Dịch bệnh tiếp tục tấn công đàn gia súc, gia cầm trong nước

14/07/2007 20:14 GMT+7

Thông báo của Cục Thú y ngày 14.7 cho biết, trong số 8 tỉnh, thành chưa khống chế được dịch cúm gia cầm, đến thời điểm này, tại Quảng Ninh đã 20 ngày, Hà Tĩnh 19 ngày, Nghệ An 18 ngày, Bắc Giang 16 ngày, Thái Bình 14 ngày, Cà Mau 12 ngày qua không phát sinh thêm ổ dịch mới.

Như vậy, nếu hết ngày 15.7, trên địa bàn toàn tỉnh không phát hiện thêm ổ dịch mới, Quảng Ninh sẽ là tỉnh thứ 11 trên địa bàn toàn quốc hết dịch cúm gia cầm.

Trong khi đó, các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị đã phát hiện thêm 27 con gia súc tại 6 xã thuộc các huyện Dakrông, Gio Linh và Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị mắc bệnh lở mồm long móng nâng tổng số trâu, bò, lợn, dê bị mắc bệnh ở địa phương lên 791 con.

Cũng theo thông báo này, tính đến ngày 14.7, Hội chứng sinh sản và hô hấp (PRRS) trên đàn lợn đã lây lan sang gần 40 xã (phường, thị trấn) thuộc 8 huyện (thị), tỉnh Quảng Nam với tổng số lợn mắc bệnh là hơn 16.717 con,  trong đó trên 800 con bị chết và phải tiêu huỷ.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh PRRS, cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã có Công điện khẩn số 26 BNN/CĐ gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, các Bộ, ngành trong Ban chỉ đạo quốc gia về việc tập trung chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn lợn.

Theo công điện, hiện nay, tình hình dịch ở Quảng Nam là rất nghiêm trọng, dịch đang có chiều hướng lây lan rộng và có nguy cơ lây lan ra các tỉnh, thành phố khác. Nguyên nhân dịch lây lan nhanh do người chăn nuôi bán chạy lợn.

Để nhanh chóng dập tắt dịch ở tỉnh Quảng Nam và ngăn chặn dịch xảy ra ở nơi khác, Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu UBND tỉnh Quảng Nam khẩn trương áp dụng các biện pháp chống dịch khẩn cấp và quyết liệt như: tổ chức bao vây ổ dịch, tăng cường công tác kiểm soát việc vận chuyển, nghiêm cấm vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn ra khỏi vùng dịch bằng cách thiết lập các trạm, chốt kiểm dịch động vật tạm thời và thành lập ngay các đội kiểm soát liên ngành cơ động, kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm, tạm thời dừng, không cho phép vận chuyển lợn và sản phẩm lợn ra khỏi tỉnh, đồng thời tổ chức tuyên truyền, thông báo liên tục về tình hình dịch trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân biết, chủ động phòng chống dịch, không bán chạy gia súc.

Các tỉnh chưa có dịch, phải tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn từ các địa phương khác nhập vào tỉnh mình, không cho nhập vào tỉnh lợn và sản phẩm của lợn có nguồn gốc từ tỉnh Quảng Nam đến khi tỉnh công bố hết dịch; kiên quyết xử lý việc vận chuyển trái phép không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch.

Bùi Trần

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.