Mỹ và chiến dịch tình báo thất bại tại Nhật Bản

12/03/2007 21:57 GMT+7

Các tài liệu được công bố mới đây cho thấy Mỹ đã tốn công vô ích khi bí mật tuyển mộ tội phạm chiến tranh và những kẻ theo chủ nghĩa quân phiệt Nhật để làm gián điệp chống Liên Xô thời đầu Chiến tranh lạnh.

Đại tá M.Tsuji là một kẻ theo đuổi chủ nghĩa quân phiệt Nhật cuồng tín, một quân nhân tàn bạo. Bị quân Đồng minh săn đuổi sau Thế chiến thứ 2 vì đã giết hại thường dân Trung Quốc và dính líu đến Chiến dịch Tử thần tháng 3 tại Bataan (Philippines) vào năm 1942, sau đó tay này đã trở thành nhân viên tình báo cho Mỹ tại G-2 - cơ quan tình báo chống Cộng hoạt động riêng biệt với Cơ quan tình báo trung ương (CIA). Theo các báo cáo của CIA được Cục lưu trữ Mỹ công bố mới đây, Washington đã thu nạp vào cơ quan tình báo các tội phạm chiến tranh Nhật và những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan trong những ngày đầu của Chiến tranh lạnh. Bên cạnh Tsuji, những tên tuổi tội phạm khác trong danh sách nhân viên tình báo của G-2 còn có trùm mafia trục lợi trong chiến tranh Y.Kodama và T.Hattori, cựu thư ký riêng cho H.Tojo - thủ tướng thời Thế chiến 2 của Nhật.

Nhiều nhân viên của G-2, từng bị bắt giữ sau khi Tokyo đầu hàng và dần dần được trả tự do sau đó, hoạt động dưới sự chỉ huy của tướng C.Willoughby. Thậm chí bên công tố viên của Đồng minh còn liệt một số nhân vật trong G-2 vào dạng tội phạm chủ chốt trong các phiên tòa xét xử tội phạm chiến tranh. Mục đích thành lập cơ quan tình báo G-2 tương tự như hoạt động của Mỹ tại Đức, dựa vào các cựu sĩ quan Đức Quốc xã để khai thác thông tin tình báo của Liên Xô. Có nghĩa là Mỹ muốn đưa gián điệp xâm nhập Liên Xô - CHDCND Triều Tiên và sử dụng tay sai Nhật để bảo vệ Đài Loan chống lực lượng Cộng sản đang thắng thế ở Trung Quốc. Như vậy, thay vì hướng quốc gia từng là đế quốc này vào con đường dân chủ, Mỹ đã hướng Nhật tập trung sang mục đích kiềm chế Liên Xô. Tướng Willoughby cho rằng những kẻ từng phạm tội ác chiến tranh là chìa khóa chủ chốt để biến Nhật Bản thành bức tường thành chống Cộng hiệu quả tại châu Á và bảo đảm rằng Tokyo sẽ nhanh chóng trở thành đồng minh của Mỹ. Từ lâu, các sử gia kết luận rằng quân Đồng minh đã che mắt bịt tai, làm ngơ những tay tội phạm chiến tranh người Nhật, đặc biệt những kẻ nợ máu tại các nước châu Á, vì chống Cộng đã trở thành ưu tiên hàng đầu của phương Tây lúc đó.

Theo tài liệu do Hãng tin AP thu thập được, các hoạt động tình báo dạng trên đã thất bại nặng nề. Thực tế cho thấy các gián điệp Nhật quá quan tâm đến các hoạt động của cánh hữu và cố gắng kiếm chác tiền bạc hơn là phục vụ cho mục đích của Mỹ. CIA đưa các chứng cứ cho thấy nhân viên tình báo Nhật thường qua mặt các sếp Mỹ cả tin. Họ chuyển các thông tin tình báo vô dụng cho Mỹ và sử dụng mối quan hệ với Mỹ để buôn lậu và nỗ lực hồi sinh một Nhật Bản theo chủ nghĩa quân phiệt. Ví dụ, người Mỹ rót tiền mua một chiếc tàu để đưa lậu điệp viên Nhật sang đảo Sakhalin của Liên Xô, nhưng cuối cùng cả tiền lẫn tàu và điệp viên đã "bốc hơi". Theo CIA, một số gián điệp đã bán cùng một tin tức cho các bên khác nhau tại Mỹ để tăng thu nhập cũng như chuyển thông tin từ quân đội Mỹ cho những tên theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Thậm chí, điệp viên Hattori còn cầm đầu âm mưu đảo chính với mục tiêu lật đổ chính phủ thân Mỹ của Thủ tướng S.Yoshida vào năm 1952. Tuy nhiên, kế hoạch trên bất thành. Theo tài liệu CIA và giới sử gia, chính sự thiếu hiểu biết của Mỹ về Nhật Bản, sự quan tâm đến các đối tượng tội phạm chiến tranh và sự tự tin vào các kỹ năng tình báo của các sĩ quan Mỹ đã khiến họ "dễ dàng bị xỏ mũi trong một thời gian".

Thụy Miên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.