Học sinh sáng chế phần mềm học tiếng Anh bằng hoạt hình 3D

24/04/2023 08:35 GMT+7

Với nhiều ứng dụng vào thực tiễn, phần mềm học tiếng Anh bằng hoạt hình 3D của nam sinh lớp 10 ở Cần Thơ đoạt giải ba cuộc thi Nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh (HS) trung học 2022 - 2023. Đó là "Phần mềm NVN - Sắc màu Anh ngữ kỳ thú cho HS bậc THCS", được thực hiện bởi Nguyễn Nhật Quang Vinh, lớp 10A2 Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng (TP.Cần Thơ).

Vinh kể, dù là người chăm chỉ học Anh văn nhưng nhiều lúc em cũng thấy nản khi tiếp xúc với những tài liệu toàn chữ. Một lần, Vinh chợt nghĩ nếu lồng ghép học tiếng Anh qua những hình ảnh 3D gắn liền với bản sắc quê hương và giáo dục kỹ năng sống biết đâu sẽ có điều hay. Để khách quan, Vinh khảo sát ý kiến 407 HS Trường THCS Trần Ngọc Quế (Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ). Kết quả, ý tưởng này nhận rất nhiều sự ủng hộ của HS và giáo viên.

Mất hơn 1 năm tích lũy kỹ thuật và xây dựng ý tưởng Vinh mới có thể nói hài lòng với sản phẩm. Phần mềm tích hợp 3 giao diện chính, gồm: Học tập nền tảng (tài liệu hỗ trợ khối 6, 7, 8, 9 với nhiều chủ đề); Chơi và học (game thi đấu Olympic, trải nghiệm thực tế ảo); Kết nối (liên kết những trang mạng xã hội học tiếng Anh hiệu quả).

Học sinh sáng chế phần mềm học tiếng Anh bằng hoạt hình 3D - Ảnh 1.

Nguyễn Nhật Quang Vinh mất hơn 1 năm để nghiên cứu phần mềm học tiếng Anh bằng hình họa 3D sinh động

THANH DUY

Trong đó, để lại ấn tượng nhất là giao diện Chơi và học với những trải nghiệm 3D thú vị về các bối cảnh thực tế ảo sống động. Vinh đã kỳ công mô phỏng, thiết kế nhiều không gian tái hiện đời sống (công viên kỳ quan, sở thú, tình huống bàn ăn, CLB thể thao), lan tỏa chuyện tử tế (giúp đỡ bạn bè, trồng cây xanh, hướng dẫn phân loại rác tại nhà, hỗ trợ người già và trẻ em), đặc biệt là những hình ảnh giàu bản sắc văn hóa quê hương vùng miền (chợ nổi Cái Răng, đờn ca tài tử, vườn trái cây sinh thái...).

Tâm sự về khó khăn khi thực hiện, Vinh cho biết đã ứng dụng nền tảng Cospaces Edu để xây dựng các chi tiết hoạt họa 3D. Tuy nhiên, có rất nhiều hình ảnh trực quan trong phần mềm mà em phải tự lên ý tưởng, tạo mẫu thiết kế riêng để giúp người học nhận diện được‘chất miền Tây. Khâu tốn nhiều thời gian nữa là xây dựng không gian bối cảnh thực tế ảo đẹp mắt, lôi cuốn người học càng khám phá càng thú vị.

“Chẳng hạn, với không gian đờn ca tài tử, ban đầu người học sẽ trải nghiệm nền nhạc đặc trưng, sau đó các thiếu nữ múa với nón lá và hoa sen, tiếp theo là sự xuất hiện của những nhân vật đang sử dụng các loại nhạc cụ trên tấm chiếu truyền thống. Lồng ghép với hình ảnh trực quan là từ vựng, ngữ pháp, lời giới thiệu bằng tiếng Anh về các loại nhạc cụ và truyền tải thông điệp bảo tồn loại hình nghệ thuật dân gian này”, Vinh chia sẻ.

Hiện phần mềm học này đã được cập nhật trên CH Play. Ngoài thiết bị Android, HS có thể trải nghiệm học tập qua trình duyệt trên internet. Thời gian tới, Vinh sẽ mở rộng mô phỏng thêm những bối cảnh về văn hóa, danh lam thắng cảnh không chỉ tại ĐBSCL mà còn trên mọi miền Tổ quốc. Nam sinh này cũng đang nghiên cứu về kỹ năng nói và nghe để phần mềm được ngày một hoàn thiện hơn.

Thầy Nguyễn Hoàng Phú, giáo viên Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng, cho biết khi Vinh chia sẻ ý tưởng, thầy đã sẵn sàng hỗ trợ vì nhận thấy có tính ứng dụng thực tiễn. "Vinh đã rất cố gắng, kiên trì theo đuổi ý tưởng trong một thời gian dài. Phần mềm đã được đưa vào sử dụng tại một số trường THCS ở địa phương, nhận được phản hồi tốt từ người sử dụng. Không chỉ HS, giáo viên cũng có thể sử dụng phần mềm để làm tư liệu giảng dạy cho những tiết học thêm lôi cuốn", thầy Phú nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.