Nam bộ khi nào có mưa?

Chí Nhân
Chí Nhân
19/04/2024 06:23 GMT+7

Nắng nóng kéo dài hơn 100 ngày liên tiếp, đã có 3 địa phương công bố tình huống khẩn cấp, tình trạng thiếu nước sản xuất, sinh hoạt lan rộng... Vấn đề được mong chờ nhiều nhất với nhiều người dân Nam bộ hiện là "khi nào hết nắng nóng, bao giờ thì mưa tới?".

Sắp mưa nhưng chỉ đủ làm không khí thêm oi bức

Trong nửa đầu tháng 4, nắng nóng tăng cường khiến cái nóng càng thêm gay gắt. Số liệu từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, chỉ trong 15 ngày đầu tháng 4, Nam bộ có đến 5 lần nắng nóng vượt lịch sử. Đáng kể nhất là vào ngày 9.4, nhiệt độ cao nhất tại Biên Hòa (Đồng Nai) lên tới 40 độ C, cao hơn giá trị lịch sử đến 1 độ C. Hay ngày 11.4, nhiệt độ lịch sử mới tại Phước Long (Bình Phước) là 39,4 độ C, cao hơn lịch sử cách đó 37 năm đến 0,9 độ C. Nắng nóng càng tăng thì nỗi mong mưa của hàng chục triệu người dân Nam bộ và thậm chí cả Tây nguyên càng lớn dần. Trong các cuộc gặp mặt hằng ngày, nhiều người vẫn thường hỏi nhau: "Vì sao hôm nay vẫn nắng nóng thế? Nắng nóng khi nào kết thúc? Bao giờ trời sẽ có mưa?".

Trong nhiều ngày qua, mây đen xuất hiện khá nhiều trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh thành Nam bộ, nhưng mưa vẫn chưa xuất hiện

Trong nhiều ngày qua, mây đen xuất hiện khá nhiều trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh thành Nam bộ, nhưng mưa vẫn chưa xuất hiện

CHÍ NHÂN

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, trong các ngày 17 - 18.4, một số nơi ở khu vực nam Tây nguyên như Lâm Đồng, Đắk Nông xảy ra mưa trái mùa một vài nơi với lượng nhỏ và diện hẹp. Điều này càng làm cho người dân TP.HCM và các tỉnh thành Nam bộ nói chung thêm háo hức mong mưa. Mong đến mức một vài ngày trời nhiều mây buổi sáng, không ít người chụp ảnh, chờ đợi... rồi thất vọng. Đến mức có người tự tuyên bố có thể cầu mưa...

Th.S Lê Thị Xuân Lan, chuyên gia khí tượng thủy văn, phân tích: Sau nhiều ngày nắng nóng gay gắt liên tiếp, lượng nước bốc hơi nhiều khiến độ ẩm trong không khí đang tăng lên. Ảnh mây vệ tinh cho thấy bắt đầu có những đám mây kéo tới từ phía tây nam và gió cũng bắt đầu chuyển hướng, nhưng còn nhẹ và chưa đều. Từ nay đến 21.4, sẽ có mưa giông ở một số nơi với lượng nhỏ, diện hẹp. Những nơi có khả năng mưa cao như: Phú Quốc, An Giang, Hậu Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, TP.HCM. Một số nơi ở Tây nguyên có thể mưa cục bộ. Vì lượng mưa nhỏ và diện hẹp nên chưa thể giải nhiệt được mà còn làm cho không khí càng oi bức khó chịu hơn.

Chăm dừa mọc ngay giữa nhà hơn 35 năm, chủ quyết không chặt bỏ để tránh nóng

Nam bộ khi nào có mưa?- Ảnh 2.

Từ ngày 21.4 trở đi, áp thấp nóng Ấn - Miến ở phía tây hoạt động mạnh và tăng cường sang phía đông, ảnh hưởng nhiều đến nước ta, khiến cho nắng nóng gia tăng cường độ trên cả nước. Đến cuối tháng 4, gió mùa tây nam bắt đầu xuất hiện, đồng nghĩa với việc chúng ta đang đến gần với mùa mưa hơn. Tuy nhiên, gió tây nam chỉ mới bắt đầu ở tầng thấp và mang tính tạm thời, chưa đều. Giai đoạn này, những cơn mưa chuyển mùa cũng bắt đầu xuất hiện rải rác một vài nơi.

Đến ngày 2.5, trên vùng biển phía tây Thái Bình Dương (phía đông của Philippines) có một vùng áp thấp có thể mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, thậm chí là bão. Nếu đúng như dự báo, nó có thể là dấu mốc cho mùa mưa bão năm nay trên vùng biển phía tây Thái Bình Dương, trong đó có VN.

Bà Lan nhận định: Theo Cơ quan Khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ (NOAA), hiện El Nino gần như đã kết thúc và từ nay đến tháng 6 là giai đoạn trung tính. Từ tháng 6 - 8 có thể bắt đầu bước vào chu kỳ La Nina - mưa nhiều. Với những biểu hiện thời tiết ở Nam bộ như trên, có thể thấy mùa mưa ở Nam bộ sẽ bắt đầu vào giữa tháng 5 với các địa phương thuộc vùng bán đảo Cà Mau như: Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu. Mùa mưa thậm chí có thể xuất hiện sớm hơn ở một số nơi như Phú Quốc, sau đó mở rộng ra các tỉnh thành khác ở Nam bộ.

"Do mùa mưa bắt đầu cùng với chu kỳ La Nina nên năm nay lượng mưa sẽ khá dồi dào, số cơn bão/áp thấp nhiệt đới xuất hiện trên Biển Đông cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta có thể nhiều hơn trung bình các năm khoảng 2 cơn. Tuy nhiên, vấn đề trước mắt là từ nay đến khi mùa mưa bắt đầu, Nam bộ bước vào giai đoạn chuyển mùa nên thường xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như giông, lốc xoáy, sét, mưa đá… vào chiều và tối; người dân cần hết sức đề phòng để tránh thiệt hại", bà Lan cảnh báo.

Nhiều nơi mặn vượt năm 2016

Nắng nóng kéo dài khiến khô hạn và xâm nhập mặn ở Nam bộ và Tây nguyên cũng gia tăng tương ứng. Mới nhất, ngày 17.4, UBND tỉnh Long An công bố tình trạng xâm nhập mặn khẩn cấp, do ranh mặn trên sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây đã vào sâu từ 72 - 80 km, dự báo tiếp tục vào sâu thêm và có thể lên tới 90 - 110 km. Tỉnh Long An có khoảng 20.000 người dân tại các huyện Cần Giuộc, Cần Đước, Tân Trụ bị thiếu nước sinh hoạt. Long An cũng có đề xuất gửi Chính phủ xem xét hỗ trợ hơn 164 tỉ đồng để phòng, chống hạn mặn nhằm nạo vét kênh mương, lắp đặt trạm bơm dã chiến và các biện pháp cung cấp nước sinh hoạt cho người dân. Trước đó, Cà Mau và Tiền Giang công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai, xâm nhập mặn.

Mùa mưa ở Nam bộ sẽ bắt đầu vào giữa tháng 5 với các địa phương thuộc vùng bán đảo Cà Mau như: Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu. Mùa mưa thậm chí có thể xuất hiện sớm hơn ở một số nơi như Phú Quốc, sau đó mở rộng ra các tỉnh thành khác ở Nam bộ.


Th.S Lê Thị Xuân Lan, chuyên gia khí tượng thủy văn

Theo các cơ quan khí tượng thủy văn, trong tuần tới, từ ngày 23 - 27.4 trùng với kỳ triều cường giữa tháng 3 âm lịch. Đối với ĐBSCL, đây là đợt xâm nhập mặn sâu do lượng nước từ thượng nguồn sông Mê Kông về ít. Người dân ở các địa phương cần lưu ý áp dụng các biện pháp phòng tránh.

Cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) cho biết, tính đến ngày 10.4, ranh mặn 4‰ xâm nhập sâu đến 90 km trên sông Vàm Cỏ Tây, còn Vàm Cỏ Đông là 84 km. Tuy nhiên, so với đợt hạn mặn lịch sử năm 2016 và 2020 thì độ sâu ranh mặn vẫn còn ít hơn từ 12 - 45 km. Đáng chú ý nhất là ở nhánh sông Cửa Tiểu, mặn vào sâu đến 50 km, sâu hơn năm 2016 đến 8 km; nhánh sông Cửa Đại là 49 km, vượt năm 2016 là 9 km; và sông Hàm Luông mặn vào 62 km, sâu hơn 1 km so với năm 2016.

Trong khi các tỉnh ĐBSCL bị xâm nhập mặn đe dọa thì Tây nguyên lại đối mặt với tình trạng khô hạn nghiêm trọng. Hiện toàn vùng có 103 hồ chứa nước nhỏ bị khô cạn. Mức nước của các hồ thủy lợi còn lại trong khu vực này dung tích chỉ đạt 40% so với thiết kế, thấp hơn 8% so với trung bình nhiều năm và dự báo tiếp tục giảm thêm 3% trong tuần này. 

Nắng điên đầu không chịu nổi, người dân khu Mả Lạng 'cắn răng' mua máy lạnh

Nhiệt độ trung bình tăng 1 - 2 độ C

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết: Tại Nam bộ và Tây nguyên, nắng nóng và khô hạn có khả năng kéo dài đến khoảng nửa đầu tháng 5. Tại khu vực Bắc và Trung bộ, nắng nóng có xu hướng gia tăng trong thời kỳ từ tháng 5 - 7. Hiện tượng nắng nóng và nắng nóng gay gắt có khả năng xuất hiện nhiều hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Tháng 5, nhiệt độ trung bình trên phạm vi toàn quốc phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm khoảng 1 - 2 độ C, có nơi cao hơn; tháng 6 - 7 cao hơn từ 0,5 - 1,5 độ C.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.