Tổng thống Indonesia 'sốc' với vụ chánh án tối cao bị bắt

03/10/2013 21:40 GMT+7

(TNO) Vụ bắt giữ người đứng đầu nền tư pháp vì cáo buộc tham nhũng diễn ra đêm 2.10 đã "gây sốc" đối với Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono.

>> Chánh án Tòa án Hiến pháp Indonesia bị bắt vì nhận tiền hối lộ

Ông Akil Mochtar nhậm chức Chánh án tối cao hồi tháng 8.2013 trước sự chứng kiến của Tổng thống Yudhoyono - d
Ông Akil Mochtar nhậm chức Chánh án tối cao hồi tháng 8.2013 trước sự chứng kiến
của Tổng thống Yudhoyono - Ảnh: Phủ tổng thống Indonesia

Chánh án tối cao Akil Mochtar cùng 2 chính trị gia khác bị Ủy ban Tiệt trừ Tham nhũng (KPK) bắt tại tư dinh của ông Akil ở phía nam thủ đô Jakarta, báo Jakarta Globe đưa tin.

Hai chính trị gia bị bắt là ông Chairunissa thuộc đảng Golkar và dân biểu Hambit Bintih của huyện Gunung Mas, tỉnh Đông Kalimantan.

Sau đó, KPK tiếp tục bắt 2 doanh nhân có liên quan trong cáo buộc tham nhũng này tại một khách sạn ở quận Trung tâm Jakarta cùng trong đêm.

Phát ngôn viên của KPK Johan Budi cho biết họ cũng tịch thu tại nhà ông Akil số đô la Singapore và đô la Mỹ trị giá 3 tỉ rupiah (5,6 tỉ đồng), cùng chiếc Toyota Fortuner màu trắng mà hai chính trị gia kia dùng để đến nhà ông Akil.

Số tiền trên được nói là tiền hối lộ cho ông Akil để ông này ra phán quyết có lợi cho dân biểu Hambit Bintih.

Trong cuộc bầu cử ở huyện Gunung Mas hồi đầu tháng 9.2013, ông Hambit Bintih và một dân biểu khác được ủy ban bầu cử địa phương công bố thắng cử.

Tuy nhiên, hai đối thủ thất bại đã kiện lên Tòa án tối cao với cáo buộc có gian lận trong quá trình bầu cử.

Tòa án tối cao Indonesia mà ông Akil chính thức đứng đầu từ tháng 8 năm nay có tên gọi là Tòa Hiến pháp, gồm 9 chánh tòa tối cao, kể cả ông Akil. Nhiệm kỳ của các chánh tòa là 5 năm.

Ông Akil, 62 tuổi, từng là chính trị gia đảng Golkar, và chuyển sang Tòa Hiến pháp từ năm 2008. 

“Vụ này thật là sốc. Đặc biệt Tòa Hiến pháp là một cơ quan vô cùng quan trọng và có vai trò to lớn trong nền hành chính quốc gia”, Tổng thống Yudhoyono phát biểu tại cuộc họp báo chiều 3.10.

Theo Hiến pháp 1945 của Indonesia, tòa án này có vai trò phán quyết về “các vấn đề nền tảng” như luật pháp, bất đồng giữa các cơ quan trong thể chế, các cuộc bầu cử quốc gia cũng như bầu cử địa phương.

“Tham nhũng ở tòa án này sẽ đe dọa đến hệ thống dân chủ của quốc gia”, ông Yudhoyono nói.

Ông Yudhoyono cũng nhắc nhở: “Trên hết, tất cả cán bộ thực thi pháp luật từ mọi cơ quan cần phải công bằng. Đừng chơi trò chính trị trong lúc phán quyết về sự thật và công lý. Đặc biệt, đừng đùa với đồng tiền”, theo báo Jakarta Globe.

Báo này cũng trích lời các chuyên gia gọi đây là một “sự nhục nhã”.

Cựu chánh án tối cao Jimly Asshiddiqqie nói: “Điều mà Akil đã làm thật là một sự nhục nhã”, bởi theo ông tòa án này từng nổi tiếng là một trong những cơ quan “sạch sẽ nhất” ở quốc gia mà nạn tham nhũng vốn là căn bệnh trầm kha.

Emerson Yuntho, một điều phối viên của tổ chức theo dõi tham nhũng Corruption Watch của Indonesia thì nói: “Vụ bắt giữ là một thảm họa về mặt thể chế”.

Hiện tại, giám đốc KPK Abraham Samad cho biết chưa thể quyết định được tình trạng pháp lý của của ông Akil: “Chúng tôi phải đợi 24 giờ. Chúng tôi chưa quyết định tình trạng pháp lý của ông ấy vì còn đang thẩm vấn”.

Trong khi đó, cựu chánh án Jimly cho rằng các công tố viên cần đề nghị mức án tử hình đối với ông Akil.

“Bản án tử hình sẽ có tác dụng răn đe”, ông Jimly phát biểu trên Republika.co.id.

Thục Minh
(Văn phòng Singapore)

>> Trung Quốc - Indonesia tăng cường quan hệ
>> Thị trường ASEAN và miếng bánh cho Indonesia
>> Núi lửa Indonesia phun cột khói cao 3 km
>> Bộ trưởng Indonesia kêu gọi hủy bỏ Miss World 2013
>> Xe buýt rơi xuống sông tại Indonesia, 18 người chết
>> Biểu tình bùng phát ở Indonesia

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.