Điện hạt nhân, giấc mơ và ác mộng - Bài 1: Buổi sáng đen tối ở Chernobyl

24/11/2009 23:03 GMT+7

Với nhu cầu năng lượng ngày một lớn cũng như viễn cảnh cạn kiệt dầu mỏ trên thế giới, điện hạt nhân trở thành nguồn năng lượng được nhiều quốc gia lựa chọn. Nhưng bên cạnh lợi ích rất lớn, loại năng lượng này cũng tiềm tàng nhiều nguy cơ. Loạt bài này sẽ cung cấp một bức tranh tổng quan về điện hạt nhân trên thế giới, về lợi ích cũng như nguy cơ.

Một buổi sáng cuối tháng 4.1986, Mikhail Kozlov và gia đình được lệnh lên tàu hỏa rời khỏi thành phố Prypiat. Cuộc di tản được thực hiện theo sau vụ nổ tại nhà máy điện nguyên tử Chernobyl, Ukraine, khi đó còn nằm trong Liên bang Xô Viết. Kozlov nghĩ sẽ chỉ đi vài ngày rồi về.

Hàng ngàn cư dân của thành phố trẻ Prypiat trong những ngày đó cũng nghĩ như Kozlov. Họ để lại thức ăn đầy trong tủ lạnh và không mang theo nhiều vật dụng. Thậm chí có người còn không cúp cầu dao điện.

Hơn 23 năm đã trôi qua, những người như Kozlov vẫn chưa thể trở về và Prypiat đã trở thành một “thành phố ma”.

Lịch sử dừng lại

Để phục vụ cho nhu cầu phát triển của Liên Xô, Nhà máy điện hạt nhân V.I.Lenin - sau này được biết đến với tên gọi Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl - đã được khởi công xây dựng vào năm 1970 tại Chernobyl, cách biên giới Ukraine - Belarus chưa tới 20 km và cách thủ đô Kiev của Ukraine khoảng 100 km. Để cung cấp nơi ăn chốn ở cho đội ngũ nhân sự của nhà máy, thành phố Prypiat đã được động thổ cùng thời gian. Theo năm tháng, khi Nhà máy Chernobyl đi vào hoạt động với 4 tổ máy, thì Prypiat cũng phát triển thành một đô thị hiện đại, với khoảng 50.000 dân. Một tương lai đầy hứa hẹn đang ở phía trước.

Nhưng rồi, một thảm kịch xảy ra và lịch sử Prypiat cùng với nhiều khu dân cư khác trong vùng đã dừng lại vào một ngày cuối tháng 4.1986.

Vào lúc 1 giờ 23 phút sáng 26.4.1986, lò phản ứng số 4 tại Nhà máy Chernobyl phát nổ. Các vụ nổ đã gây cháy lớn, và đặc biệt làm lan tỏa một lượng bụi phóng xạ khủng khiếp. Đám bụi này ban đầu bao phủ khu vực nhà máy, sau đó dần lan ra các khu vực kế cận và theo thời gian, chất phóng xạ từ vụ nổ đã tỏa ra nhiều nơi tại châu u, trong đó, khoảng 60% bụi phóng xạ rơi xuống lãnh thổ Belarus. Theo các tài liệu khoa học, lượng bụi phóng xạ trong vụ nổ này lớn gấp 400 lần so với vụ nổ bom nguyên tử ở Hiroshima thời Thế chiến 2.

Sự kiện tại Chernobyl đã làm chết trực tiếp 56 người. Thống kê của LHQ còn cho biết khoảng chừng 600.000 người bị ảnh hưởng bởi chất phóng xạ, với chừng 4.000 người có thể chết do ung thư và các căn bệnh liên quan cùng 100.000 người có thể mắc bệnh. Thống kê của các tổ chức độc lập thậm chí còn đưa ra những con số cao hơn.

Một tương lai rực rỡ cho Chernobyl, của Prypiat và các khu vực lân cận đã trở thành tro bụi sau buổi sáng đen tối đó.

Phản ứng chậm

Giới lãnh đạo Liên Xô ban đầu đã không thấy được tính nghiêm trọng của vụ việc. Vào năm 2006, trong một bài viết công bố trên báo, ông Mikhail Gorbachev - cựu Tổng bí thư Đảng cộng sản Liên Xô - kể: "Tôi nhận được cuộc gọi vào lúc 5 giờ sáng 26.4.1986 báo cáo rằng một sự cố lớn, gây ra hỏa hoạn, đã xảy ra tại tổ máy số 4 của Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, nhưng lò phản ứng thì không sao. Trong những giờ đầu chúng tôi không nhận ra rằng lò phản ứng đã bị vỡ và một lượng phóng xạ lớn đang khuếch tán vào không khí. Không ai biết rằng chúng tôi đang đối mặt với một thảm họa hạt nhân lớn. Giờ đây, chúng tôi hối tiếc là đã không xử lý vụ việc một cách nhanh chóng".

Ông Gorbachev viết tiếp: "Lúc đó tôi đã hết sức kinh ngạc: Làm sao điều này có thể xảy ra? Các nhà khoa học hạt nhân luôn đảm bảo với lãnh đạo nhà nước là các lò phản ứng này tuyệt đối an toàn cơ mà".

Cũng theo cựu lãnh đạo Liên Xô, vào ngày 27.4, chính quyền đã thực hiện một cuộc di tản lớn. Chỉ trong vòng 3 tiếng đồng hồ, toàn bộ dân thành phố Pripyat đã được chuyển đi. Và tới đầu tháng 5, tất cả những người sống trong phạm vi bán kính 30 km tính từ nhà máy, với tổng số khoảng 116.000, đã được đưa đi nơi khác.

Cho đến nay, hơn 23 năm đã trôi qua, khu vực bán kính 30 km này vẫn nằm dưới sự kiểm soát chặt chẽ. Prypiat và các thị trấn, làng mạc khác trong vùng hoàn toàn bị bỏ hoang.

Do ban đầu không xác định được mức độ nghiêm trọng của vấn đề, cũng như sợ rằng thông tin loan đi sẽ gây hoang mang trong dư luận, làm mất uy tín của Liên Xô trên trường quốc tế, Moscow đã không thông báo thảm họa một cách rộng rãi. Nhiều hoạt động ở các thành phố lớn của Liên Xô vẫn diễn ra bình thường, như lễ diễu hành nhân ngày Quốc tế Lao động tại Kiev và Minsk, vốn nằm trong phạm vi ảnh hưởng nghiêm trọng của bụi phóng xạ, vẫn diễn ra bình thường. Ông Gorbachev cho biết mãi tới ngày 28.4, những thông tin đầu tiên về vụ việc mới được công bố trên báo Pravda. Và phải tới gần 3 tuần sau, ông Gorbachev mới có phát biểu chính thức về thảm họa trên truyền hình.

Sự chậm trễ trong việc công bố đã làm tình hình nghiêm trọng hơn bởi nó khiến các khu vực bị ảnh hưởng, đặc biệt là những nơi nằm bên ngoài biên giới Liên Xô, trở nên bị động trong việc đối phó. Sau này, chính ông Gorbachev đã thừa nhận: "Vào giai đoạn đầu, thậm chí ngay cả các chuyên gia hàng đầu cũng không nhận thấy được tính chất nghiêm trọng của tình hình".

Vì nhiều nguyên nhân mà lúc đó Moscow đã không nhận biết được mức độ trầm trọng. Nhưng sau khi thông tin được loan đi và các cuộc điều tra được tiến hành, người ta mới biết vụ nổ Chernobyl là thảm kịch hạt nhân dân sự khủng khiếp nhất lịch sử nhân loại. Giờ đây, nhớ lại những ngày đó, ông Gorbachev vẫn còn rùng mình: "Không ai có thể tin rằng một thành phố hiện đại như Prypiat một ngày nào đó có thể trở nên hoang phế".

Nhưng không chỉ có Prypiat và những khu dân cư trong phạm vi bán kính 30 km bị diệt vong sau vụ nổ Chernobyl. Hệ quả của vụ nổ còn nghiêm trọng hơn nhiều với những thành phố và làng mạc hoang tàn...

Đỗ Hùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.