Giảm áp lực tuyển sinh đầu cấp được không?

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
22/02/2023 06:07 GMT+7

Tuyển sinh vào lớp 10, vào đại học luôn là mối quan tâm hàng đầu của học sinh, phụ huynh. Áp lực của việc tuyển chọn đầu vào gắt gao sẽ không thể tránh khỏi, nhưng áp lực đến từ cách thi cử "đánh đố, đánh cược" có lẽ đã đến lúc cần xem lại.

CĂNG THẲNG VÌ XÁC ĐỊNH MÔN THI

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 ở Hà Nội năm nào cũng "căng như dây đàn", căng hơn nhiều so với kỳ tuyển sinh ĐH. Một trong những nguyên nhân cơ bản là số lượng học sinh (HS) trong độ tuổi tuyển sinh hằng năm tăng; mạng lưới trường công lập trên địa bàn thành phố hạn chế; chỉ tiêu vào các trường công lập thường chỉ chiếm khoảng 60%, trong khi tâm lý chung của phụ huynh và các trường THCS vẫn đánh giá thành tích của HS, giáo viên ở tỷ lệ đỗ vào trường THPT công lập.

Những tranh cãi, đồn đoán về kỳ thi này năm nào cũng diễn ra trên các diễn đàn dành cho phụ huynh HS, từ trước lúc công bố môn thi cho đến khi công bố điểm thi, điểm chuẩn. Năm nay, những tranh luận về việc thi 3 hay 4 môn đến thời điểm này vẫn chưa có hồi kết.

Không riêng Hà Nội, một số địa phương cũng tổ chức thi tuyển vào lớp 10 với quan niệm thi càng nhiều môn càng tốt, để tránh cho HS học lệch, học "tủ". Ví dụ tỉnh Bắc Giang năm nay vẫn khẳng định sẽ tổ chức thi 4 môn. Ông Tạ Việt Hùng, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bắc Giang, cho biết kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2023 - 2024 ở tỉnh này sẽ gồm các môn: toán, ngữ văn, ngoại ngữ, môn thứ 4 được công bố vào cuối tháng 3. Theo giải thích của lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh, môn thi thứ 4 không công bố sớm hơn để HS học tất cả các môn, tránh tình trạng chỉ học môn thi, bỏ các môn còn lại, dẫn đến không đảm bảo chất lượng dạy và học.

Số ít địa phương còn áp dụng bài thi tổ hợp gộp kiến thức của nhiều môn và công bố môn nào được chọn trong tổ hợp ấy vào thời điểm kỳ thi sắp diễn ra, với mục tiêu HS không được lơ là bất cứ môn học nào.

Giảm áp lực tuyển sinh đầu cấp được không? - Ảnh 1.

Thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội. Những tranh luận về việc thi 3 hay 4 môn vẫn chưa có hồi kết

ĐẬU TIẾN ĐẠT

UBND tỉnh Ninh Bình vừa phê duyệt kế hoạch tuyển sinh lớp 10 THPT với 3 bài thi, gồm: toán, ngữ văn và bài thi tổ hợp. Bài thi tổ hợp sẽ gồm câu hỏi kiến thức môn tiếng Anh và 2 môn, trong đó 1 môn trong các môn vật lý, hóa học, sinh học và 1 môn trong các môn lịch sử, địa lý, giáo dục công dân. Sở GD-ĐT sẽ công bố các môn bài thi tổ hợp trong tháng 4.

Tương tự, tỉnh Hưng Yên cũng quy định thí sinh dự thi vào lớp 10 THPT công lập không chuyên làm 3 bài thi gồm: toán, ngữ văn, bài thi tổng hợp. Trong đó, bài thi tổng hợp gồm kiến thức 3 môn: tiếng Anh, một môn khoa học tự nhiên (chọn trong các môn vật lý, hóa học hoặc sinh học), một môn khoa học xã hội (chọn trong các môn lịch sử, địa lý hoặc giáo dục công dân). Sở GD-ĐT sẽ quyết định chọn ngẫu nhiên một trong số các môn khoa học tự nhiên và một trong số các môn khoa học xã hội, thông báo cho thí sinh sớm nhất 45 ngày trước khi kết thúc năm học.

THI ÍT MÔN VẪN CÓ CÁCH KIỂM SOÁT CHẤT LƯỢNG

Ngoài các thành phố lớn như TP.HCM, Hải Phòng, Cần Thơ… chỉ thi 3 môn vào lớp 10, ngày càng nhiều địa phương cũng giảm số môn thi để không làm HS phải căng thẳng. Thực tế, thi 3 môn cũng không khiến chất lượng tuyển sinh THPT của các địa phương này bị sụt giảm.

Phú Thọ năm nay dự kiến tổ chức kỳ thi tuyển sinh lớp 10 với 3 môn: toán, ngữ văn, tiếng Anh. Theo Sở GD-ĐT tỉnh này, phương án thi được giữ như năm trước để không làm xáo trộn cho giáo viên, HS. Hơn nữa, tổ chức 3 môn thi tuyển vẫn đảm bảo được chất lượng thí sinh. Các em đáp ứng tốt các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới khi vào học ở bậc THPT.

Giảm áp lực tuyển sinh đầu cấp được không? - Ảnh 2.

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 ở Hà Nội năm nào cũng "căng như dây đàn", căng hơn nhiều so với kỳ tuyển sinh ĐH

ĐẬU TIẾN ĐẠT

Giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An Thái Văn Thành cho biết trước đây Nghệ An thi tuyển lớp 10 bằng cả bài thi tổ hợp, nhưng sau này đã giảm xuống còn 3 môn toán, ngữ văn, ngoại ngữ nhằm giảm áp lực, không đánh đố thí sinh.

Ông Trần Tiến Chinh, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT Hải Phòng, cũng chia sẻ với báo chí lý do địa phương này giảm xuống còn 3 môn thi: kỳ thi lớp 10 trước đây địa phương từng tổ chức thi bài thi tổ hợp kiến thức 9 môn. Kỳ thi đó ít nhiều cũng vấp phải ý kiến dư luận vì gây áp lực cho HS. Sau đó, địa phương quay lại tổ chức thi 4 môn và 2 năm nay chỉ thi 3 môn nhằm giảm bớt áp lực thi cử cho các em lẫn phụ huynh. Phương án này được HS, người dân ủng hộ.

"Một số ý kiến cho rằng thi 3 môn HS sẽ học lệch, bỏ môn. Tuy nhiên, nguyên tắc là các nhà trường phải đảm bảo hoàn thành đúng nội dung chương trình tất cả các môn học, không được cắt xén, rút gọn. Sở GD-ĐT sẽ có phương thức kiểm tra, đánh giá chất lượng", ông Chinh nói.

Ông Vũ Khắc Ngọc, giáo viên của một hệ thống giáo dục ở Hà Nội, cho rằng áp lực không hẳn do số môn thi mà do cách thức tuyển sinh vào lớp 10. Ví dụ, cách tính nguyện vọng sau phải cao điểm hơn nguyện vọng trước dễ dẫn đến tính toán sai, mất cơ hội, đồng thời cũng gây tâm lý lo lắng, sợ hãi cho phụ huynh, HS. Trong khi đó, Hà Nội hoàn toàn có thể tham khảo cách tuyển sinh không giới hạn nguyện vọng như khi xét tuyển vào ĐH.

Bên cạnh đó, không ít ý kiến cho rằng trong số các môn thi vào lớp 10, Hà Nội lại áp dụng điểm môn toán, văn nhân hệ số 2 khiến việc dồn sức luyện thi cho 2 môn này đã như… 4 môn. Do vậy, khi phải thi thêm 2 môn nữa, HS sẽ học thêm, luyện bài đến "tối tăm mặt mũi". Đó cũng chính là lý do khiến phụ huynh ở Hà Nội tranh luận gay gắt với việc thi 3 hay 4 môn. Điều này cũng mâu thuẫn với mục tiêu giáo dục toàn diện và tránh học lệch, học "tủ" mà ngành GD-ĐT thủ đô đặt ra.

Nhiều ý kiến cho rằng việc tuyển sinh đầu cấp, đặc biệt như tuyển vào lớp 10, vào ĐH cần đặt ra những cái nhìn, cách đánh giá từ thực chất để HS có động lực phấn đấu thay vì áp đặt theo những cách đánh giá nặng về điểm số, thi cử. Những cách thức tuyển sinh khác như: hồ sơ, xét học bạ, quá trình hoạt động hay bài kiểm tra theo tiêu chí kỹ năng của từng trường… mà nhiều trường ĐH đang áp dụng là biểu hiện đáng mừng đầu tiên về việc xã hội đã bắt đầu chấp nhận những đánh giá theo năng lực của người học, mà không bắt các em đánh cược vào một kỳ thi.

Áp lực từ kỳ vọng của bố mẹ

Cuộc chạy đua vào trường THPT công lập vốn đã căng thẳng lại căng thẳng hơn với những HS và gia đình kỳ vọng con phải đỗ trường chuyên, trường top đầu.

Bà Đàm Bích Thủy, Chủ tịch sáng lập ĐH Fulbright VN, cho rằng giáo dục buộc phải thay đổi khi trí tuệ nhân tạo ngày càng phát triển. Sẽ đến lúc không đánh giá bằng điểm số nữa mà xét toàn diện cả một quá trình học của các em, cái đó mới "cởi trói" được rất nhiều cho phụ huynh. "Có lẽ đó là điều quan trọng nhất của giáo dục, làm sao đào tạo ra được những con người vừa có ích nhưng phải hạnh phúc", bà Thủy nói.

PGS-TS Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó viện trưởng Viện Đào tạo báo chí và truyền thông, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), chia sẻ: "Thường vào đầu năm học, chúng tôi hay hỏi sinh viên vì sao em chọn ngành này? Vì sao em học ở đây? Cách đây khoảng 5 - 7 năm đã có rất nhiều nước mắt trên giảng đường. Trong buổi đó, có rất nhiều bạn đã khóc. Có bạn chia sẻ rằng bố mẹ muốn em đi trường công an, trường quân đội..., những trường rất dễ xin việc làm, đảm bảo lương cao, rồi bố mẹ hãnh diện khoe lên mạng xã hội. Thế nhưng em lại rất muốn học ở đây".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.