp. Thậm chí chủ nhân vẫn còn giữ bản vẽ thiết kế trong két của ngân hàng. Vật liệu xây nhà cũng mang từ Pháp sang. Đến bây giờ con cháu bà muốn sửa chữa bức tường mà khoan 3 ngày không xong. Điều đó chứng tỏ chất lượng xây dựng rất tốt”, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn nói.

Ngôi nhà 68 Đào Duy Từ được ông Yên Thế xếp vào loại “nhà Tây biến màu không biến hình”. Đây là nhà của ông Nguyễn Đình Phẩm - một tư sản có tiếng trước Cách mạng Tháng Tám. Ông kinh doanh bằng việc mở xưởng cưa gỗ. Nhà thiết kế khá đơn giản. Tầng một dùng làm xưởng cưa. Tầng hai làm nhà để ở. Sau 1958, tầng một hiến cho nhà nước. Gia đình hai người con trai của ông Phẩm vẫn sống trên tầng hai. Nhà được xây dựng từ thập niên 1920 mang phong cách nghệ thuật kiến trúc Pháp - Hoa.

Ngôi nhà số 126 -130 phố Nguyễn Thái Học, cũng chưa xác định được chủ hộ. Nhà cũng xây vào thập niên 1920, mang phong cách nghệ thuật kiến trúc thuộc địa Pháp. Ảnh chụp cho thấy một trong những ngôi nhà đó đã trở thành siêu thị, bán hàng thể thao. “Đây là dãy nhà xây để cho thuê làm cửa hàng. Nó có kiểu tường hoa chắn mái, những hàng chữ đắp nổi ghi tên cửa hiệu, tên chủ hộ, tên lĩnh vực kinh doanh”, nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế cho biết. Giờ đây, vẫn có thể thấy những dãy nhà xây để cho thuê cửa hàng này.

Sau khung cửa sổ lớn với những hàng chấn song thẳng, cổ điển trong ngôi nhà số 85 phố Thuốc Bắc chính là nơi họa sĩ Bùi Xuân Phái sống những năm cuối đời. Ban công số nhà 20 phố Nguyễn Thái Học ghi dấu “người đẹp áo đen” Đồng Thị Bính - một trong tứ đại hoa khôi Hà thành thuở đó. Hơn 80 năm trước, nhiều gã trai cũng như thi nhân Nguyễn Nhược Pháp mỗi khi qua đây đều trông ngóng bóng dáng nàng.

Lưu lại vẻ đẹp xưa

Nhà Tây biến hình là triển lãm tập hợp nhiều câu chuyện về nhà thời Pháp - di sản kiến trúc ở Hà Nội tại Manzi, 14 Phan Huy Ích, Hà Nội từ 10 - 28.10. Địa điểm này cũng là một ngôi nhà Pháp cổ. Chấn song hoa sắt vẫn còn từ thời nhà tư sản dân tộc Bạch Thái Bưởi ở đây.

 
Một người cao tuổi đến xem triển lãm nhà mặt phố để nhớ lại thời trẻ - Ảnh: Trinh Nguyễn

Những ngôi nhà được họa sĩ Nguyễn Thế Sơn dựng lại bằng nhiếp ảnh phù điêu. Họa sĩ chụp ảnh, in trên bìa rồi dựng lại thành ngôi nhà 3D đúng nguyên mẫu trên thực tế. Tác phẩm mô hình nhà sau đó còn được phủ mica. Bên cạnh tác phẩm là hồ sơ ngôi nhà do nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế dựng lại. Hồ sơ gồm nhiều phần: hình ảnh thực tế, phác thảo nguyên bản của ngôi nhà và cả thông tin về chủ nhân, năm xây dựng.

Công chúng sẽ được gặp mặt 20 trên tổng số 100 căn nhà có dấu vết của nhà Tây cũ ở Hà Nội tại triển lãm này. Người xem cũng được thấy, những căn nhà, những biệt thự cổ này đã bị chia nhỏ. Thậm chí chúng còn biến tướng thành khu tập thể, chung cư mini giữa lòng Hà Nội đông đúc. “Do có nhiều người cùng ở nên nó mới còn lại dấu vết xưa. Bởi nếu không, nó đã bị sửa sang toàn bộ”, Nguyễn Thế Sơn nói.

Trong dự án này, dễ thấy cả nghệ thuật lẫn nghiên cứu di sản. “Nó tạo thành một xu hướng mới của khoa học xã hội nhân văn kết hợp với ngành mỹ thuật. Xu hướng đi sát thực tế này giúp nghệ thuật đương đại không viển vông, lãng mạn chung chung”, Nguyễn Thế Sơn kết luận.

Với dự án nghệ thuật Nhà Tây biến hình, cả hai đang muốn tiếp tục mở rộng những nghiên cứu trước đó của mình. Với Nguyễn Thế Sơn, đó là sự đọc hiểu số phận của những ngôi nhà với những phận người sống ở đó. Với Trần Hậu Yên Thế, đó là mong muốn nghiên cứu để phục dựng nguyên trạng các ngôi nhà. Nghiên cứu này sẽ dựng lại bản vẽ dựa trên ký ức của chủ nhân các nhà kết hợp với tư liệu sách vở.

Quỳnh An - Trinh Nguyễn

>> Về Bạc Liêu, dạo “phố Tây”
>> Phố Tây đâu chỉ dành cho “Tây”
>> Tìm lại phố Tây ở Hà Nội
>> Sinh viên làm thêm ở “phố Tây”
>> Tết Việt ở phố Tây!
>> Bán hàng ở phố Tây balô

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.