Giá gạo tăng đột ngột, xuất hiện tình trạng doanh nghiệp muốn ‘lật kèo’

Chí Nhân
Chí Nhân
26/07/2023 15:47 GMT+7

Lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ đã đẩy giá gạo tăng mạnh khắp châu Á đồng thời gây nên sự xáo trộn mạnh trên thị trường toàn cầu. Mới đây, tại Việt Nam đã xuất hiện tình trạng doanh nghiệp muốn “lật kèo”. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo có thể xảy ra các biện pháp “trả đũa” thương mại.

Ngày 25.7, thị trường lúa gạo châu Á bắt đầu điều chỉnh tăng, giá gạo 5% tấm của Việt Nam tăng thêm 10 USD, lên 543 USD/tấn trong khi gạo cùng phẩm cấp của Thái Lan tăng tới 23 USD, vọt lên cao nhất thế giới với 573 USD/tấn. Ngay tại thị trường Việt Nam, đã xảy ra tranh chấp giữa các doanh nghiệp nội địa và nhờ đến sự tư vấn của luật sư cũng như để ngỏ khả năng đưa nhau ra tòa vì đối tác "lật kèo".

Giá gạo tăng đột ngột, xuất hiện tình trạng doanh nghiệp muốn ‘lật kèo’ - Ảnh 1.

Đã xuất hiện dấu hiệu "lật kèo" ở một số doanh nghiệp cung ứng gạo khi giá tăng cao

CHÍ NHÂN

Cụ thể, trong ngày 25.7, một doanh nghiệp kinh doanh gạo ở TP.HCM tên T.K phải nhờ luật sư làm việc với đối tác là công ty Đ.T ở tỉnh Tiền Giang. Theo đó, hai đơn vị trên có hợp đồng 2.000 tấn gạo 5% và 1.000 tấn gạo 25%; bên mua đã thông báo nhiều lần yêu cầu bên bán cung ứng hàng theo hợp đồng đã ký. Tuy nhiên, phía bên bán muốn bên mua "hỗ trợ thêm giá" mới chịu giao hàng với lý do "giá gạo trên thị trường tăng cao đột ngột". Phía công ty T.K cho biết nếu không nhận được gạo theo đúng hợp đồng đã ký sẽ khởi kiện đối tác ra tòa.

Đây là bằng chứng cho thấy thị trường gạo đang rất căng thẳng sau khi lệnh cấm của Ấn Độ được ban hành ngày 20.7. Nhiều chuyên gia dự báo, nếu giá gạo tiếp tục tăng thì tình hình thị trường sẽ còn phức tạp hơn.

Trên bình diện quốc tế, Reuters dẫn lời ông Pierre-Olivier Gourinchas, nhà kinh tế trưởng của IMF cho biết: Việc đình chỉ thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc ở Biển Đen và lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ có thể khiến giá ngũ cốc toàn cầu tăng thêm 10 - 15% trong năm nay. Những diễn biến này đang làm trầm trọng thêm việc tăng giá lương thực ở phần còn lại của thế giới và dẫn đến các biện pháp "trả đũa" thương mại. "Nên loại bỏ các hạn chế này vì chúng có thể gây hại trên toàn cầu", ông Gourinchas phát biểu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.