Mối nguy của kinh tế lệ thuộc - Kỳ 2: 'Kẹt' giữa gia công và khai thác tài nguyên

03/12/2013 03:00 GMT+7

Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế VN, cho rằng tăng trưởng kinh tế khá nhanh nhưng không cải thiện đẳng cấp, cơ cấu kinh tế lạc hậu khi kẹt giữa gia công, lắp ráp, khai thác tài nguyên và không có hệ thống công nghiệp hỗ trợ hiện đại.

 Mối nguy của kinh tế lệ thuộc
Tăng trưởng nền kinh tế đang lệ thuộc vào các nguồn lực bên ngoài - Ảnh: M.Phương

>> Mối nguy của kinh tế lệ thuộc (Kỳ 1)

Theo TS Thiên, nền kinh tế VN hiện cũng đang rơi vào điểm nghẽn mà chưa biết khi nào thoát ra. Nội lực suy yếu, cấu trúc kinh tế rủi ro chính là nguyên nhân của một nền kinh tế lệ thuộc. Chiến lược “bóc ngắn, cắn dài” không tạo nền tảng nội lực cho tương lai thì không thể đảm bảo một nền kinh tế độc lập, tự chủ. Đó là mô hình tăng trưởng khuyến khích tận khai tài nguyên quốc gia, tăng trưởng nóng dựa vào vốn “dễ”, đánh đổi lạm phát... VN vẫn chưa có vị thế độc lập trong hệ thống kinh tế toàn cầu hiện đại. “Chỉ có tái cơ cấu mới “lột xác” được nền kinh tế. Trong đó tập trung cải cách hệ thống ngân hàng như chống sở hữu chéo, liên kết nhóm lợi ích; tư duy mới về tập đoàn nhà nước bằng cách đánh tan những cục máu đông, hay những xác chết không chôn được và phải nhanh chóng tái cơ cấu đầu tư công”, TS Thiên khẳng định.

Kim khâu, chỉ khâu cũng phải nhập

GS Nguyễn Quang Thái, Phó chủ tịch Hội Khoa học kinh tế VN, cho rằng hiện VN có tỷ lệ tiết kiệm khá cao, khoảng 30% GDP, tức khoảng 40 tỉ USD. Nhưng các nước như Thái Lan tỷ lệ 20% GDP đã tương đương với 60 tỉ USD, Malaysia 20% tương đương 50 tỉ USD. Nếu VN không sử dụng vốn có hiệu quả hơn các nước này thì khoảng cách phát triển ngày càng tụt hậu xa hơn, nguy cơ tụt hậu về kinh tế ngày càng rõ.

 

Tỷ lệ doanh nghiệp FDI mang công nghệ hiện đại tối tân vào VN chỉ đạt 5%, 95% còn lại là công nghệ truyền thống, hoặc quá lạc hậu. Phong trào lấp đầy các khu công nghiệp bằng mọi giá đã đến lúc trả giá. Sự lệ thuộc này càng chua chát hơn khi chính chúng ta đang làm hại chúng ta bằng chính sách mời gọi dễ dãi

Tiến sĩ Võ Đại Lược, chuyên gia kinh tế

Lấy nông nghiệp, ngành đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế làm minh chứng cho sự phụ thuộc, PGS-TS Đào Duy Huân, ĐH Tài chính - Marketing TP.HCM, phân tích ngành này cũng đang có nguy cơ phụ thuộc nước ngoài ở cả đầu vào và đầu ra. Chẳng hạn, VN có khả năng sản xuất muối công nghiệp, thế nhưng đã có năm chúng ta nhập khẩu khoảng 80.000 tấn muối công nghiệp, nâng tổng lượng muối nhập khẩu lên tới 200.000 tấn. Chúng ta phải nhập nguyên liệu đầu vào để gia công, hoàn chỉnh thành phẩm hàng hóa theo yêu cầu của các hợp đồng mua hàng như ngành dệt may, điện tử... Thậm chí kim khâu, chỉ khâu cũng phải nhập.

Phụ thuộc nước ngoài về vốn đầu tư, trong khi vốn trong nước lại không được huy động một cách thích hợp. Mục tiêu đến năm 2020 nước ta trở thành nước công nghiệp, song cho đến nay nhiều ngành trong nền kinh tế vẫn còn ở trình độ gia công cho nước ngoài.

Thu hút FDI phải có cam kết

Bất chấp những thành tích về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), TS Võ Đại Lược, chuyên gia kinh tế, thẳng thắn nêu quan điểm: “Chúng ta cần có các nhà đầu tư nước ngoài song song với đầu tư trong nước mới có một nền kinh tế phát triển vững mạnh được”.

Theo ông Lược, thực tế thu hút FDI của chúng ta hiện nay cái được quá nhỏ so với cái mất. Không ít nhà đầu tư nước ngoài đang tận dụng được nguồn nhân công giá rẻ, tìm cách “ép” chúng ta bởi chính sách lỏng lẻo mà ta cứ "lờ" như không biết. Theo ước tính trong 11 tháng vừa qua, FDI đã vượt 20 tỉ USD. Giả sử với nguồn tiền ấy, nếu mang bỏ vào ngân hàng các nước, mức lãi suất nhà đầu tư hưởng chỉ 1-2%, trong khi VN lãi suất trần cũng được 7%. Song song đó lại có chính sách tăng dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước khiến nhà đầu tư ngoại chưa làm gì cũng đã hưởng lợi kép rồi. Khó có quốc gia nào bỏ tiền vào ngân hàng nhận được lãi cao như ở VN. Đặc biệt, chúng ta đang trả giá bằng môi trường mà chưa có thống kê cụ thể nào. "Tôi đi thăm một số khu công nghiệp, nhận thấy tỷ lệ doanh nghiệp (DN) FDI mang công nghệ hiện đại tối tân vào VN chỉ đạt 5%, 95% còn lại là công nghệ truyền thống, hoặc quá lạc hậu. Phong trào lấp đầy các khu công nghiệp bằng mọi giá đã đến lúc trả giá. Sự lệ thuộc này càng chua chát hơn khi chính chúng ta đang làm hại chúng ta bằng chính sách mời gọi dễ dãi", TS Lược nói.

Theo ông Lược, về thu hút FDI, phải có những cam kết hết sức rõ ràng: Nếu không chuyển giao được công nghệ tối tân hiện đại, không được hưởng ưu đãi. Thực tế hiện nay là nhiều DN FDI tận dụng mọi chính sách ưu đãi về giá thuê đất, thuế, nhân công... mà thậm chí DN trong nước không được ưu đãi bằng. Thuế không nộp vì lỗ, lỗ đến 10-20 năm vẫn được yên, trong khi DN nội địa nợ thuế là bị truy tận gốc.

Về vĩ mô, cần những điều chỉnh về chính sách tỷ giá, chính sách thu hút FDI, chính sách khuyến khích DN trong nước, chính sách thu hút và đào tạo nhân tài... Về luật, các luật phá sản, luật môi trường nên theo chuẩn các nước tiên tiến. “Họ đã có bộ luật về môi trường tốt rồi, tại sao chúng ta không tận dụng mà lại viết riêng luật để phải hở trước hở sau, khi xảy ra chuyện không biết đường ứng cứu?”, ông Lược nêu vấn đề.

Chuyển đổi mô hình tăng trưởng

Theo PGS-TS Đào Duy Huân, để tăng nội lực nền kinh tế, tránh nguy cơ lệ thuộc ngày càng nặng, VN phải bắt tay chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu. “Bốn yếu tố then chốt cơ bản trong quá trình tăng trưởng nền kinh tế cần phải hội đủ là lao động, tài nguyên, vốn và công nghệ. Ngoài ra, để các nhân tố này phối hợp được với nhau một cách hiệu quả, cần thiết phải có cơ chế, chính sách hiệu quả để đảm bảo cho những sáng chế, phát minh được bảo vệ và trả thù lao một cách xứng đáng”, ông Huân nói.

Nguyễn Trần Tâm - Nguyên Nga

>> Vốn FDI vượt con số 20 tỉ USD
>> Doanh nghiệp FDI được mở tài khoản bằng tiền đồng
>> Vốn FDI đăng ký mới tăng tới 79%
>> Thu hút hơn 8,2 tỉ USD vốn FDI

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.