Động thai

13/03/2008 14:40 GMT+7

Theo y học cổ truyền, động thai ở thai phụ là do mạch xung và mạch nhâm đều hư, hay thai không vững, cũng có khi do phòng dục quá độ...

Nguyên nhân

Có thai mà thai động như trụy xuống hoặc kèm cả đau đầu, hay âm đạo ra ít máu, còn gọi là "thai động không yên". Theo lương y Phạm Như Tá (TP.HCM), y học cổ truyền cho rằng, phụ nữ có thai mà thai động không yên là do: mạch xung và mạch nhâm (hai mạch liên quan đến chức năng sinh sản) đều hư tổn, thai không vững; cũng có khi vì uống rượu, phòng dục quá độ, khiến cho thai động không yên; hoặc có khi do chấn thương té ngã làm cho thai bị động; có trường hợp do tức giận làm thương tổn can khí, hoặc uất kết không thư thái, xúc động tới huyết mạch, gân nên không yên; cũng có khi do sử dụng thuốc kiêng kỵ nên động thai; có người có tiền căn mẹ bị động thai, thì con gái sau này cũng dễ bị động thai...


Bạch truật - Ảnh: C.Mai

Tóm lại, nguyên nhân động thai rất phức tạp: mạch xung, mạch nhâm hư suy, uất giận làm tổn thương can, ăn uống không điều độ, lao động không cẩn thận, uống thuốc lầm lẫn, bệnh nhiệt... ảnh hưởng đến thai. Sách "Trúc Lâm Nữ Khoa" viết rằng: "Đàn bà thụ thai, trở ngại sự vận hóa của tỳ, vận hóa chậm thì sinh thấp, đã thấp thì sinh nhiệt, nhiệt thì huyết dễ động, huyết động thì thai không yên".

An dưỡng thai

Lương y Phạm Như Tá cho rằng: y học cổ truyền quan niệm, với những thai phụ bị động thai, chủ yếu cần an dưỡng thai. Nếu mẹ có bệnh khiến thai bị động, thì cần chữa trị bệnh cho mẹ để thai được yên. Có khi vì thai không vững chắc, làm mẹ sinh bệnh, phải an thai thì mẹ khỏi bệnh. Đó là hai phương pháp trị bệnh an thai. Nếu như đang mang thai mà có nhiệt, tạng phủ bị nhiệt nung nấu dẫn đến thai động không yên, khi trị bệnh nhiệt trước thì thai sẽ tự yên, đó là phép trị thông thường về thai động không yên. Sách "Sản Bảo Bách Vấn" có nói: "Thai động, bụng đau, uống ngay thuốc thuận khí an thai, nếu không sẽ thành chứng lậu thai khó trị". Còn sách "Nữ Khoa Kinh Luân" viết: "Trước khi có thai, dùng thuốc chủ yếu là thanh nhiệt dưỡng huyết, sau khi thanh nhiệt dưỡng huyết cần phải bổ tỳ, đó là gốc bồi dưỡng cho thai khí".


Hoàng cầm - Ảnh: C.Mai

Với thai phụ có chứng khí hư - biểu hiện thai động không yên, vùng sườn lúc đau lúc không, tinh thần mỏi mệt, nói không có sức, hồi hộp, thở ngắn, lưng nặng, bụng đau, bụng dưới như sệ xuống, âm đạo ra huyết ít, màu nhạt hoặc có cục, da mặt trắng, lưỡi nhạt, rêu lưỡi bạc. Phép trị trong trường hợp này là: ích khí, cố xung, an thai, dùng bài "Bổ trung ích khí gia giảm", hoặc bài "Cử nguyên tiễn". Nếu là chứng huyết hư - thai động không yên, đầu váng, hoa mắt, sắc mặt vàng, hồi hộp, khó ngủ, thai phụ gầy ốm, da khô, bụng đau, ra nước hồng, lưỡi nhạt. Phép trị là "bổ huyết, an thai", dùng bài "Giao ngải thang", hoặc "Thai nguyên ẩm". Chứng tỳ hư - thai động không yên, phù thũng hoặc không phù, mệt mỏi, yếu sức, ăn ít, lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng. Phép trị là "kiện tỳ, ích khí, an thai", dùng bài "Tứ quân tử thang". Chứng thận hư - thai động không yên, lưng mỏi, chân yếu, gầy ốm, váng đầu, ù tai, lưỡi trắng. Phép trị là "bổ thận, an thai", dùng bài "Bảo thai hoàn". Chứng hư hàn - thai động không yên, bụng trên hoặc dưới lạnh giá, tiểu không thông, lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng. Phép trị "Ôn bào, an thai", dùng bài "Bạch truật tán".

Chứng hư nhiệt - thai động không yên, hoặc có khi đau bụng, miệng khô ráo, có khi như có lửa đốt, lưỡi đỏ, rêu lưỡi hơi vàng. Phép trị là "Tư âm, dưỡng huyết, an thai", dùng bài "Hoàng cầm thang" - hoàng cầm, bạch truật (mỗi vị 20 gr), đương quy 8 gr đem sắc uống. Cách sắc như sau: cho các vị thuốc với 4 chén nước, nấu còn 1 chén, cho nước thuốc ra, rồi cho tiếp 3 chén nước vào nấu tiếp, nấu còn lại nửa chén. Trộn cả hai nước lại chia làm 3 lần dùng trong ngày lúc nước thuốc còn ấm. Bạch truật, hoàng cầm là vị thuốc rất cần để an thai.

 Chi Mai

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.