Ông Musharraf ngồi trên đống lửa

10/08/2007 23:14 GMT+7

Dư luận Pakistan hôm qua hoan nghênh quyết định của Tổng thống P.Musharraf không áp đặt tình trạng khẩn cấp. Tuy nhiên, việc ông xem xét khả năng trên là dấu hiệu cho thấy nỗ lực nán lại dinh tổng thống của ông ngày càng khó khăn.

Ông Musharraf, người lên nắm quyền sau cuộc đảo chính vào năm 1999, đang phải gánh chịu nhiều sức ép từ các thế lực trong nước đòi phục hồi nền dân chủ, cũng như đòi hỏi của Mỹ rằng Pakistan phải nỗ lực nhiều hơn để ngăn chặn Taliban và al-Qaeda tập hợp trở lại trong khu vực giáp giới với Afghanistan. Theo Hãng tin BBC, Tổng thống Mỹ G.Bush hôm 9.8 đã "bồi" thêm bằng lời kêu gọi Pakistan tổ chức bầu cử dân chủ. Việc xảy ra hàng loạt cuộc khủng hoảng trong nước và làn sóng bạo lực của các tay súng Hồi giáo cực đoan đã khiến Tổng thống Musharraf ở vào thế yếu kém nhất trước cuộc bầu cử tổng thống vào mùa thu này và bầu cử quốc hội vào đầu năm tới.

Nhà lãnh đạo mặc quân phục đã thử nhiều chiến lược nhằm giành thắng lợi trong cuộc chiến chống Hồi giáo cực đoan và trong nền chính trị nước này. Theo Hãng tin AP, sau khi một thỏa thuận hòa bình với Taliban thất bại, ông Musharraf đã ra lệnh đưa binh lính trở lại vùng biên giới và tiến hành một chiến dịch quân sự đẫm máu nhằm vào Đền thờ Đỏ hồi tháng trước. Hành động này khiến các đồng minh phương Tây hài lòng nhưng lại kích hoạt thêm bạo lực ở Pakistan. Về chính trị, nỗ lực không thành của ông nhằm "bứng" Chánh án Tòa tối cao I.Chaudhry đã dẫn đến nhiều cuộc xuống đường và những lời kêu gọi phục hồi dân chủ. Nó cũng gây nghi ngờ quanh nỗ lực giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới trong khi vẫn nắm quân đội của ông Musharraf.

Căng thẳng chính trị dâng cao ở Pakistan từ tối 8.8 khi truyền hình nước này bắt đầu đưa tin về khả năng Tổng thống Musharraf có thể ban bố tình trạng khẩn cấp. Việc bất ngờ hủy bỏ chuyến thăm Afghanistan cũng đã gây ra đồn đoán rằng một điều gì đó đang xảy ra. Sáng hôm 9.8, Thứ trưởng Bộ Thông tin T.Azim tuyên bố không loại trừ ban bố tình trạng khẩn cấp với lý do bạo lực gia tăng ở vùng biên giới và có những phát biểu của giới chức Mỹ về khả năng Mỹ đơn phương tấn công al-Qaeda ở Pakistan. Theo BBC, dù cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ C.Rice tối 8.8 có thể đã thuyết phục được ông Musharraf nhưng lý do chính khiến ông này quyết định không áp đặt tình trạng khẩn cấp là do nhận thấy tình hình chưa thích hợp.

Giờ đây dư luận Pakistan đang chú ý đến khả năng chia sẻ quyền hành giữa ông Musharraf và cựu Thủ tướng B.Bhutto. Theo Báo Globe and Mail số ra hôm qua, vị tướng Pakistan tỏ ra hữu dụng trong cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ, nhưng Washington sẽ dễ dàng ủng hộ ông hơn nếu ông để bà Bhutto trở về tranh cử. Đó sẽ là một cặp "đẹp đôi" trong mắt Nhà Trắng. Ông Musharraf sẽ vẫn nắm quyền, còn bà Bhutto giúp tạo một "mặt tiền" dân chủ. Tuy nhiên, để liên minh trên hình thành và hoạt động hiệu quả không phải là điều dễ dàng bởi bà Bhutto đòi ông Musharraf phải từ bỏ quân phục nhưng ông Musharraf bác bỏ. Đó là chưa kể khả năng bà Bhutto có thể mất đi sự ủng hộ của đảng PPP khi bắt tay với Musharraf. Ngoài ra, ông Musharraf còn một đối thủ tiềm tàng là cựu Thủ tướng N.Sharif, người cũng đang dự định về nước.

Trùng Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.