Giải đáp về thiên văn học:

Mắt chúng ta không thể nhìn thấy lỗ đen, liệu nó có thực sự tồn tại?

04/09/2023 20:15 GMT+7

Trên thực tế, mắt chúng ta không thể nào nhìn thấy được lỗ đen vũ trụ. Liệu, lỗ đen có thực sự tồn tại hay không?

Theo nhà nghiên cứu Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam (VACA), “liệu lỗ đen có thực sự tồn tại, hay những quan sát gián tiếp mà các nhà khoa học có được thực ra là một dạng đối tượng khác?” là một câu hỏi thú vị về lỗ đen.

Ông Sơn cho biết không có bất cứ nghiên cứu nào cho phép chúng ta nhìn thấy lỗ đen và trong tương lai nhiều năm tới cũng thế, vì đơn giản là tự lỗ đen không phát ra bất cứ bức xạ nào.

Mắt chúng ta không thể nhìn thấy lỗ đen, liệu nó có thực sự tồn tại? - Ảnh 1.

Không có bất cứ nghiên cứu nào từng có, cho phép chúng ta nhìn thấy lỗ đen.

VACA

“Mặt khác, không có lỗ đen nào đủ gần chúng ta để có thể gửi các tàu thăm dò tới và quan trọng hơn nữa là nếu một tàu thăm dò đi vào sát chân trời sự kiện của lỗ đen để kiểm chứng thì nó cũng đồng thời mất khả năng gửi thông tin về cho chúng ta”, nhà nghiên cứu cho biết.

Thế nhưng, giống như khi nhìn thấy ánh sáng hắt qua ô cửa sổ của một căn nhà lúc nửa đêm, bạn biết chắc rằng có ít nhất một ngọn đèn đang sáng trong căn nhà đó. Lỗ đen cũng được các nhà khoa học xác định bằng những hiệu ứng tương tự. Những hiệu ứng đã được phát hiện đó (sự bồi tụ vật chất, sóng hấp dẫn...) không thể tới từ bất cứ dạng thiên thể nào khác trong vũ trụ.

Điều đó có nghĩa, nguồn gốc của những hiệu ứng đó phải là một thứ gì đó có những tính chất như các nhà khoa học dự đoán về lỗ đen. Trên thực tế, có những giả định khác lý giải cho những hiệu ứng đó, nhưng chỉ có mô hình lỗ đen đáp ứng được các vấn đề đặt ra.

Theo ông Sơn, đó là lý do các nhà khoa học hoàn toàn có thể kết luận rằng các lỗ đen thực sự tồn tại, hay nói cách khác khách quan hơn: vật thể gây ra những hiệu ứng đó có thể không giống những gì bạn tưởng tượng hay như trong những bộ phim viễn tưởng về lỗ đen, nhưng nó ở đó và nó khớp với mô hình mà khoa học dự đoán, nên nó được gọi là lỗ đen.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.