Giả mạo giấy chuyển khoản để 'sống ảo', lừa đảo

Thanh Xuân
Thanh Xuân
18/04/2023 17:35 GMT+7

Sử dụng dịch vụ làm hóa đơn giả, Wifi công cộng... đều có thể là nguồn cơn dẫn đến lộ thông tin, mất tiền.

Dịch vụ "fake bill" và  tiền bốc hơi

Giao dịch mua bán hàng hóa qua mạng xã hội, thương mại điện tử ngày càng trở nên phổ biến, đi kèm theo đó là các hình thức thanh toán chuyển khoản đa dạng. Đánh vào tâm lý này, một dịch vụ nở rộ gần đây là làm "bill" chuyển khoản ngân hàng giả (fake bill) theo yêu cầu với chi phí chỉ vài chục ngàn đồng.

Một dịch vụ rao công khai trên Facebook: "Làm bill chuyển tiền theo yêu cầu mọi ngân hàng. Mục đích: Sống ảo trên mạng; đăng khoe thành tích bán hàng (tăng độ uy tín khi bán được nhiều đơn hàng); troll bạn bè người thân nhân các ngày lễ đặc biệt… Làm trước, thanh toán sau…". Thế nhưng, chiêu này được một số kẻ gian lợi dụng để lừa đảo.

Cảnh báo hàng loạt thủ đoạn lừa đảo tinh vi - Ảnh 1.

Người dân cần thận trọng khi mua bán trên mạng xã hội

NGỌC THẠCH

Mới đây, Công an huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, đã bắt giữ 2 phụ nữ là B.M.Nguyệt và K.T.Nga chuyên làm giả hóa đơn chuyển khoản ngân hàng để lừa đảo. Thủ đoạn được Nguyệt áp dụng là đến các cửa hàng dược phẩm, quần áo thời trang, tạp hóa… trên địa bàn để mua hàng và đề nghị thanh toán chuyển khoản qua Internet Banking. Sau khi các chủ cửa hàng cung cấp số tài khoản ngân hàng, Nguyệt gửi thông tin cho Nga qua ứng dụng Zalo để Nga làm giả các hóa đơn chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng sau đó gửi lại Nguyệt để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tổng cộng, Nguyệt đã lừa đảo 5 bị hại với số tiền 8 triệu đồng.

Trước đó, tại Ninh Bình, bà B.T.Bích dùng mạng xã hội mua hàng của chị N.T.N và chụp hình ảnh chuyển khoản tiền thanh toán thành công lên đến 47 triệu đồng. Khi kiểm tra tài khoản, chị N.T.N phát hiện không có tiền và đã trình báo công an. Công an đã bắt giam bà Bích vì hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Khai báo trước cơ quan công an, bà Bích khai lấy nhiều tài khoản mạng xã hội để mua hàng của chị N.T.N, sau đó dùng phần mềm tạo hóa đơn chuyển tiền giả. Trên thực tế, chị N. không nhận được tiền.

Những thủ đoạn lừa đảo sử dụng công nghệ cao biến tướng khá tinh vi được tội phạm triển khai thời gian gần đây bị các ngân hàng thông báo để người dân tránh. Đó là, kẻ gian thu thập thông tin của cá nhân mà đối tượng muốn thực hiện hành vi giả mạo, sau đó lập tài khoản mạng xã hội như Facebook, Zalo… có ảnh đại diện, tên tài khoản, hình nền giống với người bị mạo danh. Sau đó nhờ một người có tên tương tự để mở tài khoản ngân hàng trùng với người bị giả mạo. Sau khi kết bạn với người trong danh bạ (được cho là dữ liệu mua từ bên thứ 3), đối tượng giả mạo sẽ nhắn tin, sử dụng công nghệ AI để làm giả cuộc gọi video-call hỏi vay tiền với lý do cần việc gấp, cần tiền chữa bệnh…, rồi gửi số tài khoản có tên chủ tài khoản chính xác là người bị mạo danh, khiến nhiều người tin tưởng và chuyển tiền đến tài khoản đó.

Đối tượng lừa đảo sử dụng công nghệ cao, ẩn danh dưới số điện thoại giống hệt số điện thoại của cơ quan công an, viện kiểm sát để gọi điện thông báo khách hàng đang bị điều tra do liên quan tới hành vi phạm pháp luật. Lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin, kết hợp với tâm lý e ngại khi làm việc với cơ quan chức năng, đối tượng lừa đảo có thể dùng lời lẽ đe dọa yêu cầu người dân cung cấp thông tin thẻ, tài khoản, mã OTP… Đồng thời, yêu cầu chuyển tiền vào các tài khoản đã được chỉ định với vỏ bọc xác minh, điều tra nhằm chiếm đoạt tài sản.

Sử dụng wifi công cộng cũng nguy cơ lộ thông tin

Một số thủ đoạn lừa đảo mới khác mà người dân cần lưu ý như giả mạo đường dây nóng của ngân hàng trên công cụ tìm kiếm để khi khách hàng gọi đến số điện thoại giả, các đối tượng sẽ mạo danh nhân viên ngân hàng, yêu cầu khách hàng cung cấp các thông tin đăng nhập ngân hàng trực tuyến, mật khẩu, OTP để chiếm đoạt tài sản. Hoặc chuyển hướng cuộc gọi bằng cách giả mạo nhân viên chăm sóc khách hàng của các nhà mạng, gọi hỗ trợ giải quyết sự cố về bảo mật.

Sau một thời gian yên ắng, mạo danh tin nhắn thương hiệu ngân hàng đã xuất hiện trở lại nên người dân cần lưu ý khi nhận được tin nhắn ở chính thư mục tin từ ngân hàng gửi đến. Điểm nhận diện những tin nhắn giả mạo nằm trong chính hộp thư của ngân hàng này đó là luôn kèm theo một đường link (giả mạo) để yêu cầu người dân đăng nhập vào, từ đó chiếm quyền kiểm soát tài khoản ngân hàng.

Ngoài ra, một số thủ đoạn khác cũng đang được kẻ lừa đảo triển khai gần đây như mời rút tiền mặt từ thẻ tín dụng hoặc chuyển đổi giao dịch trả góp với lãi suất thấp. Từ đó yêu cầu khách hàng cung cấp hình ảnh 2 mặt thẻ hoặc số thẻ, CVV, OTP và số tiền cần rút. Kẻ gian hứa hẹn sẽ chuyển khoản lại tiền nhưng thực tế khách hàng không nhận được hoặc nhận được số tiền ít hơn nhiều so với số tiền đã bị ghi nợ trên thẻ trước đó.

Hoặc đối tượng mạo danh là nhân viên ngân hàng, gọi điện yêu cầu khách hàng cung cấp các thông tin thẻ tín dụng (số thẻ, ngày hết hạn thẻ, mã CVV, mã OTP…) để được hỗ trợ đóng phí bảo hiểm thẻ (khoảng 2 - 3 triệu đồng); hoặc được hưởng ưu đãi hoàn phí bảo hiểm liên kết thẻ tín dụng mà khách hàng đang tham gia. Sau khi có được thông tin, đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tiền trong thẻ tín dụng của khách hàng. Hoặc mạo danh nhân viên ngân hàng lừa đảo mở thẻ tín dụng giả, thu phí khách hàng; lừa đảo nâng hạn mức thẻ tín dụng với điều kiện đóng phí nâng hạn mức rồi sau đó chặn toàn bộ liên lạc với khách hàng.

Với tốc độ phát triển ngày càng cao về công nghệ, người sử dụng các thiết bị di động khi dùng Wifi công cộng cũng cần lưu ý độ an toàn bảo mật. Trong 5 năm trở lại đây, Cục An toàn Thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đưa ra cảnh báo nguy cơ mất an toàn thông tin trên các thiết bị sử dụng mạng không dây (Wifi). Một số ngân hàng, chuyên gia cảnh báo người dân hạn chế tối đa việc sử dụng Wifi công cộng, nhất là những Wifi không có mật khẩu để giao dịch ngân hàng, chuyển tiền, thanh toán… Tin tặc có thể thiết lập mạng Wifi giả mạo với tên giống hoặc tương tự các mạng Wifi công cộng chính thống. Khi người dùng kết nối vào mạng giả mạo này, tin tặc có thể kiểm soát hoạt động trên mạng và đánh cắp thông tin cá nhân của người dùng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.