Tâm bão số 10 đi vào các tỉnh Khánh Hòa - Bình Thuận

17/11/2008 13:25 GMT+7

* Bão cách bờ biển các tỉnh Khánh Hòa - Bình Thuận khoảng 100 km >> ĐBSCL khẩn trương phòng chống bão >>Ninh Thuận: Còn hơn 750 ngư dân chưa vào bờ tránh bão

(TNO) Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương lúc 13 giờ 30, sáng nay 17.11, do ảnh hưởng rìa tây của bão số 10, ở các tỉnh Bình Định, Phú Yên đã có gió giật cấp 6; các tỉnh ven biển Trung và Nam Trung Bộ đã có mưa vừa, có nơi mưa to, lượng mưa phổ biến 20 - 50 mm, riêng ở Cam Ranh là 70 mm, Nha Trang là 74 mm.

Hồi 10 giờ ngày 17.11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 11,7 độ vĩ bắc; 110,2 độ kinh đông, cách bờ biển các tỉnh Khánh Hòa - Bình Thuận khoảng 100 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9 (tức là từ 62 đến 88 km một giờ), giật cấp 10.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão số 10 di chuyển chủ yếu theo hướng tây, mỗi giờ đi được khoảng 20 km và ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ, vùng tâm bão có khả năng đi vào các tỉnh Khánh Hòa - Bình Thuận. Đến 22 giờ ngày 17.11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 11,7 độ vĩ bắc; 108,4 độ kinh đông, trên địa phận tỉnh Lâm Đồng.

Trong 12 - 24 giờ tới, bão số 10 di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20 km, đi qua các tỉnh Nam Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 10 giờ ngày 18.11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 11,7 độ vĩ bắc; 105,6 độ kinh đông, trên lãnh thổ Campuchia. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 49 km một giờ), giật cấp 7.

Trong 24 đến 48 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng tây, mỗi giờ đi được khoảng 20 km đi qua vùng biển Vịnh Thái Lan.

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển các tỉnh từ Phú Yên đến Bà Rịa - Vũng Tàu (bao gồm cả đảo Phú Quý) có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, cấp 9, giật cấp 10. Biển động rất mạnh. Các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 8, cấp 9, giật cấp 10 và có mưa to đến rất to. Các tỉnh nam Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ từ chiều nay (17.11) gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, có nơi cấp 7, giật cấp 8 và có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to.

Vùng ven biển các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận cần đề phòng nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao từ 3 - 4m.

 

Các tàu đánh cá vào Mỹ Tho (Tiền Giang) tránh bão - Ảnh Hoàng Phương

Bình Thuận: Kiên quyết không để người ở lại trên tàu thuyền, các chòi canh...

Theo ông Nguyễn Ngọc Hai, Phó trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận: đến 12 giờ 30 ngày 17.11, toàn bộ tàu thuyền của tỉnh (9.277 chiếc) đã vào bờ neo đậu an toàn.

Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh đã phối hợp với Công an tỉnh và Thanh tra Thủy sản chỉ đạo lực lượng chức năng tổ chức, sắp xếp số tàu về bến neo đậu an toàn tại các bến, cảng cá và khu neo đậu trú tránh bão trong tỉnh, kiên quyết không để người ở lại trên tàu thuyền, các chòi canh, các lồng, bè nuôi trồng thủy sản.

Trước đó, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh đã tổ chức bắn pháo hiệu báo bão kêu gọi tàu thuyền vào bờ tại núi Cấm (đảo Phú Quý - đồn biên phòng 464) và lầu Ông Hoàng (đồn biên phòng 444 - TP Phan Thiết) được 6 lần/18 lượt/54 quả. Lúc 6 giờ sáng nay, Bộ chỉ huy BĐBP đã điều động  tàu ra tuần tra, kêu gọi, cưỡng chế hết số tàu thuyền còn đang hoạt động ngoài biển vào bờ trú ẩn, xử phạt nghiêm các tàu thuyền không chấp hành lệnh gọi vào bờ.

Trong khi đó, huyện đảo Phú Quý đã chỉ đạo các hộ dân đè mái được 3.826 căn/5.192 căn nhà, các chủ cơ sở nuôi cá lồng tăng cường neo buộc chặt chẽ các lồng bè nuôi cá, chuẩn bị đầy đủ điều kiện các hồ chứa, sẵn sàng di dời cá nuôi từ các lồng bè lên hồ chứa (huyện có 93 lồng bè/diện tích nuôi là: 13.413 m2).

Lãnh đạo tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh tổ chức bộ phận thường trực hoạt động 24/24 giờ để tiếp nhận thông tin dự báo, cảnh báo, diễn biến về cơn bão số 10, tình hình thời tiết mưa lũ trên các sông.

Tỉnh xác định trọng tâm bão đổ bộ gây ảnh hưởng là dân cư các vùng ven biển thuộc các địa phương: đảo Phú Quý, Tuy Phong, Bắc Bình, TP Phan Thiết, thị xã La Gi, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân.

Bà Rịa - Vũng Tàu: Còn khoảng 5.200 ngư dân chưa vào bờ 

Từ sáng sớm 17.11, có rất nhiều hộ dân, cơ quan tổ chức cho người đến các bãi cát trên địa bàn TP Vũng Tàu để xúc cát đem về giằng chống mái nhà nhằm phòng tránh cơn bão số 10.

Sáng 17.11, Xí nghiệp liên doanh Vietsovpetro (VSP) đã di dời toàn bộ công nhân ngoài khơi trên các giàn nhẹ về giàn trung tâm để tránh bão. VSP cũng đã cho tạm ngưng hoạt động bốn giếng khoan.

Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, tính đến đầu giờ chiều đã có gần 4.600 ghe, tàu với hơn 32.000 ngư dân trên biển vào bờ neo đậu an toàn. Hơn 730 ghe, tàu với khoảng 5.200 ngư dân chưa vào bờ, trong đó tàu đánh bắt xa bờ gần 300 chiếc với hơn 1.700 ngư dân; số ghe, tàu này vẫn liên lạc được với đất liền.

Để đối phó với sự cố bất ngờ của bão số 10, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã chuẩn bị phương tiện, lực lượng sẵn sàng di dời khoảng 30.000 hộ dân ven biển vào nơi an toàn. Trong đó, có khoảng 15.000 hộ dân nằm ven biển ở các H.Xuyên Mộc, Long Điền, Đất Đỏ, TP Vũng Tàu có nhà cửa tạm bợ, nguy cơ chịu ảnh hưởng lớn của triều cường… đã được chính quyền địa phương di dời về nơi an  toàn.

Đầu giờ chiều, hiệu trưởng các trường trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã cho học sinh nghỉ học để tránh bão theo công văn của tỉnh. Tại TP Vũng Tàu, 12 giờ trưa cùng ngày, các chợ trên địa bàn cũng được lệnh đóng cửa.

Kiên quyết không cho tàu thuyền ra khơi

Sáng nay 17.11, Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương (PCLBT.Ư) và Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã có công điện khẩn gửi Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn (PCLB-TKCN) các tỉnh, thành phố duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và ĐBSCL và Ban chỉ huy PCLB-TKCN các bộ: Quốc phòng, Ngoại giao, Công an, Giao thông vận tải, Xây dựng, Tập đoàn điện lực Việt Nam.

Công điện cho biết cơn bão số 10 đã thay đổi hướng đi, lúc 7 giờ sáng nay (17.11), trung tâm bão ở 11,5 độ vĩ bắc, 111,3 độ kinh đông, đang di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây bắc, từ sáng và trưa nay đã ảnh hưởng đến các tỉnh ven biển từ Khánh Hòa đến Bà Rịa - Vũng Tàu, vùng tâm bão có gió mạnh cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Bão sẽ gây mưa to, trên diện rộng.

Ban chỉ đạo PCLBT.Ư đã yêu cầu các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu phải kiên quyết không cho tàu thuyền ra khơi, khẩn trương sắp xếp neo đậu hoặc kéo lên bờ an toàn; không để người trên tàu thuyền, lồng bè khi bão vào. Có biện pháp bảo đảm an toàn cho các lồng bè; triển khai ngay việc sơ tán dân vùng trũng ven biển, ven sông, vùng tâm bão đi qua. Các tỉnh khác chuẩn bị sẵn sàng mọi phương án để chủ động đối phó với mưa lũ và tình huống bão đổi hướng.

Ngoài ra, các địa phương đơn vị phải kiểm tra chặt chẽ các hồ chứa và chủ động xả nước đảm bảo an toàn các hồ chứa

TP.HCM: Di dời hơn 2.700 người ở xã đảo Thạnh An
 
Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 10, từ sáng sớm nay 17.11, huyện Cần Giờ (TP.HCM) đã bố trí lực lượng hướng dẫn và trợ giúp người dân chằng chống nhà cửa, yêu cầu tàu bè vào nơi trú ẩn, lên kế hoạch di dời dân ở vùng nguy hiểm…

Đến 12 giờ trưa nay, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão huyện đã kêu gọi hơn 1.300 tàu, thuyền vào nơi neo đậu an toàn. Đặc biệt, huyện đã di dời hơn 2.700 người già, phụ nữ, trẻ em ở xã đảo Thạnh An vào đất liền trú ẩn.

Theo bà Dương Ngọc Thanh - Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, trưa nay, Sở đã yêu cầu huyện Cần Giờ cho tất cả học sinh trên địa bàn được nghỉ học cho đến khi cơn bão đi qua.

ĐBSCL khẩn trương phòng chống bão 

Sáng nay 17.11, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB-TKCN) tỉnh Bạc Liêu tổ chức cuộc họp khẩn cấp để triển khai phương án ứng phó cơn bão số 10, nhằm giảm thiệt hại đến mức thấp nhất về người và tài sản của nhân dân.

Ông Phạm Hoàng Bê, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh kiêm trưởng Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Bạc Liêu, cảnh báo: cơn bão số 10 có cường độ rất mạnh, có khả năng đổ bộ vào các tỉnh ĐBSCL, do đó các cấp, các ngành cần tập trung quyết liệt cho công tác ứng phó.

Theo ông Bê, khi bão ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Bạc Liêu, tỉnh sẽ triển khai phương án sơ tán hơn 69.600 hộ dân sinh sống vùng ven biển, những khu vực xung yếu có nguy cơ sạt lở cao, với trên 330.000 người đến 4.424 điểm trụ sở, trường học, nhà kiên cố… để tránh bão. Tỉnh đã huy động được 2.588 xe, tàu các loại để sẵn sàng sơ tán dân.

Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bạc Liêu đã triển khai cho các đồn Biên phòng kiên quyết không cho tàu thuyền ra khơi hoạt động, đồng thời duy trì liên lạc, thông tin thường xuyên diễn biến của bão số 10 để cho các tàu thuyền ngoài khơi biết chủ động thoát ra khỏi vùng nguy hiểm và tìm các đảo, cửa biển gần nhất trú ẩn an toàn. Đến sáng nay 17.11, tỉnh Bạc Liêu còn 219 tàu đánh cá, với 2.037 thuyền viên đang hoạt động trên biển.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Anh Lộc chỉ đạo các cấp các ngành từ tỉnh xuống cơ sở ngưng ngay các cuộc họp, hội nghị để tập trung cho công tác phòng tránh bão. Tổ chức trực ban 24/24 giờ, thực hiện nghiêm túc theo phương châm “4 tại chỗ”. Đặc biệt, khẩn trương triển khai phương án bảo vệ sản xuất nông nghiệp, nuôi thủy sản, hệ thống đê điều, nhất là tuyến đê biển Đông và các công trình thủy lợi xung yếu. Ông Lộc cũng chỉ đạo phải huy động ngay các lực lượng vũ trang: Công an, Quân đội, Biên phòng, Thanh niên… trực tiếp xuống dân để hỗ trợ cùng địa phương bảo vệ tài sản, nhà cửa, giúp dân khi sơ tán tránh bão. Ngày mai 18.11, tất cả các học sinh các cấp sẽ được nghỉ học. 

Sáng nay, Tỉnh ủy Bạc Liêu cũng đã phân công các ủy viên Ban thường vụ Tỉnh uỷ trực tiếp xuống 7 huyện, thị trong tỉnh chỉ đạo ứng phó cơn bão số 10.

 

Nhiều trường học ở các vùng có khả năng ảnh hưởng của bão số 10 đã thông báo cho học sinh nghỉ học. Trong ảnh là thông báo nghỉ học ở trường tiểu học Nguyễn Huệ, phường 6, TP Mỹ Tho, Tiền Giang - Ảnh Hoàng Phương


* Theo báo cáo nhanh từ Thường trực Ban phòng chống lụt bão tỉnh Trà Vinh, tính đến 6 giờ sáng 17.11, đã có 1.040 tàu với 5.191 thuyền viên về neo đậu ở 8 khu vực neo đậu chính, trong đó có Cảng cá Láng Chim và Bến cá Định An, gồm 995 tàu cá trong tỉnh với 5.013 thuyền viên và 45 tàu cá từ các tỉnh khác.

Hiện nay tỉnh Trà Vinh đã liên lạc 100% tàu cá của tỉnh còn đang hoạt động trên biển với 231 thuyền viên, trong đó 35 tàu đang hoạt động trên vùng biển Trà Vinh, Sóc Trăng và Bạc Liêu cách bờ từ 10 đến 12 hải lý, dự kiến đến trưa nay các tàu cá này sẽ về tới đất liền... Ngoài ra, tỉnh Trà Vinh dự kiến sẽ di dời 1.286 hộ với 5.340 người đang sống ở cac vùng trũng, ven sông biển và trên các cồn trên sông Tiền và sông Hậu.

Hiện nay các đồn Biên phòng, Thanh tra thủy sản cùng với các đơn vị có liên quan đang tiếp tục giữ liên lạc với các tàu thuyền trên biển để kêu gọi các tàu nhanh chóng về đất liền.

An Giang: Trên 25.000 ha lúa đang chín rộ có nguy cơ bị thiệt hại

Tại 4 huyện An Phú, Tân Châu, Tri Tôn, Tịnh Biên hiện còn trên 25.000 ha lúa sản xuất vụ 3 chín rộ, chuẩn bị gặt có nguy cơ đổ ngã, thiệt hại kinh tế sẽ rất lớn đối với nông dân vùng đầu nguồn An Giang và đồng bào Khmer vùng Bảy Núi, nếu bão số 10 đổ bộ vào khu vực ĐBSCL. Chính quyền các địa phương đang chỉ đạo quyết liệt các biện pháp gia cố đê bao, chuẩn bị máy bơm chống úng; khai thông các tuyến kinh nội đồng, cống... phòng lũ quét, lũ cuốn gây ngập úng lúa, hoa màu và dân cư.

Đối với các cụm tuyến dân cư, các huyện triển khai nhanh việc chằng chống bảo đảm an toàn; kiên quyết di dời những hộ lẻ, ven kênh rạch, nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao ven sông Tiền, sông Hậu; ưu tiên bảo vệ tính mạng nhân dân.

9 giờ sáng nay 17.11, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng An Giang tiến hành cuộc họp khẩn cấp dưới sự chủ trì của Đại tá Chỉ huy trưởng Huỳnh Văn Tiến. Cuộc họp nhằm  quán triệt yêu cầu và nhiệm vụ, chỉ đạo các đơn vị trên toàn tuyến khẩn trương hiệp đồng với các lực lượng đóng quân trên địa bàn, xác định khu vực trọng điểm, thường xuyên theo dõi thông tin dự báo thời tiết, sẵn sàng ứng phó thiên tai; bảo vệ tốt tính mạng nhân dân, vừa phòng chống các loại tội phạm vùng biên giới. Các đơn vị phân công lực lượng giúp dân gặt lúa chạy lũ nếu xảy ra tình trạng nguy cấp.

Sóc Trăng, Đồng Tháp: Chỉ đạo dân chằng chống nhà cửa đối phó với bão

Sáng 17.11, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Sóc Trăng đã ban hành công văn “khẩn” về việc chuẩn bị đối phó với cơn bão số 10. Theo đó, lãnh đạo tỉnh nghiêm cấm các phương tiện hoạt động trên sông, rạch từ 18g ngày 17.11 cho đến khi bão đi qua. Bộ phận thường trực tìm kiếm cứu nạn trên biển, Bộ đội Biên phòng tiếp tục kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển gấp rút vào nơi tránh bão an toàn. Các huyện khẩn trương cử cán bộ xuống địa bàn phối hợp chính quyền cơ sở chỉ đạo nhân dân chằng chống nhà cửa, kho tàng…

Ông Đặng Ngọc Lợi, Ủy viên thường trực Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Đồng Tháp cho biết bão số 10 sẽ gây mưa to. Bão xảy ra trùng với kỳ triều cường nên khả năng gây ngập úng rất lớn. Vì vậy, mọi người cần kiểm tra kỹ cống đập và chủ động bơm tiêu úng bảo vệ an toàn diện tích lúa đông xuân 2008-2009 mới xuống giống. Lãnh đạo tỉnh đề nghị Đài PTTH tỉnh tăng thời lượng đưa tin diễn biến bão số 10 để cơ quan, đơn vị và nhân dân chủ động ứng phó. Phương án di dời dân tránh bão đã chuẩn bị kỹ lưỡng.

Ngay trong sáng 17.11, trường Mầm non Tây Đô (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) đã gọi điện đến nhà từng phụ huynh yêu cầu đón các cháu bán trú về nhà để tránh bão số 10…

Cà Mau: Kế hoạch sơ tán 10.000 dân

Tỉnh Cà Mau sáng nay đã cử 5 đoàn cán bộ đầu ngành của tỉnh xuống các địa phương trọng yếu nhằm bám sát tình hình, chỉ đạo bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản… nếu tình hình thời thiết xấu xảy ra. Ban PCLB tỉnh cho biết, tỉnh đã chỉ đạo Bộ đội Biên phòng và Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản liên lạc kêu gọi tàu đánh bắt ngoài khơi khẩn trương vào bờ. Đến sáng nay, Cà Mau còn trên 800 tàu chưa kịp vào đất liền theo lệnh gọi. Những tàu đang ở rất xa đất liền đã được hướng dẫn đến các đảo gần nhất để trú bão. 

Theo điều tra của Ban PCLB, tỉnh Cà Mau hiện còn 10.000 hộ dân sống khu vực nguy hiểm; trong đó có trên 3.000 dân sống ven các đê phòng hộ biển Tây phải khẩn cấp di dời đến nơi an toàn khi có bão xảy ra. Tỉnh đã có phương án chuẩn bị di dời các hộ dân này khi cần thiết.

Tiền Giang, Bến Tre: Cho học sinh nghỉ học, cưỡng chế tàu thuyền vào bờ

Trưa 17.11, ông Nguyễn Quốc Bảo, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, cho biết: tỉnh đã phát thông báo cho tất cả tàu thuyền đang hoạt động ngoài khơi biết để vào bờ hoặc tìm nơi tránh bão an toàn. Kể từ 18 giờ hôm nay, nếu tàu thuyền nào còn hoạt động ngoài khơi sẽ bị cưỡng chế.

Cũng từ hôm nay, UBND tỉnh đã yêu cầu các trường trong tỉnh cho tất cả học sinh mẫu giáo, tiểu học và trung học được nghỉ học. Đối với cư dân ở các vùng ven biển thuộc các huyện Bình Đại, Thạnh Phú, Ba Tri cũng đã bắt đầu sơ tán từ sáng nay. Riêng các đơn vị chức năng cũng chuẩn bị đầy đủ các loại phương tiện cơ giới và được lệnh sẵn sàng ứng cứu, giải tỏa đường sá... nếu có tình huống xấu xảy ra.

Trong khi đó thì ông Nguyễn Văn Phòng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, ngoài việc phát thông báo kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động ngoài khơi nhanh chóng trở vào đất liền hoặc tìm nơi trú ẩn, tỉnh còn chỉ  đạo lực lượng bộ đội biên phòng dùng 2 tàu đi kiểm tra ngoài cửa biển để nhắc nhở tàu thuyền vào đất liền. Những trường hợp không chấp hành sẽ bị cưỡng chế.

Ngay từ sáng nay, Ban chỉ huy PCLB tỉnh cũng đã điều động 450 người bao gồm bộ đội, công an, bộ đội biên phòng và dân quân tự vệ tới huyện Gò Công Đông để gia cố tuyến đê biển xung yếu thuộc xã Tân Thành. Đồng thời tỉnh đã ra lệnh cho các xã cù lao và ven biển thuộc huyện Gò Công Đông và Tân Phú Đông phải tổ chức sơ tán người già, trẻ em và phụ nữ đi trước vào đất liền hoặc đến những nơi an toàn. Cũng từ hôm nay, tất cả học sinh ở các huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây, Tân Phú Đông, Chợ Gạo và TP Mỹ Tho đã được lệnh nghỉ học và ngày mai học sinh toàn tỉnh sẽ nghỉ học.

Thanh Long - Trần Thanh Phong - Nguyễn Huỳnh - Quang Minh Nhật - T. Trình - Hoàng Phương - D.B -Đỗ Thông - Nguyễn Long - Lâm Viên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.