Cửu vạn chợ Gò

19/06/2009 23:13 GMT+7

Trên đôi vai của đội ngũ vác thuê hùng hậu, hàng hóa từ “tổng hành dinh” chợ Gò (tỉnh Tà Keo, Campuchia) ngày ngày vẫn nườm nượp đổ về Việt Nam. Nghe đọc bài

Tinh mơ. Con đường gập ghềnh chạy qua đồng lúa nối liền xã Vĩnh Ngươn (thị xã Châu Đốc) với khu đất nổi thuộc tỉnh Tà Keo đã chen chúc người và xe. Tại vành đai biên giới, người phụ nữ giữ xe tên T. chốc lát lại “bắt” được khách đi chợ Gò mua hàng. Chị ta nói sẽ cho người đến “xách giùm” qua biên giới để tránh bị tịch thu. Sau cú điện thoại của T., một thanh niên tên H. bất ngờ xuất hiện theo chúng tôi khi đang hỏi hàng ở chợ Gò.

Chợ là những dãy nhà sàn san sát mọc lên trên khu đất cao. Những dãy nhà này vừa là nơi trưng bày, vừa là nhà kho chứa hằng sa số hàng mới, cũ được tuồn qua từ Thái Lan, Trung Quốc... sau khi “quá cảnh” các kho lớn của những “đại gia” ở Phnom Penh, Tà Keo...

“Đai” hàng lậu

Nhiều nhất vẫn là đồ điện tử, mỹ phẩm, rượu Tây, thuốc lá, máy nổ, xe đạp, được bán với giá rẻ một cách... khó tin. Vì chợ Gò nằm sát biên giới với Việt Nam, nên khỏi phải tìm hiểu, người ta cũng biết hướng đi của số hàng khổng lồ này. Để tuồn hàng trót lọt, con buôn chủ yếu thuê những cửu vạn người địa phương quen đường vác từng đợt băng đồng qua biên giới. Từ đây, hàng lậu cứ đều đều tiến sâu vào nội địa.

  Kiếm tiền ở đây có lúc dễ như... đi chơi, nhưng cũng có khi như... chạy giặc vậy!

Một cửu vạn ở chợ Gò

H. nói cửu vạn ở đây phải là người Việt Nam, vì “gay go” nhất trong hành trình đai hàng lậu là khi hàng đã sang biên giới. Phải ngụy trang ra sao, đi đường nào để tránh chốt biên phòng, hải quan, công an... thì người Campuchia không thể rành bằng người Việt.

Khi chúng tôi đến, tại đầu cầu ván khúc khuỷu bắc qua khu trại hàng, cánh buôn lậu đã tập kết một khối lượng đường khá lớn chờ vượt biên. Còn tại chợ Gò, vài thương buôn đón một cái sáng không vui. Tối qua, lúc trời đổ mưa giông, đạo chích đã “shopping” vài lô hàng ở dãy nhà của những thương buôn người Việt.

Không khí lại càng nhốn nháo hơn khi xuất hiện khá đông những người lầm lầm, lì lì với bao, dây trên vai. Đó là những cửu vạn vác thuê hàng lậu bắt đầu một ngày làm việc. Họ kéo nhau đi từng tốp và mất hút ở một ngôi nhà kín cửa. H. nói đó là kho hàng của ông T.A, một người Campuchia giàu khét tiếng ở đây, đầu mối chính của những chuyến hàng mờ ám về chợ Gò. Chúng tôi hỏi làm cách nào tiếp cận? H. rùn vai bảo “ổng có súng nữa đó”. Vài phút sau, đám cửu vạn lúc nãy lại xuất hiện. Họ không ra thành tốp như lúc vào mà chia lẻ, từng người cõng trên vai những khối hàng cao quá đầu hướng về phía Việt Nam.

Theo đơn đặt hàng của các đầu mối ở Việt Nam, cửu vạn cứ đến các kho ở chợ Gò mà lấy hàng. Thanh toán thế nào, bao nhiêu chỉ có giới chủ mới biết. Nhận hàng, dĩ nhiên cửu vạn không đi theo con đường thẳng, nơi có các chiến sĩ biên phòng đang đứng gác, mà đánh một vòng trên đất Campuchia, xa tầm mắt của những người làm nhiệm vụ, mới bắt đầu vượt biên.

Nhập hàng xé lẻ

Nhiều năm hành nghề ở đây, H. nói mình quen mặt từng cửu vạn hằng ngày tới lui kiếm cơm ở chợ Gò, dù đội ngũ này đông đến hàng trăm người.

Nói chuyện với chúng tôi một lúc, H. hất mặt về phía tốp thanh niên đang tiến về một kho thuốc lá: “Mấy thằng đó bên ấp 2 qua ăn hàng”; lại chỉ tay về một gã mặc quần soọc đi về kho mỹ phẩm “thằng đó lính của bà Bảy Đ. ở ấp 3”.

Theo H., bà Bảy Đ. là một trong những người buôn lậu lâu năm và có rất nhiều mối lái ở Gò. Cách “làm ăn” của bà cũng như nhiều tay buôn hàng lậu ở đây là không dại gì chứa hàng vào kho, mà buôn theo đơn đặt hàng. Đối tác ở khắp nơi cần lấy hàng nào, số lượng bao nhiêu cứ việc gọi, sau đó tốp cửu vạn của bà sẽ đi lấy giao đến điểm hẹn. Chính cách “nhập” hàng xé lẻ này mà người ta không biết mỗi ngày đường dây buôn lậu đã vượt biên bao nhiêu hàng. Chỉ biết dưới trướng bà có nhiều cửu vạn và thu nhập của họ không hề thấp.

Mỗi chuyến đai hàng trót lọt, trung bình đoạn đường trên dưới 2 cây số từ nơi lấy đến nơi giao hàng, một cửu vạn được chủ hàng trả thù lao 15 đến 20 ngàn đồng, tùy theo giá trị hàng và đoạn đường. Những lúc tình hình “êm” hơn, mỗi ngày một cửu vạn có thể có được vài chục chuyến hàng. Nhưng cũng có những khi “nhộn”, là lúc lực lượng chống buôn lậu tuần tra nhiều, thì họ phải vài ba ngày “ở nhà uống nước”.

Người mua hàng, dân vác thuê hàng lậu tại một điểm tập kết trên đất Campuchia - Ảnh: Tiến Trình

“Nghề không thọ”

Chúng tôi hỏi về cuộc mưu sinh, một cửu vạn tặc lưỡi: “Kiếm tiền ở đây có lúc dễ như... đi chơi, nhưng cũng có khi như... chạy giặc vậy”. Đó là những khi bị lực lượng chống buôn lậu truy đuổi, họ phải vác số hàng chạy bán sống bán chết để khỏi mất hàng của chủ, và trên hết là để khỏi bị tóm.

Thường khi lực lượng Việt Nam đuổi bắt thì những người này lại quay đầu chạy qua đất Campuchia. Cửu vạn tên T. nói dân vác thuê ở Gò chủ yếu là người ở Vĩnh Ngươn, thuộc đường đi nước bước, ít đất, không nghề, họ phải đi vác thuê kiếm sống. Cũng là bán sức kiếm tiền, có điều họ lại bán sức cho những ông bà chủ làm ăn phi pháp, làm giàu cho một số người phè phỡn...

Tới giờ, dân vác thuê ở chợ Gò vẫn còn ngậm ngùi kể với nhau về chuyện của một “nữ đồng nghiệp”. Không biết làm mất hàng thế nào mà càng vác thuê, cô này lại càng nợ chủ hàng chồng chất. Nợ đến nỗi phải chấp nhận cuốn gói về làm vợ lẽ của ông chủ để... trừ nợ.

Còn H., hết lớp 9 thi đậu vào một trường điểm ở thị xã Châu Đốc. Niềm vui được cắp sách vào cấp 3 chưa dứt thì H. lại đứng trước quyết định phải bỏ học để đi làm thuê cho một người bà con kiếm tiền thang thuốc cho cha. H. nói mình không có “lá gan” để đi vác hàng cho dân buôn lậu chuyên nghiệp. Hằng ngày, có người bắt mối được khách đi chợ Gò mua đồ về dùng với số lượng ít thì gọi H. đi theo để xách “giùm”.

Hàng lậu, ít hay nhiều thì cũng là hàng lậu, do đó H. cũng phải nhập vào hàng ngũ của đội quân vác hàng gian ở chợ Gò. Trong mỗi chuyến đi, H. đều giao kèo với chủ là nếu hàng bị bắt, người vác thuê phải bồi thường, còn đi trót lọt thì chủ hàng phải trả thù lao bằng 10 phần trăm giá mua. Kiếm được tiền, H. không được giữ mà phải nộp lại cho người bắt mối. Cuối ngày, người này sẽ trả tiền công vài ba trăm ngàn.

“Làm bao nhiêu, em đưa hết cho mẹ”, H. nói. Năm nay 21 tuổi, H. nói chỉ làm thêm một thời gian nữa để kiếm mớ vốn học nghề, rồi cưới vợ, chứ thấy làm nghề này “không thọ”.

Tiến Trình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.