IDP và Hội đồng Anh cấp hơn 124.000 chứng chỉ trong 1 năm: 'Sức nóng' của IELTS

Ngọc Long
Ngọc Long
11/05/2024 12:28 GMT+7

Tổng số chứng chỉ IELTS do IDP và Hội đồng Anh cấp trong năm 2022 hơn 124.000 phần nào phản ánh sự sôi động của thị trường luyện thi, cũng như nhu cầu ngày càng tăng với chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.

IDP và Hội đồng Anh cấp hơn 124.000 chứng chỉ trong 1 năm: 'Sức nóng' của IELTS- Ảnh 1.

Thí sinh dự thi IELTS tại Hội đồng Anh

HỘI ĐỒNG ANH

Không ảnh hưởng nhiều dù bị hoãn thi

IDP và Hội đồng Anh, hai đơn vị đồng tổ chức thi IELTS tại Việt Nam, những năm qua không công khai các dữ liệu liên quan đến kỳ thi này như số thí sinh dự thi, số lượt đăng ký hay số chứng chỉ đã cấp. Tuy nhiên, các kết luận do Thanh tra Bộ GD-ĐT công bố thời gian gần đây về việc IDP, Hội đồng Anh cấp chứng chỉ tiếng Anh sai quy định phần nào thấy "sức nóng" của kỳ thi IELTS tại Việt Nam.

Cụ thể, theo kết luận thanh tra, IDP đã tổ chức 555 đợt thi tại 31 tỉnh, thành từ đầu năm 2022 cho đến trước thời điểm được Bộ GD-ĐT phê duyệt, cấp 56.230 chứng chỉ IELTS. Từ khi được phê duyệt cho đến cuối năm 2022, IDP tiếp tục cấp thêm 9.923 chứng chỉ. Tổng cộng, IDP thu hút 67.195 thí sinh dự thi IELTS trong năm 2022, cấp 66.153 chứng chỉ IELTS.

Kết luận không lý giải nguyên nhân số chứng chỉ cấp ra lại ít hơn số thí sinh dự thi.

Hội đồng Anh lên tiếng về vụ cấp sai hơn 90.000 chứng chỉ IELTS và Aptis

Tại Hội đồng Anh, cho đến trước thời điểm được phê duyệt, đơn vị này đã cấp sai quy định 52.564 chứng chỉ IELTS, 37.917 chứng chỉ Aptis. Sau đó, đơn vị này tiếp tục cấp 5.850 chứng chỉ IELTS, 7.762 chứng chỉ Aptis. Tổng cộng, Hội đồng Anh cấp 58.414 chứng chỉ IELTS và 45.679 chứng chỉ Aptis nói riêng, 104.093 chứng chỉ tiếng Anh nói chung trong năm 2022.

Như vậy, dù bị ảnh hưởng khá lớn bởi sự kiện hoãn thi diễn ra vào tháng 11 khiến nhiều thí sinh phải tìm đến lựa chọn khác hoặc ra nước ngoài để dự thi, IDP cùng Hội đồng Anh tại Việt Nam vẫn cấp được 124.567 chứng chỉ IELTS vào năm 2022. Trong đó, thí sinh thích dự thi tại IDP hơn, khi đơn vị này cấp nhiều hơn Hội đồng Anh 7.739 chứng chỉ IELTS.

Ngược lại, tổng số chứng chỉ tiếng Anh do Hội đồng Anh cấp (tính cả Aptis) trong năm 2022 lại nhiều hơn gần 1,5 lần so với IDP, chênh lệch 37.940 chứng chỉ.

IDP và Hội đồng Anh cấp hơn 124.000 chứng chỉ trong 1 năm: 'Sức nóng' của IELTS- Ảnh 2.

Đông đảo thí sinh tham dự Ngày hội IELTS do Hội đồng Anh tổ chức hồi tháng 3.2024

NGỌC LONG

Trước đó, chia sẻ với Thanh Niên, bà Donna McGowan, Giám đốc Hội đồng Anh tại Việt Nam, cho biết đơn vị đã tổ chức hơn 4 triệu lượt thi IELTS trên toàn cầu trong năm 2023. Trong năm 2024, Hội đồng Anh cũng đang có 23 điểm thi tại 16 tỉnh, thành trên khắp cả nước được Bộ GD-ĐT phê duyệt liên kết tổ chức thi. "IELTS được hơn 12.000 tổ chức tại 140 quốc gia chấp nhận", bà McGowan cho hay.

Xôn xao vụ cấp chứng chỉ IELTS sai quy định

Tại Việt Nam, việc phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài (gọi tắt là chứng chỉ) được đề cập tại Nghị định 86/2018 (có hiệu lực từ 1.8.2018) của Chính phủ, trong đó nêu rõ thẩm quyền phê duyệt thuộc Bộ GD-ĐT. Song đến tháng 7.2022, Bộ GD-ĐT mới ban hành Thông tư 11/2022 (có hiệu lực từ 10.9.2022) hướng dẫn, yêu cầu các đơn vị làm đề án để trình Bộ GD-ĐT cấp phép.

Sau khi thông tư chính thức có hiệu lực, nhiều bên vẫn chưa làm hoặc chưa hoàn thiện hồ sơ nên bị Bộ GD-ĐT "tuýt còi", phải đồng loạt dừng liên kết tổ chức các kỳ thi khác nhau như tiếng Trung (HSK, HSKK), tiếng Hàn (TOPIK), tiếng Nhật (Nat-test)... Đỉnh điểm vào đầu tháng 11.2022, Hội đồng Anh và IDP đồng loạt tuyên bố hoãn thi IELTS vô thời hạn, gây rúng động dư luận trong nước và quốc tế.

Ngày 8.11.2022, Bộ GD-ĐT có văn bản số 5871 gửi các sở GD-ĐT, lưu ý hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ tại Việt Nam chưa được quản lý chặt chẽ. Hai hôm sau, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết thêm, hoạt động của các đơn vị chưa tuân thủ đầy đủ quy định của Việt Nam, dẫn đến một số tiêu cực mà báo chí đã phản ánh như: thi hộ, gian lận trong hồ sơ, giả mạo giấy tờ...

Sau 2 năm kể từ khi các đơn vị được Bộ GD-ĐT cấp phép trở lại, Thanh tra Bộ GD-ĐT mới đây lại kết luận Hội đồng Anh và IDP vi phạm Nghị định 85/2018, Thông tư 11/2022. Đồng nghĩa, việc cấp các chứng chỉ từ đầu năm 2022 đến trước thời điểm Bộ GD-ĐT phê duyệt là sai quy định. Tuy nhiên, Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) sau đó cũng cho biết các chứng chỉ bị cấp sai quy định được "sử dụng bình thường".

Quy trình tổ chức thi IELTS ra sao?

Trong kết luận, Thanh tra Bộ GD-ĐT cũng đề cập đến các điều kiện đảm bảo chất lượng kỳ thi IELTS do IDP và Hội đồng Anh tổ chức. Chẳng hạn, đề thi IELTS trên giấy được thiết kế, in ấn, đóng góp, niêm phong bởi Hội đồng khảo thí ĐH Cambridge (Cambridge Assessment English) tại Anh và chuyển về Việt Nam ít nhất 1 tuần trước ngày thi. Đề thi gồm 2 loại hình Học thuật (Academic) và Tổng quát (General training).

Tương tự, đề thi IELTS trên máy tính cũng do Cambridge Assessment English thiết kế, quản lý, bao gồm 2 loại hình Học thuật và Tổng quát. Đề này được tải về máy tính chủ đặt tại văn phòng trụ sở chính trong vòng 24 giờ trước ngày thi. Toàn bộ đề thi được mã hóa nhằm đảm bảo an toàn, bảo mật và chỉ được giải mã ở thời điểm 2 tiếng trước giờ thi, theo Hội đồng Anh.

Tại IDP, đề của mỗi kỳ thi IELTS được bảo quản trong tủ có 2 lớp khóa tại kho bảo mật của công ty. Trước khi được phân bổ đến các địa điểm thi, đề thi sẽ được kiểm tra niêm phong và được bảo quản an toàn trong vali có 2 lớp khóa mật mã riêng biệt, mật mã do trưởng trung tâm thi cài đặt, lưu giữ. Sau khi hoàn thành, bài làm cũng được bảo quản trong vali với 2 lớp khóa và niêm phong trước khi vận chuyển về công ty.

IELTS hiện là một trong những chứng chỉ tiếng Anh phổ biến nhất tại Việt Nam

IELTS hiện là một trong những chứng chỉ tiếng Anh phổ biến nhất tại Việt Nam

SHUTTERSTOCK

Cả Hội đồng Anh và IDP cho hay, kết quả thi IELTS sẽ được lưu trữ trên hệ thống và thí sinh có thể tra cứu trên trang thông tin điện tử. Các đơn vị cũng cung cấp bảng điểm giấy cho các thí sinh có kết quả thi hợp lệ. Sau 2 năm, bài làm sẽ được tiêu hủy theo quy định của kỳ thi IELTS toàn cầu. Sau 3 năm, danh sách thí sinh được cấp chứng chỉ, hồ sơ dự thi, tài liệu và các báo cáo trong ngày thi cũng sẽ được tiêu hủy theo quy định.

Liên tục dính lùm xùm

Những năm gần đây, ngoài các vấn đề liên quan đến vụ việc hoãn thi IELTS trên cả nước vào tháng 11.2022 khiến không ít thí sinh dang dở kế hoạch học tập, kỳ thi này cũng liên tục vướng lùm xùm tại Việt Nam. Như hồi tháng 9.2022, Thanh Niên đã phanh phui sự sôi động của một thị trường mua bán đề thi IELTS "thật" trên các trang mạng xã hội, với nhiều người bán rao giá hơn trăm triệu đồng mỗi đề.

Đến giữa năm 2023, Trường ĐH Y dược TP.HCM đột ngột thông báo không chấp nhận IELTS và các chứng chỉ ngoại ngữ khác cấp trước ngày 10.9.2022 trong quá trình tuyển sinh sau ĐH, khiến không ít người bức xúc. Ngay sau đó, Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) đã ra công văn xác nhận những chứng chỉ trên có giá trị và nhà trường đã thay đổi yêu cầu trên nhằm bảo đảm quyền lợi thí sinh.

Mới đây nhất, vào tháng 4.2024, kỳ thi IELTS cũng vướng tin đồn "Cải cách kỳ thi nói" mà ngay sau đó đã bị đại diện IDP Việt Nam phủ nhận. Chưa kể, việc các địa phương cho phép dùng điểm thi IELTS để xét danh hiệu học sinh giỏi hay tuyển thẳng vào lớp 10 cũng gây xôn xao dư luận trong thời gian qua. Điều này buộc Bộ GD-ĐT hồi tháng 2 phải ra công văn yêu cầu các địa phương dừng tuyển thẳng lớp 10 bằng IELTS.

Hiện, IELTS được hơn 100 cơ sở giáo dục ĐH tại Việt Nam chấp nhận chuyển đổi kết quả thi sang điểm môn tiếng Anh để tuyển sinh. Bộ GD-ĐT cũng cho phép thí sinh đạt từ 4.0 IELTS trở lên được miễn thi tốt nghiệp THPT môn ngoại ngữ. Và theo thống kê của IELTS, điểm thi trung bình của người Việt Nam năm 2022 là 6.2, xếp thứ 23 thế giới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.