Giáo viên bị hack tài khoản Zalo, gửi tin nhắn mượn tiền: Trường học phát cảnh báo

Bích Thanh
Bích Thanh
14/03/2023 16:30 GMT+7

Trưa 14.3, một trường THCS tại TP.HCM phát đi cảnh bảo về việc tài khoản Zalo của giáo viên trường này bị xâm nhập và gửi tin nhắn lừa đảo mượn tiền.

Giáo viên bị hack tài khoản Zalo, gửi tin nhắn mượn tiền: Trường học phát cảnh báo - Ảnh 1.

Tài khoản Zalo của giáo viên bị hack và gửi tin nhắn mượn tiền

ẢNH CHỤP MÀN HÌNH

Cụ thể, Ban giám hiệu Trường THCS Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM) đã gửi thông báo đến giáo viên chủ nhiệm, đề nghị gửi thông báo đến toàn bộ phụ huynh và học sinh về việc tài khoản Zalo của một giáo viên bị chiếm dụng và nhắn tin lừa đảo mượn tiền.

Theo đó, kẻ chiếm tài khoản Zalo đã gửi tin nhắn đến các tài khoản có trong danh bạ, mạo danh giáo viên nhờ chuyển khoản.

Vào lúc 11 giờ 04, tài khoản Zalo của giáo viên nói trên gửi tin nhắn có nội dung: "tài khoản còn tiền không, chuyển giúp 14 triệu vào tài khoản này rồi sáng mai chuyển lại được không?", rồi tiếp tục gửi thông tin số tài khoản mang tên Huynh Chau Phuc Khang tại ngân hàng Techcombank.

Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên, giáo viên này cho biết: "Một người trong danh sách bạn bè nhận được tin nhắn nhờ chuyển khoản với nội dung khác thường nên đã điện thoại cho tôi để xác minh. Vì vậy, tôi mới biết tài khoản Zalo của mình bị hack. Ngay lập tức, tôi thông tin đến nhà trường để nhờ hỗ trợ gửi tin nhắn cảnh báo đến giáo viên, phụ huynh và học sinh để tránh bị lừa đảo".

Giáo viên có tài khoản Zalo bị hack cũng cho biết, ngay khi phát hiện sự việc đã nhờ người thân quen gửi cảnh báo và đến thời điểm này chưa phát hiện trường hợp nào bị lừa đảo, chuyển khoản theo yêu cầu của kẻ chiếm dụng tài khoản.

Giáo viên bị hack tài khoản Zalo, gửi tin nhắn mượn tiền: Trường học phát cảnh báo - Ảnh 2.

Nhà trường gửi thông báo phụ huynh và học sinh về tin nhắn lừa đảo mượn tiền

ẢNH CHỤP MÀN HÌNH

Trước đó, vào đầu tháng 3, phụ huynh từ trường công lập đến trường ngoài công lập tại TP.HCM liên tiếp nhận cuộc gọi báo tin lừa đảo "con đang cấp cứu", chuyển khoản hàng trăm triệu đồng.

Chẳng hạn, một phụ huynh đã thông tin trên nhóm phụ huynh của Trường THCS Trần Văn Ơn (Q.1) nội dung: "Tình hình là có số điện thoại lạ gọi nói con bị té ở trường, cô đang chuyển vô bệnh viện cấp cứu, chấn thương nguy kịch. Họ cho số tài khoản kêu H. chuyển tiền gấp. Thế là mình chuyển nhanh 100 triệu đồng. Chuyển xong chợt nhớ số cô chủ nhiệm, gọi cô thì cô báo bé đang học bình thường".

Ngoài tình huống trên thì ngay từ đầu năm học 2022-2023, các đối tượng lừa đảo sử dụng hình thức mạo danh yêu cầu phụ huynh chuyển khoản các khoản thu trong nhà trường.

Chẳng hạn, vào tháng 9.2022, phụ huynh học sinh Trường THCS Cách Mạng Tháng Tám (Q.10, TP.HCM) nhận được tin nhắn qua Zalo từ một tài khoản mang tên "Phòng Giáo vụ học vụ" có logo Trường THCS Cách Mạng Tháng Tám với nội dung: "Kiểm tra sổ sách phụ huynh học sinh chưa đóng khoản phí đầu năm, nay là hạn chót và yêu cầu phụ huynh đóng gấp qua tài khoản cá nhân". Tuy nhiên, theo lãnh đạo trường này, Trường THCS Cách Mạng Tháng Tám không có các thông báo đóng học phí qua Zalo hoặc bất kỳ tin nhắn nào khác ngoài thông tin từ sổ liên lạc điện tử của nhà trường.

Hay trước đó hàng loạt phụ huynh học sinh Trường THCS Lý Phong (Q.5) đã nhận được tin nhắn có nội dung yêu cầu "đóng khoản phí lên lớp, bàn ghế, hồ sơ là 500.000 đồng. Chuyển khoản vào số tài khoản 0041000333922. Chủ tài khoản là Hồ Thị Như Nguyệt, ngân hàng Vietcombank".

Trước những sự việc trên, Công an TP.HCM đã phát đi cảnh báo về thủ đoạn tội phạm mạo danh nhà trường gửi tin nhắn đến phụ huynh để yêu cầu đóng tiền trực tiếp qua tài khoản cá nhân.

Công an TP.HCM cảnh báo, hiện nay tình hình tội phạm vẫn còn diễn biến phức tạp, nổi lên là hoạt động của tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tiền qua tin nhắn điện thoại giả mạo nhà trường để yêu cầu phụ huynh đóng tiền trực tiếp qua tài khoản cá nhân. Một trong số những thủ đoạn lừa đảo là giả danh nhân viên phòng tài vụ của nhà trường gửi tin nhắn đến phụ huynh, đề nghị đóng tiền đầu năm học cho nhà trường bằng cách chuyển tiền trực tiếp đến số tài khoản cá nhân do đối tượng lừa đảo yêu cầu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.