Giáo viên vi phạm nên bị tước chứng chỉ hành nghề như bác sĩ ?

Hà Ánh
Hà Ánh
29/03/2019 16:28 GMT+7

Ngành giáo và ngành y liên quan đến xã hội rất nhiều, vậy giáo viên vi phạm các quy định nhà giáo cũng nên bị tước chứng chỉ hành nghề giống như với ngành y?

Sáng 29.3, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức hội thảo góp ý dự án luật giáo dục (sửa đổi). Hội thảo đã thu hút nhiều ý kiến đóng góp từ các chuyên gia trong và ngoài ngành giáo dục.

Phát biểu trong hội thảo, bà Nguyễn Thị Minh Khanh, Phó trưởng phòng Tổ chức cán bộ  Sở Y tế TP.HCM, đặt vấn đề: “Ngành giáo và ngành y liên quan đến xã hội rất nhiều. Trong khi ngành y cấp chứng chỉ hành nghề cho người làm việc trong ngành và người vi phạm có thể bị tước thẻ hành nghề. Vậy nên chăng giáo viên vi phạm các quy định nhà giáo cũng nên bị tước chứng chỉ hành nghề giống như với ngành y?”

Bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Văn hoá-xã hội, Hội đồng nhân dân TP.HCM thì quan tâm đến chính sách tín dụng với người học. Bà Nhung nói: " Trong dự thảo chỉ có chính sách tín dụng với sinh viên sư phạm, còn các sinh viên khác thì sao? Trong khi hiện các trường ĐH thực hiện tự chủ tài chính, học phí rất cao và học phí này đang đổ trên vai người học. Nếu không được tiếp cận chính sách tín dụng này thì người học sẽ rất khó khăn trong thời gian tới khi các trường đồng loạt thực hiện tự chủ”.

Không phân biệt được ĐH công lập hay tư thục

Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP.HCM, đặt vấn đề: “Luật quy định chỉ thành lập trường dân lập với bậc mầm non là chưa ổn vì nói như vậy thì các bậc khác không có? Và cách nói này mâu thuẫn với điều 43 khi nói trung tâm học tập cộng đồng cũng là dân lập”.

Theo bà Thảo, hiện nay có nhiều trường ĐH đang tồn tại nhưng không xác định được trường công lập hay dân lập, chưa rạch ròi hẳn công lập hay tư thục. Chẳng hạn, Trường ĐH Tôn Đức Thắng là trường công hay tư, hoặc Trường ĐH Hoa Sen tư thục nhưng vẫn phải có sự đóng góp nhà nước về đất đai…".

Ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng giáo dục Trung học (Sở GD-ĐT TP.HCM), thì cho rằng cần làm rõ nội dung “thương mại hoá hoạt động giáo dục”, khái niệm này quá rộng, ở chỗ này vừa khuyến khích xã hội hoá nhưng lại cấm thương mại hoá thì cần phải cân nhắc điều này.

Luật sư Trương Thị Hòa phát biểu tại hội thảo về luật Giáo dục sửa đổi Hà Ánh

 Bộ GD-ĐT phải chịu trách nhiệm về SGK

Ông Trịnh Hồng Sơn, Hội cựu giáo chức TP.HCM, cho rằng chỉ nên có một bộ SGK và do hội đồng biên soạn thẩm định. Tôi nghe nói TP.HCM sẽ có bộ SKG riêng, nếu TP.HCM có được thì các tỉnh thành khác cũng có và càng thêm lãng phí.

Ông Sơn cho rằng, thời gian qua Bộ GD-ĐT đã thả lỏng việc in ấn và phát hành SGK. Đúng ra, bộ sách này phải được Bộ GD-ĐT quản lý chặt chẽ và chịu trách nhiệm chính, không nên để NXB Giáo dục độc quyền biên soạn, xuất bản SGK. Bộ này có thể quyết định lựa chọn NXB in ấn phát hành SGK nhưng bộ này phải đứng ra quản lý.

  
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.