Những chúa đảo biển Tây - Kỳ 5: 'Bí ẩn' chúa Hòn Heo

01/09/2013 11:00 GMT+7

Hòn đảo lớn nhất trong quần đảo Bà Lụa, cũng là nơi đặt trụ sở hành chính của xã Sơn Hải, một thời từng gắn liền với tên vị hảo hớn mà cuộc đời của ông đến giờ vẫn là một ẩn số.

Những chúa đảo  biển Tây: 'Bí ẩn' chúa Hòn Heo

Hòn Heo giờ xóm làng sung túc nhất quần đảo Bà Lụa - Ảnh: T.T

“Cái thời ban sơ ra đây lập nghiệp, dân đảo luôn cần những người có bản lĩnh dẫn dắt. Nếu không thì không chết vì sóng gió, bệnh hoạn, cũng không yên với cướp biển, lính tráng... Những thứ đó, ông Tư Hạc đối phó được hết. Nên dân ở đây nể ổng, thương ổng. Người ta gọi Hòn Heo này là Hòn Heo ông Tư Hạc”, giọng trầm trong chiều muộn của người đàn ông nhiều trải nghiệm sóng gió đã thúc giục tôi phải tìm kiếm nhân vật mà đến giờ dân đảo vẫn nhắc với sự kính trọng.

Hảo hớn nơi đảo vắng

Những chúa đảo  biển Tây: 'Bí ẩn' chúa Hòn Heo

Ông Hai Tỷ (82 tuổi), con của chúa đảo Hòn Heo Trần Văn Hạc

Sụp tối. Trời bỗng nổi cơn phong ba. Gió từ hướng tây đánh rát mặt người mới tới. Cái bắt tay bất ngờ của ông cụ có nụ cười lịch lãm khiến chúng tôi có cảm giác yên lòng giữa vùng đảo xa lạ này. Ông Hai Tỷ (Trần Văn Tỷ, 82 tuổi) là người hiểu biết và được người dân gần xa trong quần đảo kính trọng. Ông giữ "kho" chuyện xa xôi của những người mà nếu không có những câu chuyện ấy, tên tuổi của họ cũng sẽ khuất lấp theo những ngôi mộ vô danh trên đảo hoang. Ông Tỷ có thói quen hay lý giải tận tường những gì mình nói ra. Nhưng ông lại không lý giải hết những bí ẩn về ba ông, ông Tư Hạc (Trần Văn Hạc).

Người ta nói ông Tư Hạc là người của Việt Minh, nhưng hết hải tặc, rồi đến Pháp, Mỹ cũng đều tìm đến ông khi họ hiện diện tại quần đảo này. Có người nói ông là một cao thủ võ lâm, cũng có người nói ông là thầy bùa Lỗ Ban, là thầy thuốc... hay hành hiệp trượng nghĩa giúp người. Ông Tư Hạc ra quần đảo Bà Lụa sinh sống bằng nghề đóng ghe đi biển. Dân đảo còn truyền miệng rằng những chuyến ghe do bàn tay ông Tư Hạc đóng nhỏ lớn bất kể, đều rất an toàn trước sóng to gió lớn. Thậm chí, người tin tưởng còn thêu dệt thêm, ghe của ông đóng đi biển thường trúng hơn các ghe khác... Cứ thế, cứ thế... hình ảnh ông Tư Hạc trở nên vững vàng trong lòng dân đảo, những người lưu xứ ra tận đảo xa này rất cần có một niềm tin.

“Ông nói chuyện người ta rất tin tưởng nên có lời đồn ông có bùa Lỗ Ban”, ông Trương Văn Còn, nguyên Chủ tịch xã Sơn Hải, nhớ lại. Ví như ghe tàu ai bị cướp bóc, ông Tư Hạc sẽ lặn lội tìm tướng cướp để nói chuyện và y như rằng, tàu của nạn nhân sẽ được thả. Hay như các tàu buôn từ Thái Lan, Campuchia chở đường qua đổi cá, mực của dân trên quần đảo cũng được ông Tư Hạc nói chuyện để đảng cướp cho yên ổn làm ăn. Vì nếu họ bị cướp thì sẽ không ai dám giao thương với dân trên đảo nữa. Dù ông biết rằng, nếu căng buồm về hướng tây chẳng bao lâu là lọt vào quần đảo Hải Tặc. Thậm chí, có tướng cướp trong băng đảng “Cánh buồm đen” còn kết giao với ông Tư Hạc. Họ cùng nhau khai khẩn đảo hoang và giúp đỡ người cô thế.

Ông Trương Văn Còn nhớ lại quãng đời trai trẻ trôi dạt ra đây trốn lính, ông mới biết tấm lòng của chúa đảo Tư Hạc. Từ những người lánh quân dịch hay các “lao công chiến trường”, bị kỷ luật “cạo đầu khô, tô dầu hắc” cũng từng phải nhờ ông Tư Hạc che chở. Không hiểu ông nói chuyện thế nào mà quân đội Sài Gòn giao hẳn cho ông một khẩu súng ngắn để ông “giữ đảo”. Mỗi khi cảnh sát dã chiến chuẩn bị hành quân ra đảo thì họ điện cho ông. Khi có lính đất liền ra, nghe tiếng súng ông Tư Hạc thì trai tráng sẽ rút hết lên rừng núi. Ai xui lắm bị tóm được thì chỉ cần một lời của ông Tư là được thả ra. Ông Tỷ kể, ban ngày là thế, còn ban đêm cha con ông chỉ huy trai tráng bẻ dừa chất đầy trên các ghe giấu trong rừng ở mũi Miếu Bà đem về đất liền bán quyên tiền cho quân kháng chiến.

Xây dựng đảo hoang

Ông Hai Tỷ nói gia đình ông ở Ba Động (Trà Vinh). Ba của ông trước tham gia Việt Minh, bị Pháp truy đuổi ra tới tận đảo này. Lúc ông Tư Hạc có mặt, Hòn Heo đã qua 2 đời chúa đảo. Quần đảo âm u với nạn cướp bóc đầy rẫy. Các chúa đảo thật khó lòng để bảo vệ cuộc sống của dân đảo. 2 đời chúa đảo trước là ông Hai Nhu chết bí ẩn được chở qua chôn cất ở Hòn Rễ Lớn. Đến đời chúa đảo Tám Đạm thỏa hiệp được với các nhóm thảo khấu thì bị quân lính từ Ba Hòn ra giết chết. Giữa vùng biển đảo mênh mông, những người dân tứ cố rất cần có người đứng ra lãnh đạo tinh thần. Không hề có họp hành, bầu bán, nhưng ông Tư Hạc, một người giỏi võ nghệ và uy tín, mặc nhiên được coi như chúa đảo. Dân trong quần đảo được yên ổn làm ăn.

Tuy giỏi đóng xuồng ghe, nhưng ông Tư lại khuyến khích người mới đến khai khẩn đảo hoang. Ông cho tìm khắp các đảo, nơi nào có dừa, có giống cây ăn trái, hoa màu... thì mang về Hòn Heo để trồng. Hàng ngàn cây dừa được nhân ra khắp hòn đảo trong thời gian không dài. Nhờ vậy, Hòn Heo có nguồn "lương thực" vững chắc, dù biển có sóng gió, đất liền có khói lửa binh đao.

Thế nhưng cũng chẳng bao lâu, Pháp đưa quân ra chiếm Hòn Heo, chủ yếu để giành huê lợi. Có lúc người Pháp mang ra đảo đến 500 dân phu, tù khổ sai để canh tác xoài, cà phê... Dân Hòn Heo nghe lời chúa đảo Tư Hạc không làm thuê cho Pháp mà tản cư khắp nơi, người vào Bình An, người đi tìm các hòn đảo khác tá túc... Mãi đến năm 1954, khi người Pháp rút đi thì dân đảo mới trở lại cất nhà. Chúa đảo Tư Hạc xung phong trở về cất nhà trước, rồi sau đó đến nhà ông Cảnh, ông Đoan, ông Miên... Hòn Heo có lại xóm làng.

Ông Trương Văn Còn nói có lẽ do lúc ly loạn, phải bỏ vợ con lại quê hay nỗi lòng trắc ẩn thế nào mà ông Tư Hạc không lập gia đình ở đảo, chỉ ở vậy, nhận trẻ em cơ nhỡ về làm con nuôi. Các con, cháu ông nay cũng đều thành đạt trên xứ đảo.

Tiến Trình

>> Những chúa đảo biển Tây: Hiệp sĩ mù trên 'đảo ma
>> Những chúa đảo biển Tây - Kỳ 2: Chúa đảo họ Tiết
>> Những chúa đảo biển Tây - Kỳ 3: Các nữ chúa trên hòn Mây Rút
>> Những chúa đảo biển Tây - Kỳ 4: Ám ảnh xác trôi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.