Hiểm họa kép đe dọa Mỹ

01/07/2023 07:46 GMT+7

Giới chức Mexico và miền nam Mỹ đang ghi nhận số ca tử vong và mắc bệnh gia tăng trong lúc sóng nhiệt tiếp tục càn quét khu vực, và cháy rừng ở Canada càng làm tình hình tồi tệ hơn.

"Cú đấm" kép đến từ thời tiết nóng khủng khiếp và cháy rừng ở Canada đã gây ảnh hưởng trên diện rộng ở Bắc Mỹ, khiến ít nhất 15 người chết ở Mỹ trong những ngày gần đây. Khói đến từ cháy rừng ở Canada đã tràn xuống Mỹ và xâm nhập sâu vào nội địa nước này.

Hiểm họa kép đe dọa Mỹ - Ảnh 1.

Lính cứu hỏa cấp cứu một phụ nữ bị sốc nhiệt ở Eagle Pass (bangTexas) ngày 26.6

Reuters

Vòm nhiệt kiên cố ở Mỹ

Ở Mỹ, một vòm nhiệt đang căng rộng từ bang Texas đến Florida và trải dài đến Missouri. Chỉ số nhiệt (kết hợp nhiệt độ và độ ẩm) nằm trong phạm vi vòm nhiệt luôn ở mức cao hơn 43 độ C tại một số nơi. Giới chức hạt Webb (bang Texas), một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở Mỹ của đợt sóng nhiệt hiện tại, cho hay số trường hợp tử vong đã tăng lên 10 người tính đến giữa trưa hôm 29.6. TP.Laredo thuộc hạt Webb chứng kiến chỉ số nhiệt 43 độ C hôm 29.6 và 45,5 độ C ngày 30.6, theo tờ The New York Times.

Bên cạnh đó, Đài CNN đưa tin về sự hình thành của một đợt sóng nhiệt mới ở miền Tây Mỹ, trong khi đợt sóng nhiệt ở Thung lũng Mississippi đang đạt đến đỉnh điểm. Các thành phố như Memphis và Nashville (bang Tennessee); Birmingham (bang Alabama); Little Rock (bang Arkansas); và New Orleans (Louisiana) nằm trong khu vực cảnh báo nóng bất thường. Chỉ số nhiệt độ tại đây được dự kiến dao động từ 41 độ C đến 46 độ C. Tổng cộng hơn 70 triệu người nằm trong vùng cảnh báo của vòm nhiệt trước thời điểm cuối tuần.

Nhiều người chết vì nóng ở Mexico

Trong lúc nhiệt độ ngoài trời vài tuần qua tăng lên ngưỡng 40 độ C, Bộ Y tế Mexico hôm qua ghi nhận ít nhất 112 người chết, cao gần gấp 3 so với năm 2022, theo Reuters. Nhiều trường hợp tử vong xảy ra ở các bang miền bắc Mexico như Nuevo Leon, vốn giáp một phần bang Texas của Mỹ, do sốc nhiệt và mất nước. Chỉ tính riêng trong tuần lễ 18 - 24.6, Mexico chứng kiến 69 cái chết liên quan đến thời tiết quá nóng. Nhiệt độ ở TP. Hermosillo (bang Sonora) hôm 25.6 tăng lên 49,5 độ C, trước khi dự kiến tiếp tục ở mức trên 43 độ C vào cuối tuần này. Mexico cũng đang trải qua đợt sốc nhiệt thứ ba trong năm nay.

Và trong những ngày sắp tới, một vòm nhiệt mới được dự kiến hình thành bên trên tiểu bang California của Mỹ. Cơ quan Thời tiết quốc gia Mỹ dự báo đợt sóng nhiệt đầu tiên của năm nay ở California sẽ ập đến vào dịp cuối tuần ngay trước lễ Quốc khánh Mỹ (ngày 4.7). Hạt Sacramento và Thung lũng San Joaquin (bang California), khu vực tập trung hàng ngàn lao động nông nghiệp làm việc ngoài trời trong nhiều giờ, được dự báo sẽ hứng chịu cái nóng khốc liệt, theo cơ quan này.

Cơ quan Thời tiết quốc gia Mỹ cũng cảnh báo người dân California không nên tắm sông, suối hoặc hồ để làm dịu cơn nóng trong thời gian này và kéo dài đến ngày lễ Quốc khánh. "Nhiệt độ nước sông đang lạnh ở mức chết chóc. Hãy nghĩ kỹ trước khi tắm sông, suối mà không mặc áo phao. Đó có lẽ là quyết định cuối cùng mà bạn có thể đưa ra", trang tin SFGATE dẫn khuyến cáo từ giới hữu trách. Điều này do nhiều nước sông, suối lẫn hồ vẫn vô cùng lạnh do nước đến từ băng tan trên dãy núi Sierra Nevada.

Các nước giàu thông qua 100 tỉ USD giúp nước nghèo đối phó biến đổi khí hậu

Mối đe dọa từ cháy rừng Canada

Trong lúc miền Nam Mỹ oằn mình vì sốc nhiệt, nạn cháy rừng ở Canada đang gây ảnh hưởng cho chất lượng không khí ở miền Trung Tây và miền Đông của Mỹ. Đài CNN đưa tin vào sáng 30.6, hơn 100 triệu người Mỹ đang sống trong vùng cảnh báo chất lượng không khí kém, cụ thể là từ bang Wisconsin đến Vermont và kéo dài xuống bang Bắc Carolina. Theo IQAir, công ty đo chỉ số chất lượng không khí của Thụy Sĩ, các thành phố ở Mỹ như Washington D.C, Detroit (Michigan), New York (bang New York) đã lọt vào danh sách tốp 10 thành phố chất lượng không khí kém trên toàn thế giới trong ngày 30.6.

Tính đến hôm qua, hơn 500 vụ cháy rừng đã xảy ra ở Canada, trong bối cảnh nước này đang trải qua giai đoạn cháy rừng dữ dội nhất trong lịch sử. Giới khoa học cảnh báo những vụ cháy rừng ở mức độ nghiêm trọng như thế này sẽ xuất hiện với tần suất thường xuyên hơn vì thế giới đang ấm lên. Khói bụi xuất phát từ vụ cháy có thể lan rộng đến hàng ngàn ki lô mét, đẩy nhiều triệu người đến nguy cơ phải hít thở không khí ô nhiễm nặng. Đây là loại khói mang theo bụi mịn PM2.5, dạng bụi có thể xâm nhập sâu mô phổi và đi vào đường máu, theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC). 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.