Gặp rắc rối khi đổi SIM vì... ít gọi điện

17/10/2022 17:50 GMT+7

Khách hàng không thể liệt kê đủ số thuê bao thường xuyên liên lạc, có thể gặp nguy cơ bị từ chối đổi SIM tại điểm dịch vụ ủy quyền của nhà mạng.

Khi dịch vụ OTT (liên lạc qua internet) ngày càng phổ biến, người dùng có thói quen nhắn tin, gọi điện nhiều hơn qua các nền tảng này. Dù thuận tiện và chi phí rẻ, thói quen dùng OTT có thể khiến người dùng gặp phiền toái khi cần cung cấp các thông tin bổ sung nhằm xác thực chính chủ khi đổi SIM hoặc cấp lại, chuyển đổi định dạng SIM.

Thói quen ít thực hiện đàm thoại có thể khiến người dùng gặp phiền phức khi làm lại SIM

anh quân

Anh Quốc Huy (Hà Nội) mới đây rơi vào cảnh khó xử khi bị cửa hàng từ chối cấp lại SIM dù có giấy tờ chứng minh là chủ sở hữu thuê bao. "Cửa hàng sau khi kiểm tra căn cước công dân (CCCD) tôi dùng đăng ký số điện thoại cần cấp lại SIM thì yêu cầu phải khai báo được ít nhất 2 số liên lạc thường xuyên theo đúng thủ tục. Tuy nhiên tôi rất ít khi gọi điện nên chỉ xác thực được 1 số điện thoại hay gọi đi nhất là của vợ", anh Huy chia sẻ.

Cụ thể, nhân viên cửa hàng (được xác định là một đại lý ủy quyền của nhà mạng) không chấp nhận những số liên lạc gần nhất mà bắt buộc chủ thuê bao phải cung cấp số điện thoại được "gọi thường xuyên trong thời gian gần đây". Những số chỉ gọi 1 - 3 lần không đáp ứng điều kiện trên, do vậy cửa hàng từ chối hỗ trợ và đề nghị anh đến đại lý chính thức của nhà mạng để được hỗ trợ.

"Nhân viên cửa hàng nói họ không được quyền cấp lại SIM do tôi không khai báo đủ số điện thoại thường xuyên gọi. Họ cũng xác nhận tôi là chính chủ thuê bao, xem thông tin biết tôi rất ít khi gọi điện nhưng cho biết không đủ thẩm quyền hỗ trợ", anh Huy cho biết thêm.

Theo hướng dẫn của nhân viên, anh phải di chuyển khá xa để tới được đại lý cấp cao hơn. Tại đây, hỗ trợ viên cũng yêu cầu anh khai báo số điện thoại hay gọi, nếu không thể cung cấp sẽ xin xét duyệt để giải quyết yêu cầu của anh. Cuối cùng, yêu cầu cấp lại SIM mới được giải quyết cho chính chủ.

Tuy không mất thuê bao, quy trình này cũng khiến người dùng lo ngại vì thói quen ít sử dụng tính năng gọi đi từ số điện thoại có thể khiến họ phải trải qua các thủ tục rắc rối hơn khi cần cấp lại SIM.

Trao đổi với Thanh Niên về các tiêu chuẩn xin cấp, đổi SIM, đại diện nhà mạng Viettel cho biết hiện nay số điện thoại di động không đơn thuần là một thuê bao viễn thông mà còn gắn liền với nhiều dịch vụ, tiện ích, thông tin định danh khác, do vậy quy trình bảo mật phải làm rất chặt để bảo vệ quyền lợi của người dùng.

Bên cạnh đó, những cửa hàng dạng ủy quyền sẽ bị giới hạn một số nghiệp vụ nên sẽ không thể tùy ý xử lý các trường hợp không thuộc khả năng được cho phép. "Trường hợp mua SIM điện thoại nhưng ít dùng là hãn hữu và có thể được xử lý, hỗ trợ ở cấp đại lý cao hơn", phía Viettel giải thích thêm.

Trong khi đó, đại diện MobiFone cho hay trong đa phần trường hợp, người dùng chứng minh được quyền sở hữu thuê bao sẽ được đại lý hỗ trợ mà không đòi hỏi quá nhiều về mặt thủ tục. "Việc cung cấp CCCD hay chứng minh thư gắn liền với thuê bao, khai báo một số thông tin liên quan, số thường xuyên liên lạc là đủ điều kiện để xin cấp lại SIM hoặc đổi qua eSIM. Tuy nhiên trong một số trường hợp có dấu hiệu khả nghi, ví dụ hình ảnh người dùng không trùng khớp với hệ thống hay giấy tờ tùy thân, cửa hàng có thể yêu cầu thêm các bước xác minh", đại diện nhà mạng nói.

Đại diện một nhà mạng lớn khác là VinaPhone cũng giải thích thêm về quy trình hỗ trợ đối với chủ thuê bao hiện hành: "Đối với SIM bị hỏng, chủ sở hữu cần ra quầy giao dịch, cung cấp giấy tờ chính chủ và thẻ SIM gốc. Trường hợp SIM bị mất cũng yêu cầu thông tin tương tự, nhưng cần khai báo thêm 5 số thuê bao liên lạc gần nhất. Quy trình này sẽ khác đôi chút giữa khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp vì còn liên quan tới hồ sơ của đơn vị đăng ký và người đại diện".

Việc xin cấp lại, đổi mới áp dụng chung các điều kiện giữa SIM vật lý và eSIM, điểm khác biệt duy nhất là với khách đăng ký eSIM sẽ được cấp một mã QR thay vì thẻ SIM cứng truyền thống sau khi hoàn tất thủ tục xác minh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.