Lật từng trang sử, khóc người xưa

Hoàng Kim
Hoàng Kim
25/04/2024 11:09 GMT+7

Sân khấu Hồng Vân tối 24.4 đã liên tiếp vang dậy những tràng vỗ tay đồng thời với những giọt nước mắt... Khán giả đã lướt qua gần 20 nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam, thấm thía biết bao nỗi niềm của tiền nhân và không thiếu những cảm xúc của tự hào, ngưỡng mộ...

Thật ra đây là buổi lễ tốt nghiệp diễn viên khóa nâng cao của sân khấu Hồng Vân, và thầy chủ nhiệm - NSƯT Hữu Châu đã chọn một môn rất khó, chính là độc thoại. Hữu Châu nói: "Diễn viên độc thoại lấy thân mình làm tất cả mọi thứ, vừa thể hiện cảnh trí, đạo cụ, vừa diễn, vừa thoại… Tất cả không thể nương tựa vào đâu, chỉ tựa vào bản thân, vào cơ thể mình trên sân khấu. Cho nên tôi chọn những em giỏi nhất trong các khóa mới dám cho thi môn này".

Phan Hồng Nhung vai An Tư công chúa

Phan Hồng Nhung vai An Tư công chúa

H.K

Đặc biệt, Hữu Châu lại chọn chủ đề lịch sử, là thêm một thử thách đối với các em. Chưa hết, kịch bản không có sẵn, Hữu Châu bắt học trò phải tự tìm tòi sách vở, tài liệu, đọc thật nhiều, rồi tự cảm, tự viết. Tuy mỗi bài thi chỉ 10 phút nhưng các em phải nghiên cứu rất nhiều mới dám đặt bút. Hữu Châu nói: "Nhờ vậy mà tụi nhỏ đọc và thuộc sử vanh vách. Tôi muốn thế hệ trẻ phải biết sử, yêu sử, không thể quên nguồn cội cha ông". Các em viết xong, thầy chủ nhiệm đọc lại, bắt sửa, tới chừng nào thấy ổn mới thôi.

Quả là bất ngờ đối với khán giả, bởi mỗi kịch bản đều rõ ràng về tư liệu, tinh tế về tâm lý, lời thoại chỉn chu, đẫm chất văn học, thậm chí nhiều đoạn còn giàu kịch tính. Mỗi nhân vật chỉ có 10 phút thể hiện nhưng dẫn khán giả đi say mê và cảm động trong vòng xoáy lịch sử, thân phận đắng cay. Một Bùi Thị Xuân trước khi chết mang theo nỗi đau của người vợ, người mẹ vì không cứu được chồng con, nghe tiếng thét của con mà đứt từng khúc ruột. Một Trần Cảnh bỏ hoàng cung lên núi ẩn mình, đau lòng nhớ Lý Chiêu Hoàng thanh mai trúc mã, nhưng rồi cũng phải trả áo cà sa trở lại trong vòng tay của Trần Thủ Độ, bởi gánh nặng non sông, bởi quân xâm lược đang lăm le bờ cõi. Một Võ Tánh trước khi tuẫn tiết theo thành đã nhẹ nhàng cúi xuống thắt dây giày cho quân sĩ, gài lại cúc áo cho người lính từng xông pha trận mạc với mình, và tha thiết yêu cầu Trần Quang Diệu tha cho quân lính, chỉ mình hy sinh là đủ. Một An Tư công chúa vui mừng khi Đại Việt thắng được Thoát Hoan, nhưng bà không muốn theo chồng về đất Bắc, mà kiên quyết chết trên mảnh đất quê nhà, chỉ để lại nấm mồ vô chủ và câu hỏi nhói lòng "không biết sau này ai còn nhớ đến An Tư?"… Và nước mắt khán giả đã rơi xuống...

Ngọc Báu trong vai Võ Tánh

Ngọc Báu trong vai Võ Tánh

H.K

Hoặc, một Nguyễn Ánh trên đường chạy loạn mong lấy lại cơ đồ nhà Nguyễn, đã trăn trở với những điều khoản của người Pháp, vẫn e sợ mất đất, mất nước, nhưng ông buộc phải sống, sống bằng mọi cách để phục ngôi, nên đành thỏa hiệp. Một Trần Thủ Độ vì chấn hưng Đại Việt và đối phó với Nguyên Mông sắp tràn vào bờ cõi, đã cắn răng cắt đứt những thâm tình, những người phản kháng. Công tội của ông ngang ngửa, khó mà bàn luận anh hùng. Hoặc một Trần Ích Tắc bị mang tiếng đầu hàng quân giặc, nhưng biết đâu ông mang nỗi hàm oan?... Khán giả bỗng có cái nhìn khác và cũng muốn tìm hiểu nhiều hơn với từng nhân vật lịch sử, lật đi lật lại bức màn phía sau để thấu rõ, cảm thông...

Trên sân khấu chỉ duy nhất bức tranh thư pháp ghi mấy chữ "Đại Việt sử ký toàn thư", nhưng vẫn đầy đủ uy lực và sức hấp dẫn. Mấy chữ thôi, đủ làm rung động trái tim người Việt, đánh thức tình yêu non sông đất nước. Và những nhân vật lần lượt xuất hiện, thần thái rạng ngời, xiêm y rực rỡ, giọng nói như âm vang từ ngàn xưa vọng lại, khắc họa được những thăng trầm dâu bể của quê hương. Một đêm ôn sử, hiểu sử, và yêu sử, thật tuyệt vời!

Một điểm cộng nữa của, sân khấu Hồng Vân kỳ này tuyển được rất nhiều học viên có ngoại hình tốt, đặc biệt các em nữ đều xinh đẹp, thu hút. Một lứa măng non đầy hứa hẹn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.