Người đưa bưởi da xanh xuất ngoại

16/12/2013 10:25 GMT+7

Từng phất lên rồi có lúc trắng tay, ông Đàm Văn Hưng (ngụ ấp Phước Trung, xã Phước Mỹ Trung, H.Mỏ Cày Bắc, Bến Tre) đã gượng dậy bằng nghề mua bán trái cây và trở thành chủ Cơ sở Hương Miền Tây, chuyên cung cấp bưởi da xanh có tiếng trong và ngoài nước.

Người đưa bưởi da xanh xuất ngoại
Ông Hưng tại bộ phận đóng gói bưởi - Ảnh: Khoa Chiến

Nhạy bén tìm kiếm thị trường

Năm 2000 đang kiếm sống bằng nghề mua bán cam sành, ông Hưng nhận thấy nên tìm loại trái cây khác có hiệu quả để thay thế. Theo ông, cây cam sành dù được trồng nhiều, cho thu nhập cao nhưng thời gian khai thác không dài, chưa kể tình trạng sâu bệnh phát triển nên thị trường cam sẽ tới lúc khựng lại. Vậy là ông quyết định chọn bưởi da xanh, loại trái cây đặc sản của đất Bến Tre.

Vào thời điểm đó, bưởi da xanh vẫn chưa được trồng phổ biến như bây giờ, giá bưởi chỉ ở mức 3.000 - 4.000 đồng/kg. Tin vào chất lượng cũng như khả năng vươn xa của bưởi da xanh, ông bắt đầu tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Tận dụng những chuyến giao cam cho các tỉnh thành, nhất là thị trường phía Bắc, ông tranh thủ chào hàng bưởi da xanh. “Lúc đầu, không mấy khách hàng chịu mua bởi so với các loại bưởi tiếng tăm như Phúc Trạch, Diễn, Đoan Hùng của miền ngoài, bưởi da xanh chưa có tên tuổi gì. Tôi đã gởi cho khách hàng ăn không hàng trăm kí bưởi mấy tháng trời. Dần dần trái bưởi da xanh đã “cảm” được khách hàng và ngày càng có nhiều người ưa chuộng”, ông Hưng kể.

Từ năm 2003, cơ sở của ông đã tìm được thị trường tiêu thụ bưởi da xanh, với số lượng tăng theo từng năm. Nếu năm 2006, cơ sở cung ứng khoảng 50 tấn/tháng thì đến năm 2008, mức cung đạt từ 150 - 200 tấn/tháng. Năm 2009, mức tiêu thụ trung bình mỗi ngày từ 10 - 15 tấn, tức 300 - 450 tấn/tháng.

Khi việc buôn bán đã thuận lợi, ông Hưng bắt đầu đăng ký thương hiệu “Hương Miền Tây” cho cơ sở và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận bảo hộ từ năm 2007. Cũng trong năm này, lần đầu tiên Cơ sở Hương Miền Tây xuất khẩu được 10 tấn bưởi da xanh sang Đức. Năm sau, thị trường mở rộng ra các nước như Trung Quốc, Singapore, Philippines, Ukraina… với sản lượng tăng gấp 10 lần. Đến năm 2009, ông tiếp tục xuất sang Canada, nâng sản lượng bưởi xuất khẩu của cơ sở lên khoảng 150 tấn.

Liên kết với nhà vườn

Tuy đã tìm được đầu ra ổn định nhưng ông Hưng luôn băn khoăn làm sao đủ nguồn bưởi nguyên liệu có mẫu mã đẹp, chất lượng cao, đồng đều để cạnh tranh trên thị trường thế giới. Năm 2010, ông mạnh dạn đầu tư gần 7,6 tỉ đồng cùng với trên 350 triệu đồng hỗ trợ từ ngân sách nhà nước xây dựng Nhà máy xử lý đóng gói và bảo quản bưởi da xanh cho vùng sản xuất tập trung trên địa bàn.

Ông Hưng cho biết để cơ sở phát triển được như ngày hôm nay, trước hết ông luôn đặt lợi ích người tiêu dùng lên hàng đầu. Cơ sở đã hợp tác với nhà vườn xây dựng vùng chuyên canh kết hợp bao tiêu sản phẩm để có nguồn bưởi chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đến nay, ông đã bao tiêu cho hàng trăm hộ trồng bưởi da xanh trong tỉnh với tổng diện tích trên 100 ha. Bên cạnh đó, ông cũng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, vận hành quản lý nhằm tạo ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường.

Năm 2012, Cơ sở Hương Miền Tây cung ứng cho thị trường nội địa trên 12.000 tấn bưởi da xanh, riêng xuất khẩu đạt hơn 200 tấn. Năm nay, do ảnh hưởng sâu bệnh, lượng bưởi bán ra có giảm nhưng theo ông Hưng, mặt hàng bưởi da xanh vẫn có chỗ đứng trên thị trường.

Năm 2011, sản phẩm bưởi da xanh của Cơ sở Hương Miền Tây được Công ty CP giám định và khử trùng FCC chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Tháng 10 vừa qua, cùng với 33 hộ chuyên canh bưởi da xanh tại xã Nhơn Thạnh (TP.Bến Tre), cơ sở của ông được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP.

Khoa Chiến

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.