Người đem Hollywood về Việt Nam - Kỳ 2: Làm tóc cho “sao”

10/11/2008 22:45 GMT+7

Những tưởng Nguyễn Thanh Liêm sẽ vùi thân ở những sòng bài Las Vegas. Nhưng rồi ông lại gượng dậy, và thành danh với nghề ít ai ngờ tới: làm tóc.

Tình cờ đến với nghề làm tóc

Sau khi nhận ra những mánh khóe của bài bạc, Nguyễn Thanh Liêm quyết chí làm lại cuộc đời. Anh đến nương náu tại nhà một người bạn ở California để có những bữa ăn qua ngày và nơi trú ngụ ban đêm để chờ tìm việc làm... Một lần, được bạn rủ đến trường làm tóc Marinallo chơi, khi đi tham quan khắp trường, mắt Liêm bị cuốn vào những đường kéo điêu luyện của các tay thợ cắt tóc. “Phải học làm tóc”, Liêm quyết định chớp nhoáng và nhờ bạn xin giúp vào trường.

Nhưng tiền đâu để đóng 3.200 USD học phí, trong khi bữa ăn hằâng ngày vẫn chưa lo nổi... Liêm chạy khắp nơi, cuối cùng xin được một chân phục vụ ở Yamashiro, một tiệm ăn Nhật rất đẹp nằm trên ngọn đồi ở Hollywood, với mức lương 250 USD/tuần. Biết hoàn cảnh của Liêm, nhà trường đồng ý cho trả góp tiền học phí. Vậy là hằâng ngày, từ 18 giờ đến 2 giờ sáng Liêm chạy bàn ở tiệm ăn, từ 7 giờ đến 13 giờ 30 học làm tóc tại trường. Liêm học tất cả về dịch vụ chăm sóc sắc đẹp, từ cắt, uốn tóc, make-up, đến làm móng (nail), chăm sóc da, nhuộm... “Ở trường người ta dạy nghề cho học viên ngay khi mới vào chứ không phải trải qua mấy năm làm thợ phụ như ở Việt Nam. Học viên được thực tập luôn trên người thật. Kết thúc khóa học, tôi là một trong những học sinh đỗ đầu về cắt tóc”, Liêm khoe.

Tốt nghiệp, Liêm thôi không làm ở Yamashiro nữa mà chính thức kiếm sống bằng nghề được đào tạo bài bản. Tiệm hớt tóc đầu tiên Liêm đến xin việc là Bando Band Beauty ở Los Angeles, do một bà Hàn Quốc tên Uni làm chủ. Lúc đó, một lần cắt tóc giá 20 USD, nhuộm 50 USD, uốn 75 USD, hightline 100 USD... “Người Hàn Quốc rất thích uốn tóc và thường 1 tháng họ lại đi uốn một lần. Tóc đã uốn rồi, nếu uốn lại đòi hỏi phải rất khéo léo vì rất dễ làm tóc khô, xơ, cháy. Ở Mỹ mà làm hư tóc, nếu không thỏa thuận được, khách hàng đòi bồi thường, kiện mình ra tòa thì có thể bị đóng cửa tiệm, tước giấy phép hành nghề như chơi. Nhưng tôi may mắn được bà Uni, người có kỹ thuật uốn cực khéo, chỉ bảo tận tình nên chưa bị khách phạt lần nào. Cũng có lần duỗi tóc cho khách sơ ý bôi thuốc quá sâu, khách nóng quá hét toáng lên. Bà Uni không những không quở, mà còn chỉ cho tôi kinh nghiệm xịt nước vừa đủ vào chỗ bị nóng để vừa giữ lớp thuốc vừa hạ hỏa...”, Liêm hồi tưởng.

Gắn bó với bà Uni 2 năm, khi tay nghề cứng cáp, Liêm xin được rời Bando Band Beauty để xin vào làm ở khách sạn Hilton (Beverly Hill, California). Hilton là một khách sạn sang trọng, khách lui tới là những người nổi tiếng. Đây chính là cơ hội để Liêm tiếp cận với những ngôi sao ở Hollywood và thành danh với nghệ thuật hớt tóc...

Thành danh

Khách sạn Hilton có 17 thợ làm tóc, giá một lần cắt tóc lúc bấy giờ khoảng 125 USD, hightline khoảng 250 USD (hiện nay khoảng 500 USD) ăn chia 6/4 với chủ (thợ hưởng 6 phần, chủ hưởng 4 phần). Thợ cứ luân phiên đến lượt ai thì người đó làm. Liêm còn nhớ, người nổi tiếng đầu tiên ông phục vụ là Samy, một hoàng tử Ba Tư. “Đó là một ngày rất tình cờ, tôi chờ đợi để được phục vụ ông ấy vì nghe mọi người kể rất nhiều về con người này, dù chỉ biết tên ông là Samy qua những câu chuyện. Sau lần ra mắt đó, Samy quý tài nghệ của tôi nên lần nào đến khách sạn Hilton trú ngụ, ông ta đều yêu cầu đích danh tôi chăm sóc tóc, sau đó cho tôi tiền “tip” rất hậu hĩnh. Tôi nhớ có lần tiền tip là 3.000 USD”, Liêm kể.

Sau Samy, những người nổi tiếng Liêm làm tóc có thể kể là Tracy Skagen của Coby Show, Christine Alfonso của Dynasty show, Maxi trong Mary Jane Girls (một ban nhạc của Rick James), Paula Abdul trong American Idol, Lionel Richie nổi tiếng với bản Hello và có tới 3 lần giành giải Grammy cùng 6 giải thưởng âm nhạc Mỹ... “Làm tóc cho sao vừa được tiếng vừa được tiền, nhưng chỉ cần sơ sẩy khi nhuộm, gội đầu mà dính áo của họ là đủ phiền phức vì trang phục họ mặc bèo bèo cũng vài trăm USD. Đó là chưa nói nếu làm họ phật ý, thợ chỉ còn cách... rời khỏi tiệm”, Liêm nói.

Nhưng Liêm cũng tự hào vì chẳng những không bị rầy rà gì khi làm tóc cho sao, mà qua đó nhiều sao trong thế giới màn bạc sau này trở thành bạn thân với anh. “Maxi thì luôn hát trong khi tôi cắt tóc, tóc của cô ấy màu nâu nhưng luôn thích nhuộm thành tóc vàng. Lionel Richie tóc xoăn, nên thường đến duỗi vừa phải để tóc bớt xoăn. Tracy lại thích để tóc dài, để thỉnh thoảng bới đầu cao ráo...”, Liêm nhớ lại một số thói quen của sao và cho biết sở dĩ nhiều sao “kết” ông làm tóc, vì “kiểu tóc cũ tôi làm cho họ chưa chán là tôi đã nghĩ ra kiểu mới. Họ thích tôi còn vì tôi có nhiều kiểu cắt tóc sáng tạo. Từng có thời kiểu uốn lò so, Finger wave, đầu đinh... do tôi thực hiện trở thành mốt của nhiều sao”, Liêm tự hào.

Trong số những khách hàng không phải nghệ sĩ, Liêm ấn tượng nhất là bác sĩ Rainner. Rainner rất giàu có, sống trong một biệt thự lớn trên một ngọn đồi ở Hollywood. “Sau khi tôi cắt tóc cho ông ta một lần, ông ấy thích lắm và thỉnh thoảng lại gọi tôi đến biệt thự cắt tóc. Năm 2007 tôi về Việt Nam 8 – 9 tháng, suốt trong thời gian ấy Rainner không hề cắt tóc, để đến khi tôi quay lại Mỹ thì gọi ngay tôi đến cắt”, Liêm kể và tiết lộ Rainner cũng là người bỏ ra gần 5 triệu USD để mua đồ cổ của ông trong nhiều năm.

Để thành danh, trong suốt 14 – 15 năm hành nghề, Liêm bảo ông tốn không biết bao nhiêu tiền để đi tu nghiệp. Nhiều khóa tu nghiệp chỉ 1 tuần chi phí 2.000 – 3.000 USD, nhưng hễ có cơ hội là ông đi để học hỏi. Ngay cả khi không còn kiếm sống bằng nghề làm tóc nữa, ông vẫn bỏ tiền đến Trung Quốc, châu u, sống cả tháng để học về tóc, chăm sóc da bằng những sản phẩm tự nhiên... “Ở nước ngoài khi gội đầu mà để một giọt nước rơi xuống sàn là coi như vứt, chứ đừng nói đến làm ướt áo khách như nhiều tiệm ở Việt Nam. Chỉ gội đầu không thôi mà phải mất 3 tháng để học, người ta gội bằng lực tâm của đầu ngón tay chứ không phải gội bằng móng tay...”, Liêm chia sẻ kinh nghiệm.

(còn tiếp)

Minh Đức – Lê Nga

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.