Bão đến sớm bất ngờ, Bắc Trung Bộ tan hoang

01/10/2008 01:41 GMT+7

* Ít nhất có 21 người chết và mất tích * Hàng nghìn ngôi nhà bị sập đổ, tốc mái Không như dự báo, cơn bão số 7 đã bất ngờ đổ bộ vào Quảng Bình đêm 29 rạng ngày 30.9 khiến toàn tỉnh tan hoang. Trong khi đó tại Quảng Trị, Hà Tĩnh sóng to gió lớn làm nhiều tàu thuyền bị cuốn trôi...

Quảng Bình: Cuồng phong trong đêm

Theo dự báo thì tỉnh Quảng Bình sẽ bị ảnh hưởng do bão số 7 mạnh nhất bắt đầu từ trưa đến chiều ngày 30.9, tuy nhiên, thực tế lại khác. Chiều tối 29.9, có mặt tại huyện miền núi Minh Hóa, chúng tôi đã chứng kiến những đợt mưa tầm tã, gió giật mạnh; cửa nhà dù đã được khóa, cột cẩn thận nhưng vẫn rung lên bần bật.

Mưa và gió mạnh kéo dài đến sáng 30.9 khiến đèo Đá Đẽo trên đường Hồ Chí Minh bị sạt lở nặng, tắc đường hoàn toàn; đến 8 giờ ngày 30.9, quốc lộ 12 từ thị trấn Quy Đạt (H.Minh Hóa) xuống thị trấn Đồng Lê (H.Tuyên Hóa) bị ngập nước một vài đoạn nên không thể lưu thông được.

 

Khóc lóc thảm thiết khi chồng và con trai bị sóng biển cuốn trôi  

Sau một ngày đi gần hết các huyện thị trong tỉnh, theo ghi nhận của chúng tôi thì nơi nào cũng bao trùm khung cảnh xơ xác, tan hoang. Ở thị trấn Hoàn Lão (H.Bố Trạch), rất nhiều cây cổ thụ bật gốc. Nhiều cột điện dọc đường 12 thuộc địa phận xã Quảng Trường (H.Quảng Trạch), xã Vạn Trạch (H.Bố Trạch) bị gãy đổ, chìm trong nước khiến thông tin liên lạc bị gián đoạn, cắt đứt.

Không thể kể hết bao nhiêu mái nhà lợp bằng tôn, biển quảng cáo từ to đến nhỏ bị gió xé toạc, hất tung. Đường phố ở TP Đồng Hới ngổn ngang mái tôn, gạch đá, rác rưởi. Gió cũng giật tung nhiều cửa kính của Trung tâm Giới thiệu việc làm thuộc Hội Nông dân tỉnh tại đường Nguyễn Hữu Cảnh, TP Đồng Hới.

Theo báo cáo của Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình đến chiều 30.9 toàn tỉnh có 5 người chết, 8 người mất tích, 16 tàu thuyền bị chìm, số lượng nhà bị hư hỏng chưa thống kê được.

Sáng sớm ngày 30.9, giọng ông Nguyễn Cẩm Sơn, Chủ tịch UBND H.Bố Trạch thảng thốt qua điện thoại: "Theo tính toán sơ bộ, hơn 500 ha cao su (gần một nửa diện tích toàn huyện) của huyện bị gãy đổ. Hiện tôi đang lên đó để động viên và chỉ đạo bà con khắc phục hậu quả. Cao su là cây xóa nghèo của người dân vốn rất nghèo khó ở miền tây huyện, giờ đến kỳ khai thác thì gặp trắc trở thế này...".

 Đà Nẵng: Cứu hộ thành công các tàu bị nạn

Đến 5 giờ sáng ngày 30.9, tàu SAR 274 của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II (Da Nang MRCC) mới hoàn thành việc cứu hộ thành công tàu đánh cá ĐNA 90240 gặp nạn do bão Mekkhala.

Được biết, khi bị nạn do hỏng máy, tàu này đã bị chìm đến 95% thì có 3 tàu đánh cá ĐNA 50149, ĐNA 90128 và một tàu đánh cá không rõ số hiệu đã ứng cứu nhưng không có phương tiện nên chỉ cứu được 10 thuyền viên thoát hiểm. Khi tàu cứu hộ của Đà Nẵng MRCC ra tiếp cận đã cứu hộ, đưa thiết bị, thực phẩm giúp lai dắt tàu bị nạn vào bờ... Hai tàu đánh cá bị nạn trước đó gồm ĐNA 90349 và ĐNA 90019 (Thanh Niên đã đưa tin) cũng đã được cứu hộ an toàn.

Có 2 tàu nước ngoài bị nạn là YINSON POWER 2 và YINSON POWER 3. Đây là tàu kéo, bị nạn hôm 29.9 tại khu vực Hoàng Sa. Khi nhận được tín hiệu, tàu SAR 2701 đã ra ứng cứu nhưng vì sóng quá lớn nên đành phải quay về. Rất may tại vị trí các tàu bị nạn có tàu Portkelang (Singapore) đã vớt được 4 thuyền viên người Philippines đang lênh đênh trên biển, đồng thời cứu hộ hai tàu YINSON POWER 2, 3.

Theo thông tin ban đầu báo về, hiện còn 8 thuyền viên trên tàu YINSON POWER 2, 3, trong đó có 1 người đã chết. Trao đổi với Thanh Niên cuối chiều 30.9, Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân cho biết đang chuẩn bị điều thêm tàu HQ 629 ra tiếp cận để tiếp cứu và lai dắt về bờ.

Vũ Phương Thảo

Chúng tôi lại ngược lên đường Hồ Chí Minh, cây cối vắt vẻo ngang đường, nhiều chỗ xe không qua được đành lùi tìm đường khác. Những cây bạch đàn, keo rất to vẫn bị gió vặn gãy. Đến đoạn có vườn cao su, bắt đầu từ Nông trường Việt Trung, không ai kìm được đau xót khi chứng kiến những thân cây gãy ngang nằm chồng chéo lên nhau, mủ chảy trắng vườn.

Tiếp tục đến xã Tây Trạch, cảnh tượng càng đau lòng hơn. Giờ còn đâu hàng trăm ngàn cây cao su xanh ngút ngàn tít tắp dọc theo đường Hồ Chí Minh. Để trồng được một ha cao su đến lúc khai thác được, người dân phải cầm cố, vay mượn số tiền khoảng 40 triệu đồng. Hầu hết diện tích cao su ở đó đã khai thác được 3 năm, niềm vui chưa kịp tày gang thì tai họa ập đến.

Quảng Trị: Thiệt mạng vì cố cứu tàu...

Đêm 29 và ngày 30.9, tại tỉnh Quảng Trị có mưa to và gió lớn. Huyện đảo Cồn Cỏ, gió mạnh cấp 10, giật cấp 12 làm tốc mái kho quân đội, trụ sở UBND huyện, trường học, hơn 40 nhà dân bị tốc mái và sập đổ; toàn bộ hệ thống dây điện bị đứt, mất liên lạc; hàng chục mét kè chắn sóng bằng bê tông bị đánh vỡ, lán trại công trình xây dựng và dịch vụ nghề cá bị sập, 34 tấn xi măng và 2 tấn gạo bị ngập nước...

Sóng biển dữ dội đã làm 4 thuyền đánh cá của bà con ngư dân Vĩnh Linh, trú bão tại âu thuyền Cồn Cỏ đứt neo, trôi ra biển. Tại đây, sóng biển cũng đã nhấn chìm 2 thuyền đánh cá của bà con ngư dân Quảng Ngãi và 1 tàu của Đồn biên phòng 214 (Quảng Trị). Các lực lượng vũ trang trên đảo đã ứng cứu tất cả 15 người trên thuyền bị chìm nói trên thoát nạn.

Hiện tại, các lực lượng vũ trang huyện đảo Cồn Cỏ đang tích cực khắc phục hậu quả bão số 7, đưa toàn bộ dân cư vào khu vực trú ẩn an toàn; hỗ trợ lương thực cho 100 ngư dân và công nhân xây dựng trên đảo.

Vào khoảng 4 giờ ngày 30.9, ông Võ Văn Giải cùng con trai Võ Văn Dưỡng, ở thôn An Đức 1, xã Vĩnh Quang (Vĩnh Linh) chèo thuyền thúng ra tàu cá của gia đình neo tại cảng cá Cửa Tùng để tát nước cứu tàu, không may sóng đánh đứt neo, tàu bị cuốn ra biển, cha con ông Giải mất tích đến cuối ngày 30.9 lực lượng cứu hộ vẫn chưa tìm thấy.

 

Cứu tàu ở biển cửa Tùng - Ảnh: Phan Thế Sơn

Tại âu thuyền tránh bão Cửa Tùng (Vĩnh Linh), sóng lớn đã làm đứt neo tàu cá BKS QB-2229 của gia đình ông Hoàng Văn Xuân (50 tuổi), quê ở Hải Trạch, Bố Trạch (Quảng Bình) trên có 7 thuyền viên bị trôi ra biển, có 4 thuyền viên may mắn bơi được vào bờ thoát nạn, 3 thuyền viên còn lại trong đó có chủ thuyền bị mất tích.

Trên địa bàn huyện Vĩnh Linh hàng chục héc-ta cao su từ 7 đến 10 năm tuổi của người dân các xã Vĩnh Thạch, Vĩnh Thành, Vĩnh Kim, Vĩnh Hòa của huyện Vĩnh Linh đã bị gió lớn làm gãy đổ, trong đó tại thị xã Đông Hà, do mưa lớn kéo dài trong khi hệ thống thoát nước kém nên đã làm ngập cục bộ nhiều tuyến đường. Gió lớn cũng đã làm gãy đổ một số cây xanh và cột đèn cao áp chiếu sáng tại trung tâm chợ Đông Hà.

Hà Tĩnh: Bão lớn kèm lốc xoáy

Khoảng 10 giờ sáng 30.9, bão đổ bộ vào Hà Tĩnh với sức gió cấp 8, cấp 9. Buổi sáng nhiều trường học đã cho các em học sinh nghỉ học, mặc dù theo thông báo, bão sẽ vào Hà Tĩnh vào buổi chiều.

Theo báo cáo của Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh, bão số 7 đã làm 1 người ở xã Thạch Trung, TP Hà Tĩnh bị chết, 2 cháu nhỏ ở xã Phú Lộc, huyện Can Lộc bị mất tích; 5 người ở các huyện Kỳ Anh, Can Lộc, Cẩm Xuyên bị thương. Hơn 840 nhà dân bị tốc mái, 16 phòng học bị hư hỏng.

Tại xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà đã có một cơn lốc xoáy mạnh làm một hội quán bị đổ sập, 25 ngôi nhà bị tốc mái, toàn bộ hệ thống điện lưới, điện thoại bị hư hỏng. Bão vào kèm theo mưa lớn đã làm nhiều khu dân cư bị ngập, làm hư hỏng nhiều diện tích lúa hè thu chưa thu hoạch kịp, nhiều công trình giao thông thủy lợi cũng bị hư hỏng.

Đến chiều tối ngày 30.9 đã có hai chiếc tàu bị chìm; tàu Phú Hưng 16 của Công ty TNHH Phú Hưng (Hải Hậu, Nam Định) chở 850 tấn xi măng trên đường từ Hải Phòng vào Đà Nẵng bị chìm cách bờ biển xã Kỳ Phương, huyện Kỳ Anh 1,5 km, 8 thuyền viên được lực lượng cứu hộ đưa vào bờ an toàn, 2 thuyền viên của tàu bị thương đã được quân y Đồn biên phòng cảng Vũng Áng cấp cứu kịp thời.

Hiện vẫn còn thuyền của ông Phạm Văn Chất mang số hiệu HT 2218 bị chết máy và bị sóng đánh dạt vào vùng biển Cẩm Xuyên; đến 17 giờ chiều nay vẫn chưa liên lạc được.  

Nghệ An: Chìm tàu, 3 người mất tích

Trưa hôm qua, trên đường vào tránh bão, tàu đánh cá số hiệu TH 1958TS do anh Phạm Văn Dũng (23 tuổi, ở xã Hải Châu, H.Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa) điều khiển đã bị chìm tại lạch Cửa Lò. Anh Dũng cùng 1 ngư dân khác tên Thanh bơi được vào cột hải đăng, 3 ngư dân khác là Long (23 tuổi), Mạnh (22 tuổi) và Tuyến (19 tuổi) bị mất tích. Một chiếc sà lan tải trọng khoảng 1.000 tấn đang neo đậu tại cảng Nghi Sơn, Thanh Hóa đã bị trôi dạt sang vùng biển Quỳnh Lưu, Nghệ An, mang theo 7 người. Hai tàu của Hải đội 2 Bộ đội biên phòng Nghệ An đã kịp thời ứng cứu an toàn.

Thanh Hóa: 2 tàu đánh cá thoát nạn

Vào lúc 1 giờ sáng 30.9, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão Thanh Hóa đã nhận được tin báo có 1 chiếc tàu đánh cá (4 người trên tàu) của ông Nguyễn Văn Dương (ngụ xã Quảng Nham, H.Quảng Xương) đang trên đường vào đất liền tránh bão, khi cách đảo Mê khoảng 5 hải lý thì bị chết máy.

Tiếp đó đến 9 giờ sáng cùng ngày, tàu cá số hiệu TH 9093 (trên tàu có 11 người) của ông Nguyễn Duy Hậu ở thị xã Sầm Sơn cũng phát đi tín hiệu cấp cứu khi còn cách đất liền hơn 10 hải lý do bị chết máy. Lực lượng biên phòng Thanh Hóa đã cho 2 tàu lai dắt ra ứng cứu, nhưng do sóng to, gió lớn không thể tiếp cận được tàu gặp nạn đành phải quay vào.

Thanh Hóa đã phải đề nghị Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn giúp đỡ, đồng thời liên lạc, hướng dẫn 2 tàu bị nạn tìm cách vào bờ. Đến 13 giờ, bằng kinh nghiệm đi biển, các chiến sĩ biên phòng đã hướng dẫn 2 tàu nương theo hướng gió tìm đường trở về đất liền an toàn.

Khánh Hoan - Ngọc Minh

Bão Higos ngấp nghé biển Đông

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương ngày 30.9 cho biết: Khoảng 10 giờ sáng 30.9, vùng tâm bão số 7 đã đi vào địa phận các tỉnh Hà Tĩnh - Quảng Bình. Đến 11 giờ cùng ngày, tâm bão nằm trên đất liền tỉnh Quảng Bình, sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9 (từ 62-88 km/giờ), giật trên cấp 9. Trưa hôm qua, bão số 7 đã đi vào địa phận Lào và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Do ảnh hưởng của hoàn lưu sau bão, ở các tỉnh Bắc Trung Bộ và Nam đồng bằng Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to đến rất to.

Tổng lượng mưa từ 19 giờ ngày 29.9 đến 13 giờ ngày 30.9 do bão số 7 gây ra ở một số nơi: Đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) 448 mm, Đông Hà 185 mm, TP Đồng Hới 373 mm; Ba Đồn 169 mm, Kỳ Anh 173 mm, Hà Tĩnh 257 mm...

Trong 12 giờ tới, khu vực từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh tiếp tục có mưa vừa, mưa to đến rất to. Mực nước các sông từ Thanh Hóa đến bắc Quảng Bình lên nhanh. Tối 30.9, lũ trên sông Gianh tại Mai Hóa đạt đỉnh ở mức 6m (báo động 3). Hôm nay 1.10, lũ các sông từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh có khả năng lên mức báo động 1, riêng vùng thượng nguồn sông La có khả năng lên mức báo động 2.

* Trong khi bão số 7 vừa tan thì áp thấp nhiệt đới ở phía đông Philippines hôm qua đã mạnh lên thành bão, có tên quốc tế là Higos. Theo thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan (Phó phòng Dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ), vào khoảng đêm 2.10 cơn bão này sẽ vào tới biển Đông. Gió trên vùng biển phía Nam có thể suy yếu trong 2 ngày, nhưng sau đó sẽ mạnh trở lại khi bão Higos vào biển Đông. Do vậy, tàu bè không nên ra khơi vào thời điểm này.

Do bão xuất hiện dồn dập, nên thời tiết ở Tây Nguyên và Nam Bộ vẫn còn xấu.

M.Vọng

 Trương Quang Nam - Phan Thiên Sơn - Hạnh Loan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.