Hearthstone: Đánh giá các lá bài Legendary - Kỳ 1

02/06/2015 14:00 GMT+7

Phân vân không biết có nên tạo hay hủy một lá bài Legendary hay không? Hãy để Thanh Niên Game giúp bạn.

1. Giới thiệu

Là một người chơi Hearthstone, chắc chắn ai cũng đã từng đối mặt với những câu hỏi hóc búa: “Nên tạo Legendary nào?”, “Lá Legendary này nên giữ hay nên bỏ?”,… Tính đến thời điểm hiện tại, trong Hearthstone có đến 55 lá bài Legendary có thể tạo được bằng Arcane Dust, mỗi lá lại có một tác dụng riêng biệt.

Một số lá bài Legendary có hiệu ứng cực kì mạnh, khiến chúng trở thành những lá bài không thể thiếu nếu muốn chơi một loại bộ bài cụ thể. Bạn không thể chơi Control Warrior mà thiếu đi Grommash Hellscream, chơi Control Paladin mà không có Tirion Fording được.

 Hearthstone: Đánh giá các lá bài Legendary (Phần 1)

Legendary là những lá bài cần thiết nhưng lại khá “đắt đỏ”.

Tuy nhiên trong Hearthstone, Arcane Dust là một tài nguyên cực kì khó kiếm. Mỗi lá Legendary tốn đến 1600 dust để chế tạo (craft), một con số khổng lồ đối với những người mới chơi. Do đó, điều quan trọng nhất sẽ là làm sao lựa chọn được lá Legendary nào hữu dụng nhất, mạnh nhất để tạo; song song với đó là hủy đi những lá Legendary không cần thiết.

Trong bài viết lần này, Thanh Niên Game sẽ đưa ra xếp hạng cùng những nhận xét chung nhất về các lá bài Legendary, giúp bạn có thêm cơ sở để đưa ra quyết định tạo hay hủy bài của mình.

Một điều cần lưu ý, đó là hủy bài (disenchant) không bao giờ là một lựa chọn hay nếu bạn có ý định gắn bó với Hearthstone lâu dài, trừ khi bạn đã có quá số lượng cho phép của lá bài đó. Bạn cũng không cần phải có nhiều Legendary trong bộ bài để có thể giành thứ hạng cao khi đánh xếp hạng. Mục đích chính của việc tạo Legendary là giúp bạn có thể chơi được nhiều loại bộ bài đa dạng hơn, chứ không phải là để tăng tỉ lệ thắng.

Cuối cùng, không có hướng dẫn nào có thể đưa ra lời khuyên chính xác về việc bạn có nên tạo hay hủy một lá Legendary hay không. Hãy nhớ rằng, sẽ luôn luôn có ngoại lệ hay ý kiến bất đồng về những bảng xếp hạng như thế này, nhưng quyết định cuối cùng là của bạn.

2. Tiêu chuẩn đánh giá

Theo ý kiến cá nhân, điều ưu tiên đầu tiên khi đánh giá một Legendary chính là tính đa dụng của nó. Một lá Legendary có thể sử dụng linh hoạt trong nhiều bộ bài chắc chắn là một lá Legendary đáng để tạo. Cũng vì lý do đó mà các lá Neutral Legendary được đánh giá cao hơn khi chúng có thể xuất hiện trong bộ bài của mọi class. Nhưng điều đó không có nghĩa là các Class Legendary yếu hơn nếu đem ra so sánh, chỉ đơn giản là chúng không được đa dụng bằng thôi.

 Hearthstone: Đánh giá các lá bài Legendary (Phần 1)

Điều thứ hai được chú ý đến trong phần đánh giá này là khả năng thích ứng với meta (chiến thuật hiện hành) luôn thay đổi từng ngày của Hearthstone. Chúng ta cần một lá bài có giá trị trong mọi thời điểm, cả hiện tại và tương lai, chứ không phải chỉ đem ra một hai tuần rồi bỏ xó. Đây là điều thường thấy ở các tech-card (lá bài tình huống) như The Black Knight hay Harrison Jones.

3. Đánh giá chi tiết

Trong khuôn khổ bài viết này, các lá bài Legendary sẽ được chia thành 4 cấp:

  • Cấp S: Những lá bài Legendary mạnh nhất. Đừng bao giờ disenchant những lá bài này. Hãy ưu tiên craft chúng nếu có thể. Chúng sử dụng được trong hầu hết tất cả các bộ bài và cực kì đa dụng.

  • Cấp 1: Những lá bài này thường mạnh không kém những lá bài cấp S, tuy nhiên chúng sẽ bị giới hạn sử dụng chỉ cho những class hay bộ bài nhất định. Các lá bài này cũng gần như không thể thay thế, đừng bao giờ disenchant chúng. Còn việc craft phụ thuộc vào việc bạn có thích chơi class hay bộ bài liên quan đến lá bài đó không, nếu có thì việc craft là chắc chắn.

  • Cấp 2: Những lá bài đã từng mạnh nhưng không còn hữu dụng trong meta hiện tại, hoặc là những lá không bắt buộc phải có, có thể thay thế được. Chúng không phải là điều kiện thắng duy nhất của bộ bài hay giá trị khi sử dụng riêng lẻ của chúng không lớn bằng các lá bài cấp 1. Tuy nhiên, việc disenchant chúng để đổi lấy 400 dust cũng không thực xứng đáng, bạn phải cân nhắc kĩ về việc này. Bạn cũng có thể craft những lá bài này, nhưng độ ưu tiên của chúng sẽ không cao bằng các lá bài cấp 1 và cấp S.

  • Cấp 3: Những lá bài ít tác dụng, khó sử dụng hoặc khá yếu. Bạn sẽ hiếm khi thấy có người sử dụng những lá bài này. Những lá bài này thường chỉ xuất hiện trong những bộ bài đặc biệt xây dựng riêng cho nó, và thường cũng không phát huy nhiều tác dụng. Các lá này thì yếu hơn hẳn các lá cấp 2, nên nếu còn thiếu bài, bạn có thể yên tâm disenchant chúng. Việc craft những lá này không được khuyến khích.

  • Cấp 4: Những lá bài hầu nhưng không bao giờ được sử dụng, khiến bạn nghi ngờ rằng không biết liệu nó có tồn tại trong Hearthstone không nữa. Trừ những bộ bài chỉ đánh với mục đích vui vẻ, chúng không bao giờ xuất hiện do tác dụng quá tồi hoặc quá hên xui.

Trước tiên, trong phần này chúng ta sẽ đến với các lá bài cấp S. Các cấp còn lại sẽ được đề cập trong phần sau.

Cấp S

 Hearthstone: Đánh giá các lá bài Legendary (Phần 1)

1. Dr.Boom

Không có gì phải bàn cãi về việc Dr.Boom đứng hạng 1 trong bảng xếp hạng này. Ở thời điểm hiện tại, Dr.Boom phù hợp với rất nhiều bộ bài, từ Aggro, Midrange cho đến Control. Rất hiếm lá bài nào có khả năng hữu ích trong mọi tình huống như Dr.Boom.

Thêm nữa, không lá bài nào có thể thực sự khắc chế Dr.Boom. Đối phương không thể tiêu diệt Dr.Boom ngay lập tức mà không bị dính sát thương. Kể cả khi bị Big Game Hunter giết, bạn cũng không bị mất quyền kiểm soát nhịp độ trận đấu do 2 Boom Bot có thể dễ dàng tiêu diệt Big Game Hunter và cả những minion khác nữa. Tất cả chỉ với 7 mana. Nếu bạn có Dr.Boom, bạn có thể thêm nó vào gần như mọi bộ bài của mình, và sức mạnh của bộ bài đó sẽ tăng lên đáng kể.

 Hearthstone: Đánh giá các lá bài Legendary (Phần 1)

2. Sylvanas Windrunner

Không có chỉ số khủng như Dr.Boom hay Ragaros, nhưng sức mạnh của Sylvanas lại đến từ Deathrattle đặc biệt khó chịu của nó. Với Sylvanas, bạn có thể ép đối phương phải tốn thêm một lá silence (trường hợp xấu nhất cũng là 2 đổi 1), hoặc tự phải dọn sạch bàn của mình, hoặc tự dàn thêm nhiều quái trên bàn vào cầu mong vào may mắn mà thôi.

Sylvanas là lá bài quan trọng trong hầu hết các bộ bài Control và một số bộ bài Midrange như Warrior, Handlock, Druid, Paladin,… với tác dụng ngắt quãng khả năng ra minion của đối phương, đảo ngược tình thế trận đấu.

Có rất nhiều cách dùng Sylvanas khác như dùng nó để đáp trả cho các minion lớn, ngăn chặn đối phương ra minion hay ép trao đổi quái bất lợi. Một số class còn có khả năng tự giết Sylvanas để kích hoạt Deathrattle của nó, khiến đối phương hoàn toàn không thể khắc chế. 

 Hearthstone: Đánh giá các lá bài Legendary (Phần 1)

3. Ragnaros the Firelord

Tuy không được mạnh và linh hoạt như 2 lá bài cấp S còn lại, nhưng Ragnaros vẫn có đủ độ đa dụng để phù hợp với rất nhiều bộ bài khác nhau. Lý do cho việc này là tác dụng ngay vào cuối lượt của Ragnaros đảm bảo cho giá trị của nó, chắc chắn sẽ gây được 8 damage.

Với chỉ số 8/8, sẽ rất khó để giết Ragnaros nếu không có Big Game Hunter. Ragnaros không những là cách để đối phó với những minion nguy hiểm đến từ đối phương, mà cũng đồng thời là cách bạn tự tạo thêm áp lực trên bàn đấu của mình.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.