Làm thẻ căn cước buộc thu thập mống mắt: Có khi nào mống mắt bị thay đổi?

Liên Châu
Liên Châu
20/05/2024 10:16 GMT+7

Nhận diện mống mắt được nhiều nước đưa vào sử dụng cho mục đích an ninh như: xuất nhập cảnh tự động, rút tiền tại ngân hàng, hộ chiếu sinh trắc học, bảo mật điện thoại và thiết bị cần được bảo mật đặc biệt.

Theo Th.S-BS Đinh Thị Phương Thủy, Giám đốc Trung tâm Mắt kỹ thuật cao Bệnh viện Đông Đô (Hà Nội), nhận diện mống mắt được cho là vượt trội hơn với các phương pháp sinh trắc học khác như mặt và giọng nói. Bởi sự ổn định lâu dài trên một đường đời, tỷ lệ sai và lỗi nhận dạng thấp, độ ổn định cao.

Làm thẻ căn cước buộc thu thập mống mắt: Có khi nào mống mắt bị thay đổi?- Ảnh 1.

Mống mắt là đặc điểm riêng mỗi người

TL

Mống mắt và đặc điểm "hoa văn" riêng có

BS Thủy giải thích, hiểu đơn giản thì mống mắt là tròng đen của mắt, hình tròn và có công dụng điều chỉnh đường kính và kích cỡ của đồng tử để điều hòa lượng ánh sáng vào mắt. Màu mắt sẽ được quyết định bởi màu của mống mắt. Mặc dù màu sắc của mống mắt liên quan đến yếu tố di truyền, chi tiết của hoa văn trên mống mắt lại không. Mống mắt được phát triển trong thời kỳ trước khi sinh qua một quá trình hình thành và gấp nếp của màng mô.

Trước khi sinh, hiện tượng thoái hóa xảy ra, kết quả là đồng tử mở ra tạo nên một hoa văn độc nhất của mống mắt. Mặc dù về gen thì mống mắt của chúng ta đều giống nhau, tuy nhiên mống mắt từng cá nhân là duy nhất và có cấu trúc hoàn toàn riêng biệt, đó cũng chính là lý do mống mắt được sử dụng cho mục đích nhận dạng cá nhân.

Từ ngày 1.7, làm thẻ căn cước buộc thu thập mống mắt

Theo BS Thủy, thông tin từ tư liệu quốc tế, hệ thống thu thập hình ảnh và phân tích dữ liệu mống mắt là một hệ thống tinh vi bao gồm nhiều hệ thống chịu trách nhiệm cho từng quá trình của nhận diện mống mắt như: thu thập hình ảnh của mắt, xác định vị trí của mống mắt trên hình ảnh của mắt và xử lý hình ảnh, đồng bộ thông tin theo một chiều dựa trên từng phần của mống mắt, tạo ra một mẫu có những đặc điểm nổi bật nhất từ mống mắt.

Đầu vào sẽ là ảnh của mắt và đầu ra sẽ là mẫu mống mắt hoặc mã mống mắt và từ đó sẽ được so sánh với những mã hoặc mẫu đã được lưu để cho mục đích nhận dạng. Nhóm nghiên cứu kết luận, sự thay đổi trên mã/mẫu mống mắt dường như không thay đổi theo yếu tố tuổi tác.

Có khi nào mống mắt bị thay đổi?

Chuyên gia nhãn khoa cho hay, dưới điều kiện bình thường, mống mắt thường sẽ không thay đổi. Tuy nhiên, có một số yếu tố có thể làm thay đổi màu mống mắt như tai nạn hoặc một số bệnh lý, trong đó có nguyên nhân do bệnh lý glaucoma sắc tố. Glocom sắc tố là bệnh thường phát sinh ở tuổi trưởng thành do hội chứng phân tán sắc tố. Hội chứng này bao gồm lắng đọng sắc tố trên mặt nội mô giác mạc theo hình thoi đứng dọc ở vùng bè và chu vi của thể thủy tinh. Sự ứ đọng sắc tố ở vùng bè gây bít các khe lỗ làm tăng nhãn áp.

Hoặc viêm mống mắt dị sắc Fuch là tình trạng viêm những cấu trúc trước mắt có thể là mống mắt, nguyên nhân bệnh chưa rõ và còn khó chữa. Dấu hiệu có thể là teo mống mắt, mất sắc tố trong mống mắt và vì thế màu của mắt sẽ thay đổi, đục thủy tinh thể và còn có thể dẫn đến glocom nếu không được điều trị. Tuy nhiên, những trường hợp bệnh lý là những trường hợp đặc biệt, cần phải theo dõi những yếu tố theo diện rộng và có dữ liệu khoa học.

Bác sĩ Thủy cho biết thêm, một nghiên cứu tại nước ngoài vào năm 2013 về tìm hiểu về việc dữ liệu mống mắt có sự thay đổi theo thời gian hay không đã được thực hiện. Sau thời gian nghiên cứu, nhóm nghiên cứu kết luận, sự thay đổi trên mã/mẫu mống mắt dường như không thay đổi theo yếu tố tuổi tác.

Tác động chủ yếu thay đổi của dữ liệu mống mắt do hình ảnh bị mờ, xử lý và thu thập hình ảnh chưa hoàn hảo, đồng tử/mống mắt bị che. Cụ thể, hình ảnh có thể ảnh hưởng đến dữ liệu về mống mắt là trường hợp ảnh chụp bị mờ, không rõ nét, chói sáng; trường hợp ảnh chụp bị che bởi mi trên; do đối tượng sử dụng kính áp tròng hoặc trường hợp đối tượng bị đồng tử giãn hoặc co. Tuy nhiên, một số nghiên cứu vẫn cho rằng, nên có thêm những nghiên cứu để hiểu rõ hơn về những yếu tố có thể ảnh hưởng đến nhận diện mống mắt.

Thông tin thêm về mống mắt, TS-BS Hoàng Cương (Bệnh viện Mắt Trung ương), cho hay mống mắt ở ngay sau giác mạc có cấu trúc như một hoành chắn ngang màu sắc tùy theo chủng tộc, ở giữa là con ngươi - lỗ đồng tử.

"Mống mắt không ai giống ai nếu soi bằng hiển vi phóng đại. Nếu vân tay có thể trùng hay bị làm giả, với mống mắt thì không thể. Điều này đã dẫn tới các nhà nhân chủng học, hình sự, nhận dạng sân bay đã quyết định scan mống mắt để xác định nhân thân thay thế dần cho lấy dấu vân tay", TS Cương chia sẻ.

Dù vậy, để cá nhân hóa, nếu chỉ là kê khai hay mô tả màu mống mắt (nâu, đen, xanh) thì đơn giản, nhưng để thu thập, đưa cấu trúc mống mắt vào nhận diện, định danh cá nhân sẽ phải scan cấu trúc chi tiết mống mắt với các thông tin về: màu sắc, cấu trúc bề mặt giống như "bản đồ hóa vùng địa lý" đó, rồi số hóa để đưa vào kho dữ liệu cá nhân. Khi cần, dữ liệu này sẽ được đem ra xác định danh tính cá nhân, bởi gần như không ai có cấu trúc mống mắt hoàn toàn giống nhau.

Một số vấn đề nảy sinh khiến kho dữ liệu mống mắt cần được làm mới do một số bệnh lý có thể khiến mống mắt có thể thay đổi màu sắc hay cấu trúc: Chấn thương mắt, xuất huyết nội nhãn, viêm mống mắt thể mi (viêm màng bồ đào), sau phẫu thuật nội nhãn, viêm mống mắt dị sắc của Fuchs, hội chứng Horner, bệnh glocom và tác dụng phụ của một số thuốc điều trị bệnh, hội chứng phân tán sắc tố mống mắt, bệnh nhiễm hắc tố mắt, hội chứng Posner-Schlossman, bệnh lộn màng bồ đào, khối u mống mắt, bệnh tiểu đường, tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc, hội chứng Chediak-Higashi.

TS Hoàng Cương, Bệnh viện Mắt Trung ương


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.