Chuyện hy hữu thành Rome

18/01/2008 00:48 GMT+7

Cả nước Ý và đặc biệt là thủ đô Rome đã chứng kiến một trong những sự kiện rất hiếm xảy ra đối với nhà thờ Thiên Chúa giáo khi Giáo hoàng Benedict XVI phải hủy bỏ buổi thuyết trình tại La Sapienza ở Rome - nhân bắt đầu "Năm khoa học lần thứ 705" của trường đại học lớn nhất châu u này - do bị sinh viên và giáo sư phản đối.

Điều đặc biệt trong vụ việc này là lần đầu tiên có một vị giáo hoàng bị học sinh và giáo sư của chính trường đại học do một vị giáo hoàng thành lập phản đối (năm 1303, Giáo hoàng Bonifatius VIII đã thành lập trường đại học này), cũng như lý do gây nên sự phản đối này là trong một bài viết năm 1990, khi Giáo hoàng Benedict XVI còn là Hồng y giáo chủ Ratzinger, ông đã trích dẫn quan điểm của nhà triết học người Áo  Feyerabend biện minh cho  việc nhà thờ Thiên Chúa giáo xét xử nhà toán học và thiên văn học Galileo Galilei năm 1633.

Đối với Tòa thánh Vatican và cá nhân Giáo hoàng Benedict XVI,  vụ việc này thật chẳng hay ho chút nào vì vấn đề không chỉ đơn thuần là bị mất thể diện nói chung, mà còn ở chỗ sự phản đối này ở ngay bên cạnh, chứ không phải cách xa Tòa thánh Vatican và có nguy cơ trở thành tiền lệ.

Đối với nội bộ xã hội Ý, tác động của vụ việc còn nghiêm trọng hơn. Sự phân cực trong dân cũng như trên chính trường bộc lộ rõ nét. Sự bất đồng quan điểm không chỉ xoay quanh chuyện "tôn trọng hay không tôn trọng giáo hoàng", mà chủ yếu tập trung vào cái gọi là "văn hóa đối thoại và thảo luận", nhất là trong các trường đại học, với nội hàm chính là được tự do trình bày quan điểm và vào sự tách biệt giữa  tôn giáo với nhà nước. Ý là quốc gia có đông dân theo Thiên Chúa giáo nhưng không coi tôn giáo nào là quốc giáo. Bên phản đối Giáo hoàng Benedict XVI thuần túy vì sự trích dẫn nói trên trong khi phản ứng của các chính trị gia - trong đó có cả Thủ tướng Romano Prodi -  phê trách cách thức phản đối của sinh viên và giáo sư được hiểu là hậu thuẫn cho Giáo hoàng Benedict XVI bởi bị nhà thờ chi phối hoặc chính trị hóa ảnh hưởng của nhà thờ ở Ý.

La Phù

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.