Năng lực tuân thủ pháp lý quyết định sự bền vững của doanh nghiệp ứng dụng blockchain

13/04/2023 11:19 GMT+7

Khả năng tuân thủ các quy định về nhận biết khách hàng/doanh nghiệp/giao dịch (KYC, KYB, KYT) và phòng chống rửa tiền, chống khủng bố (AML/CFT) sẽ xác định doanh nghiệp ứng dụng blockchain có thể tồn tại trong thị trường Việt Nam và vươn ra thế giới hay không, theo ông Phan Đức Trung - Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam.

Năm 2022 là thời điểm thị trường blockchain chứng kiến hàng loạt vụ sụp đổ của những hệ sinh thái tài sản số, nhiều công ty như Celsius, 3AC tuyên bố phá sản vì không thể trụ vững. Theo ông Phan Đức Trung, điều này cho thấy tầm quan trọng của hai vấn đề: 1/thiết lập khung pháp lý cho thị trường, 2/tăng cường tuân thủ các tiêu chuẩn AML/CFT, cũng như kêu gọi các công ty trong ngành thực hiện đầy đủ quy trình KYC (Know Your Customer), KYB (Know Your Business) và KYT (Know Your Transaction).

Tuân thủ AML/CFT để hòa nhập thương mại quốc tế

Góp mặt tại hội thảo "Công nghệ Blockchain: Khởi tạo tiến trình thương mại quốc tế", ông Phan Đức Trung nhận định khả năng tuân thủ pháp lý là yếu tố quyết định để doanh nghiệp blockchain không chỉ phát triển bền vững tại quê nhà, mà còn có thể hòa nhập với thị trường quốc tế trong tiến trình thương mại toàn cầu.

Khối lượng tài sản số bị sử dụng cho mục đích bất hợp pháp đạt mức kỷ lục 20,1 tỉ USD vào năm 2022, theo số liệu do Chainalysis công bố tháng 2.2023. Năm 2021, tổng chi phí các giao dịch bất hợp pháp liên quan đến tài sản số là 18 tỉ USD.

Năng lực tuân thủ pháp lý quyết định sự bền vững của doanh nghiệp ứng dụng blockchain - Ảnh 1.

Ông Phan Đức Trung - Phó chủ tịch thường trực VBA tại sự kiện Vietnam Tour de Web3

Theo số liệu do Công ty Shield FC công bố, các doanh nghiệp chi khoảng 436 tỉ USD mỗi năm cho việc tuân thủ. Các quy tắc tuân thủ đang được điều chỉnh mỗi ngày, khiến môi trường pháp lý ngày càng phức tạp và đặt ra câu hỏi liệu các doanh nghiệp có phát triển song hành cùng với các quy tắc mới hay không.

Lúc này, khi dữ liệu thông tin cần được đưa vào quy trình chuẩn hóa thì công nghệ Blockchain được đánh giá là có thể giúp doanh nghiệp tư nhân cải thiện việc tuân thủ quy định. Công nghệ này duy trì hồ sơ về các thủ tục và hoạt động tuân thủ cho từng khách hàng theo cách an toàn và bất biến.

Ông Phan Đức Trung nêu bật: "Mặc dù hiện nay, Việt Nam chưa có khung pháp lý cụ thể về blockchain. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn cần tuân thủ và áp dụng tối ưu tiêu chuẩn thực hiện các thủ tục và quy định pháp lý theo yêu cầu của các tổ chức tài chính. Đặc biệt các tổ chức và cá nhân hoạt động tại Việt nam cần nắm bắt Luật Phòng chống rửa tiền được Quốc hội đã thông qua theo quyết định số 14/2022/QH15 có hiệu lực thi hành từ 1.3.2023".

Trên thế giới, Lực lượng Đặc nhiệm Hành động Tài chính (FATF) đã ban hành một khuôn khổ quốc tế về các tiêu chuẩn chống rửa tiền. Những quốc gia tham gia hòa nhập AML/CFT có nghĩa vụ thực hiện các tiêu chuẩn này. Hằng năm, FATF sẽ công bố các báo cáo để xác định quốc gia nào đang thiếu sót trong việc thực hiện nghĩa vụ AML/CFT.

Mọi doanh nghiệp blockchain cần thực hiện đủ quy trình KYC

Tại sự kiện Vietnam Tour de Web3 ngày 25.3, khi VBA tham dự với tư cách đối thoại cùng cộng đồng, Phó chủ tịch thường trực VBA chia sẻ: "Muốn tuân thủ tiêu chuẩn AML/CFT, doanh nghiệp cần phải làm các bước cụ thể là KYC, KYB và KYT. KYC là quá trình doanh nghiệp xác minh danh tính khách hàng, bao gồm việc lưu trữ thông tin nhận dạng cá nhân như tên tuổi, ngày sinh, địa chỉ và ảnh chụp. Hiện tại, nhiều tổ chức tài chính đã tiến hành kiểm tra và xác minh danh tính của khách hàng bằng quá trình KYC".

Trong khi đó, KYB là quy trình thẩm định mà các tổ chức bắt buộc thực hiện để xác minh doanh nghiệp họ đang làm việc cùng, cụ thể là xác minh tình trạng pháp lý của doanh nghiệp, địa chỉ hoạt động… từ đó đánh giá rủi ro. KYT là quá trình thu thập thông tin về các giao dịch được thực hiện bởi một doanh nghiệp để đánh giá xem các giao dịch đó có hợp pháp hay không, sử dụng công cụ machine learning (học máy) và trí tuệ nhân tạo (AI).

Tại Hội nghị chuyên đề "Về chống khai thác mạng đối với các sàn giao dịch tiền mã hóa" do Bộ Ngoại giao Mỹ phối hợp với Bộ Ngoại giao Hàn Quốc tổ chức ngày 17.11.2022 tại Hàn Quốc, đại diện VBA đã tham gia để cùng đóng góp ý kiến, khuyến nghị để thúc đẩy các chính sách chống rửa tiền trong lĩnh vực tiền mã hóa.

VBA cũng đã ký kết hợp tác với Chainalysis - công ty phân tích blockchain có trụ sở đặt tại New York (Mỹ). Chainalysis đang cung cấp các giải pháp liên quan đến AML, KYC, KYT và KYB cho các công ty blockchain trên thế giới, ở nhiều phân khúc khác nhau.

Sắp tới, Hiệp hội Blockchain Việt Nam sẽ cùng đại diện các doanh nghiệp blockchain tham dự workshop "Safeguarding Dual-Use Materials & Data Using Blockchain Technology Applications" do Đại sứ quán Mỹ tại Singapore tổ chức vào ngày 18.4 để được hướng dẫn về các biện pháp AML/CFT và cách áp dụng vào hoạt động doanh nghiệp.

Ông Phan Đức Trung cho biết: "Các công nghệ mới trong đó bao gồm công nghệ Blockchain đang giúp dân chủ hóa mô hình tài chính và mở rộng khả năng tiếp cận sản phẩm dịch vụ toàn cầu. Và tài sản số sẽ sớm được đưa vào quy chuẩn vận hành để hợp thức hoá kinh tế thương mại trong kỷ nguyên số. Tuy nhiên, trong tương lai, tài sản số khi được tích hợp vào thương mại quốc tế sẽ tiềm ẩn nguy cơ gian lận trong quá trình giao dịch giữa các quốc gia. Do vậy, năng lực tuân thủ pháp lý là thước đo cho sự lớn mạnh và bền vững của một doanh nghiệp không kể lớn nhỏ".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.