Bài dự thi: Cháu có sợ bác sĩ không ?

08/11/2013 05:30 GMT+7

Câu chuyện của chúng tôi đã trôi qua 30 năm. Vào năm 1983, thời điểm nhà nước còn bao cấp. Cuộc sống nhà nhà và xã hội còn quá nhiều thứ mà đến nay khi đất nước ta đã đổi mới, đi vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhiều người đã từng sống và trải qua thời bao cấp sẽ không bao giờ quên được, thậm chí có thể rùng mình thoáng nghĩ: “May mà đã đổi mới được”.

 Em gái tôi ngày ấy - d
Em gái tôi ngày ấy - Ảnh: P.T.N.D

Gia đình tôi cũng như bao gia đình khác, vật lộn với bao khó khăn của thời điểm nhà nhà tăng gia sản xuất. Cái ăn, cái mặc cứ như đeo dai dẳng vào cái khó, cái nghèo bao cấp. Ấy thế mà đã có lúc cả nhà tôi 5 con người - cha mẹ và 3 anh em chúng tôi, đã phải “cư ngụ” ở Bệnh viện Nhi đồng 2 một tuần lễ liền, bởi chị em chúng tôi bị sốt xuất huyết.

Căn phòng chị em chúng tôi nằm điều trị lúc nào cũng ồn ào, náo nhiệt bởi những bậc cha mẹ cứ tất tả chăm lo cho con nhỏ. Thật lạ rằng khi ông bác sĩ già bước vào khám bệnh mỗi buổi sáng sớm và mỗi tầm xế chiều thì căn phòng liền im bặt. Dường như bọn trẻ sợ chết khiếp ông bác sĩ già này. Dĩ nhiên hai chị em tôi cũng không phải ngoại lệ, nhất là em gái tôi, nó rất sợ ông. Cứ thấy ông là thuốc đắng cỡ nào nó cũng phải uống cho hết sạch mặc dù ông chưa bao giờ lớn tiếng.

Mỗi buổi sáng, khi ông bước đến bên em gái tôi, ông đều hỏi: “Cháu có sợ bác sĩ không?”. Và nhỏ em gái tôi thì sợ chết khiếp đến nỗi chỉ dám gật gật cái đầu bướng bỉnh của nó để trả lời ông. Vẫn bằng cái giọng xứ Huế đầy ngọt ngào, nhẹ nhẹ, ông trìu mến: “Thế thì ông sẽ khám cho cháu nhé!”. Cử chỉ của ông cũng từ tốn như dáng vẻ nhẹ nhàng, thanh thoát của ông. Ông chu đáo xem xét từng ngón tay, ngón chân, bàn tay, bàn chân, mắt, mũi, miệng, bụng, cả hơi thở của chúng tôi.

Một ngày ông không đến khám, chúng tôi như thấy thiếu thiếu một điều quan trọng và thân thương. Em gái tôi cứ hỏi ba mẹ hoài: “Ông bác sĩ già của con đâu rồi?”. Khi hôm sau ông vào thăm bệnh, em gái tôi đã không chờ ông hỏi câu hỏi quen thuộc: “Cháu có sợ bác sĩ không?”, thì nó đã hùng hồn nói trước với ông luôn: “Con không có sợ ông đâu!”. Ông bật lên cười khà khà. Gương mặt ông thật đôn hậu đến lạ. Ngày đó, tôi chỉ có thể cảm nhận được rằng khi đó trông mặt ông thật hiền hòa, không nghiêm nghị. Và ông lại bắt đầu những cử chỉ ân cần, chu đáo và trìu mến của người bác sĩ đối với các bệnh nhi.

Một tuần đã trôi qua, chị em chúng tôi phải chia tay ông để xuất viện về nhà. Trước lúc xuất viện, ông cũng vẫn ghé vào thăm và chào tạm biệt cả nhà tôi. Ông cũng vẫn hỏi em gái tôi rằng có sợ ông không. Cứ như phải xa một người thân trong gia đình, chị em tôi không biết phải nói gì, làm gì, chỉ biết ôm ông thật chặt và khóc thật nhiều. Ông cũng khóc đó, giọt nước mắt chỉ khẽ rơi trên đôi gò má nhô lên đầy xương xẩu.

Với chúng tôi, những bệnh nhi bị sốt xuất huyết, chắc chắn không thể bệnh nặng bằng các bệnh nhi khác trong căn phòng bệnh ngày đó, nhưng ông đã thể hiện hết tấm lòng và lương tâm người bác sĩ trong những điều nhỏ nhất. Những điều nhỏ nhưng lại chan chứa rất nhiều và rất rõ y đức của một người bác sĩ. Sự bình dị của ông, sự nhiệt tâm với bệnh nhi, sự làm tròn trách nhiệm của một người bác sĩ trong quá trình khám, chữa, điều trị và theo dõi bệnh nhi của ông đã khiến tôi vẫn luôn có một niềm tin lớn mạnh rằng trong ngành y học nước nhà vẫn còn rất nhiều, rất nhiều những lương y như ông bác sĩ Thủy của chúng tôi. Và chúng ta vẫn cần lắm những con người đầy y đức như ông.


 

Nhằm khuyến khích mọi người tỏ lòng tri ân đến các y, bác sĩ đã chăm sóc và giúp bạn, người thân vượt qua bệnh tật, Bệnh viện FV tổ chức chương trình chia sẻ mang tên “Câu chuyện của bạn” từ 7.10.2013 đến 29.12.2013 với tổng giá trị giải thưởng 47 triệu đồng. Bài viết tham gia bằng tiếng Việt, từ 500 - 1.500 chữ, gửi về website: http://viban.fvhospital.com hoặc email:cauchuyencuaban@fvhospital.com. Thông tin thêm vui lòng truy cập http://viban.fvhospital.com hoặc đường dây nóng: 0949646349.


Phan Thị Ngọc Dung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.