Lãng phí từ các đề án giáo dục: Mục tiêu đề ra quá lớn!

Nhiều chuyên gia đã chỉ ra những nguyên nhân sâu xa khiến các đề án giáo dục thất bại.

Thiếu chuyên nghiệp khi làm đề án
Theo PGS Vũ Cương, Trường ĐH Kinh tế quốc dân, lỗi của các đề án, dự án trong lĩnh vực GD-ĐT nói riêng và chi tiêu công nói chung ở ta từ trước đến nay là quá chú trọng vào việc đạt được các con số, nhưng ý nghĩa cũng như phương thức khả thi để đạt được các con số đó lại không đề cập, hoặc đề cập sơ sài. Vì thế các dự án, đề án thường rơi vào cái “bẫy” chính mình giăng ra.
Ông Cương cho rằng trong “nghề” làm dự án có những chuẩn mực quốc tế. Theo ông, VN không thiếu người đã được đào tạo để làm dự án chuyên nghiệp nhưng nhiều dự án vẫn thất bại vì nhiều lý do, trong đó quan trọng nhất là quan điểm làm đề án rất cục bộ. Đề án của bộ nào thì bộ ấy quản, bộ đó dùng người của mình đang làm việc khác sang kiêm nhiệm dự án. “Bản thân những người đó đã không chuyên nghiệp mà chúng ta lại đối mặt với nguy cơ xung đột lợi ích”, ông Cương nhận định.
Theo ông Cương, để chọn ra được những cá nhân/nhóm có khả năng làm một dự án, tốt nhất cơ quan nhà nước cần đặt ra đầu bài rồi tổ chức đấu thầu. Vấn đề là phải có môi trường cạnh tranh chứ không phải khép kín.
Còn TS Đặng Văn Định, Trưởng ban Nghiên cứu và phân tích chính sách, Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ VN, cho biết cần thiết phải giám sát nguồn đầu tư hỗ trợ chính thức (ODA) trong lĩnh vực này. Theo ông Định, giai đoạn 2004 - 2014, vốn ODA dành cho lĩnh vực GD-ĐT và dạy nghề là hơn
2,1 tỉ USD, chiếm khoảng 3,5% tổng số vốn ODA ký kết của cả nước. Chỉ nhìn vào tên các dự án chúng ta đã thấy có sự giao thoa, chồng lấn. Những đầu tư này “đóng góp” đáng kể vào nợ công của VN. Thế nhưng các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA dành cho lĩnh vực GD-ĐT và dạy nghề tích tụ hàng chục năm được các bộ, ngành hưởng thụ (trong đó có Bộ GD-ĐT) chỉ báo cáo bằng những nhận xét định tính, rất hiếm những con số. Vì thế rất cần có sự giám sát của Quốc hội về hiệu quả các dự án ODA trong lĩnh vực GD-ĐT và dạy nghề.
Lùi thời gian hoàn thành do quá tham vọng
Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020 (Đề án 2020) với tổng kinh phí được phê duyệt là 9.378 tỉ đồng, nhưng chính Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ thừa nhận trước Quốc hội là đã không đạt được mục tiêu. Trọng tâm trong giai đoạn 2016 - 2020 của đề án này là triển khai chương trình ngoại ngữ 10 năm trên quy mô cả nước (bắt đầu từ học sinh lớp 3) và dạy học ngoại ngữ tăng cường đối với tất cả trường dạy nghề, TCCN, CĐ và ĐH. Dự kiến kinh phí thực hiện dự án giai đoạn này cũng chiếm nhiều nhất trong các giai đoạn, với 4.300 tỉ đồng/9.378 tỉ đồng của toàn bộ đề án.
Báo cáo tổng kết năm học vừa qua, Bộ GD-ĐT cũng nhận định, việc triển khai chương trình ngoại ngữ mới ở giáo dục phổ thông còn lúng túng, số lượng học sinh được học theo chương trình ngoại ngữ mới còn thấp so với mục tiêu của giai đoạn. Chưa có giải pháp cụ thể trong dạy và học ngoại ngữ ở các vùng miền, địa phương khác nhau, dẫn đến việc nâng cao chất lượng giáo viên đạt chuẩn ở các địa phương trở nên khó khăn. Việc dạy tiếng Anh tăng cường trong các cơ sở đào tạo chưa hiệu quả dẫn đến nhiều sinh viên trước khi ra trường và thậm chí sau khi tốt nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu về năng lực ngoại ngữ…
Vì thế cuối tháng 12.2017 qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2080/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017 - 2025. Hầu hết các mục tiêu dự kiến hoàn thành vào năm 2020 đã được lùi lại tới 5 năm.
Không phù hợp tình hình thực tế
Trả lời Báo Thanh Niên, ông Phạm Quang Hưng, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ GD-ĐT), cho biết trong việc thực hiện đề án “Đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ các trường ĐH, CĐ giai đoạn 2010 - 2020” (Đề án 911), Bộ không chạy theo số lượng mà kiên định duy trì các điều kiện đảm bảo chất lượng, đồng thời đã sớm nhìn ra những bất cập để kiến nghị Chính phủ dừng tuyển sinh và xây dựng đề án thay thế để khắc phục các hạn chế của Đề án 911.
Ông Hưng thừa nhận mục tiêu của đề án tại thời điểm xây dựng đề ra quá lớn so với tình hình thực tế về khả năng nguồn tuyển sinh đáp ứng được điều kiện tiếp nhận của phía nước ngoài và khả năng đào tạo, thực hiện đề án của các cơ sở GD ĐH trong nước. Tỷ lệ tuyển sinh thấp do đề án yêu cầu nhiều cam kết, ràng buộc; đối tượng dự tuyển đầu vào chặt chẽ; kinh phí hỗ trợ nghiên cứu sinh thấp nên không thu hút được nhiều ứng viên, cơ sở đào tạo trong nước tham gia. Do tỷ lệ tuyển sinh hằng năm thấp hơn kế hoạch nên cũng là lý do dẫn đến thừa dự toán hằng năm.
Ông Hưng cho biết về khoản kinh phí 50 tỉ đồng, thời gian qua Bộ GD-ĐT chưa sử dụng và đã nộp lại toàn bộ cho nhà nước năm 2017 theo yêu cầu của Kiểm toán Nhà nước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.