Hai người trẻ đón đầu thời trang… kỹ thuật số

Lê Thanh
Lê Thanh
05/01/2023 08:30 GMT+7

Hai bạn trẻ đón đầu ngành thời trang kỹ thuật số tại Việt Nam đó là Ngô Hữu Trường, sinh viên chương trình cử nhân FinTech - Trường ĐH Á Châu (Đài Loan) và Đường Thanh Mai, sinh viên chương trình cử nhân FinTech - Trường ĐH Kinh tế quốc dân ( Hà Nội ).

Sản phẩm “3 không” độc đáo

Cùng là những người trẻ, Mai và Trường nhận thấy hiện nay con người đang dần mua sắm vượt quá nhu cầu bởi các trào lưu và thời trang nhanh. Một bộ trang phục được mua đôi khi chỉ phục vụ cho một hình ảnh hoặc một video trên mạng xã hội sau đó sẽ bị bỏ đi. Đó là một sự lãng phí khổng lồ, tạo ra rác thải và gây nên ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Chính vì thế, Mai và Trường đã tạo nên thương hiệu The Faunaverse mang tới những sản phẩm thời trang mới, thời trang số cho thế giới số.

Ngô Hữu Trường (thứ 2, từ trái qua) cùng bạn bè của mình

NVCC

Theo Mai, với thời trang kỹ thuật số những bộ trang phục sẽ được tạo nên từ các phần mềm thiết kế đồ họa 3D. Trên thế giới đã có các công ty thời trang kỹ thuật số, thậm chí là các thương hiệu thời trang truyền thống cũng đã nắm bắt thị trường này.

“Trong tương lai, thời trang kỹ thuật số sẽ phát triển mạnh mẽ một khi metaverse (tạm dịch là vũ trụ ảo) trở nên phổ biến. Giống như việc hiện nay đa số mọi người đều sử dụng các hình ảnh kỹ thuật số và các tấm ảnh vật lý ngày càng ít đi. Khi chúng ta sử dụng thế giới ảo nhiều hơn, nhu cầu thể hiện bản thân sẽ nhiều hơn và nhu cầu về thời trang ảo là tất yếu”, Mai nhận định.

Trường và Mai mong muốn sẽ xây dựng một cộng đồng mà ở đó mọi người tận dụng công nghệ để sáng tạo ra những bộ quần áo trong thế giới ảo: “Studio của chúng tôi sẽ thiết kế trang phục theo các bộ sưu tập. Sau khi các bộ trang phục được hoàn thành, chúng tôi sẽ chốt và bán sản phẩm đó trên nền tảng mạng xã hội. Trang phục khi được tạo ra sẽ có các tính năng metaverse”, Mai chia sẻ.

Theo Trường, mọi người có thể “mặc” các bộ trang phục thông qua công nghệ thực thế ảo (AR, VR) để tạo các hình ảnh hoặc video và sau đó chia sẻ lên mạng xã hội như một bộ trang phục vật lý thông thường.

“Đây là một sản phẩm thời trang đột phá, không chỉ có thể bắt kịp với xu thế thời trang một cách nhanh chóng, mà còn là một sản phẩm bền vững và thân thiện với môi trường khi không tiêu tốn nước và không xả thải khí độc hại ra môi trường. Thời trang kỹ thuật số còn mang tới cho người dùng những trải nghiệm độc đáo. Bằng sức mạnh của công nghệ, chúng tôi có thể tạo ra các bộ trang phục từ nước hay lửa hoặc các họa tiết chuyển động rất sống động”, Trường tâm đắc.

Hai người trẻ này tự hào khi đã tiên phong tạo ra mô hình thời trang phi vật lý nói chung và các sản phẩm may mặc 3D sáng tạo nói riêng: “Chúng tôi có cùng suy nghĩ, thời trang không nên lãng phí gì ngoài data và không khai thác gì ngoài trí tưởng tượng. Chúng tôi cam kết tạo ra một viễn cảnh thời trang mới, một cuộc cách mạng trong phát triển bền vững. Đó là không tốn nước, không hóa chất độc hại, không phát thải khí nhà kính”, Mai tự tin.

Đường Thanh Mai đại diện nhóm nhận giải 3 toàn quốc Cuộc thi Sinh viên khởi nghiệp công nghệ tài chính “Finnovation 2022” do T.Ư Đoàn, Bộ Khoa học - Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức

Xu hướng thời thượng cho khách hàng Gen Z

Theo quan sát của Mai và Trường, họ nhận thấy rằng gen Z là thế hệ phát triển trong thế giới của công nghệ hiện đại và họ chiếm tới 55% sức mua trên toàn cầu. “Nên những sản phẩm mà chúng tôi đang thiết kế cũng sẽ là xu hướng tiêu dùng trong tương lai của đối tượng khách hàng năng động này”, Mai nói.

Chúng tôi có cùng suy nghĩ, thời trang không nên lãng phí gì ngoài data và không khai thác gì ngoài trí tưởng tượng. Chúng tôi cam kết tạo ra một viễn cảnh thời trang mới, một cuộc cách mạng trong phát triển bền vững. Đó là không tốn nước, không hóa chất độc hại, không phát thải khí nhà kính

Đường Thanh Mai, Sinh viên chương trình cử nhân FinTech - Trường ĐH Kinh tế quốc dân (Hà Nội)

Trường cũng thừa nhận việc bỏ tiền thật để mua một bộ quần áo ảo hiện nay là một điều gì đó hoang đường. Nhưng chàng trai này cho rằng khi con người ngày càng dành thời gian nhiều hơn cho thế giới ảo, đồng tiền kỹ thuật số được nhiều quốc gia phát triển để giao dịch, thì trang phục ảo cũng sẽ nhanh chóng mở rộng được thị trường.

“Cùng với sự phát triển của các loại hình mạng xã hội, sức ép bắt kịp với xu hướng thời trang giờ đây lớn hơn bao giờ hết. Khảo sát của trang đánh giá Hubbub tại Anh chỉ ra rằng cứ 6 người trong độ tuổi 18 - 25 thì có một người không muốn mặc lại bộ quần áo họ từng thấy trên mạng xã hội nữa. Trang phục ảo ra đời là để giải bài toán này, khi

người mua không cần tốn chỗ trong tủ đồ mà vẫn có thể có những bộ cánh đẹp mắt, mới lạ để chia sẻ trên mạng”, Trường chia sẻ.

Tuy nhiên, Trường cũng nhận định: “Thời trang kỹ thuật số không hoàn toàn thay thế thời trang truyền thống mà sẽ như một phần bổ sung. Đối với nhà thiết kế thì thay vì nháp đi nháp lại thiết kế của mình, giờ đây họ có thể làm điều đó trong môi trường 3D, có thể thử nghiệm mọi ý tưởng, cấu trúc và vật liệu”.

Khi được hỏi về tiềm năng của thời trang ảo, Trường chỉ ra cuộc khảo sát mới đây của Công ty dự báo xu hướng WGSN được thực hiện tại các thị trường Anh, Đức, Mexico, Hàn Quốc, Ả Rập Xê Út, Ai Cập và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) cho thấy: 82% số người được hỏi đã mua một số loại vật phẩm ảo và 1/3 trong số đó đã mua thời trang ảo. Thậm chí, tại các quốc gia “trending” như Hàn Quốc hay châu Âu việc mua sản phẩm thời trang kỹ thuật số đang dần trở thành điều bình thường trong giới trẻ.

“Nếu thời trang kỹ thuật số không có tầm quan trọng, thì tại sao các ông lớn trong ngành thời trang lại rót tiền và chạy đua để phát triển không gian của mình trên vũ trụ ảo. Như Gucci đang sử dụng NFT để tạo ra những thước phim thời trang đỉnh cao. Nike, Adidas… đang tạo ra không gian của mình trên metaverse để bán giày sneaker”, Trường minh chứng để khẳng định cho tiềm năng của ngành thời trang này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.