Ngăn chặn gian lận thuế giá trị gia tăng
Bế mạc phiên họp 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Lê Hiệp
Lê Hiệp
24/04/2024 06:41 GMT+7

Chiều 23.4, tiếp tục phiên họp 32, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi. Đây là dự án luật sẽ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp 7 khai mạc vào ngày 20.5 tới.

Góp ý dự án luật, Chủ tịch Quốc hội (QH) Vương Đình Huệ đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu để bổ sung quy định về các hành vi vi phạm bị cấm và các chế tài liên quan thuế giá trị gia tăng (VAT) tại dự thảo luật. Theo Chủ tịch QH, dù luật Quản lý thuế đã có các quy định về hành vi bị cấm trong lĩnh vực thuế, song thuế VAT có tính chất đặc thù và thực tế phát sinh nhiều hành vi vi phạm, nên có thể nghiên cứu bổ sung quy định này.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

GIA HÂN

Chủ tịch QH cũng nêu rõ, có thể bổ sung các hành vi vi phạm chưa được cụ thể trong luật Quản lý thuế như gian lận hóa đơn, chứng từ, vi phạm thời gian nộp thuế, khấu trừ thuế, hoàn thuế, lừa đảo chiếm đoạt thuế, khai khống hóa đơn VAT, lập cơ sở kinh doanh để bán hóa đơn VAT bất hợp pháp, chuyển giá…

Việc bổ sung quy định về hành vi cấm, chế tài xử lý hành vi gian lận thuế VAT cũng được nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ QH đề nghị. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế QH Vũ Hồng Thanh cho rằng, thực tế tình trạng vi phạm trong lĩnh vực thuế VAT như gian lận thuế, trốn thuế khá phổ biến. Theo ông Thanh, luật Quản lý thuế 2019 đã có quy định các hành vi cấm song luật Thuế VAT đặc biệt và đặc thù hơn, do đó cần có các quy định riêng để chống gian lận hóa đơn, chứng từ, vi phạm thời gian nộp thuế, khấu trừ thuế, hoàn thuế, lừa đảo chiếm đoạt thuế và khai khống hóa đơn thuế VAT…

Giải trình sau đó, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cũng đồng tình rằng giai đoạn vừa qua gian lận về thuế VAT lớn. Do đó, cần quy định chặt và minh bạch để vừa bảo vệ người nộp thuế chân chính cũng như người thu.

Đề xuất đánh thuế VAT hàng hóa nhập khẩu qua Shopee, Lazada

Trước đó, báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách QH Lê Quang Mạnh đề nghị Chính phủ cân nhắc bỏ quy định về miễn thuế VAT đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ. Theo quy định hiện hành, hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh có giá trị từ 1 triệu đồng trở xuống được miễn thuế nhập khẩu và thuế VAT.

Ông Mạnh cho hay, việc miễn thuế VAT đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ dựa trên thực tế là số thuế thu được không đáng kể so với chi phí quản lý thu của cơ quan hải quan và chi phí tuân thủ của người nộp thuế. Trước đây, số lượng hàng hóa có giá trị nhỏ được nhập khẩu không quá nhiều nên tác động tổng thể tới số thu là không đáng kể.

Tuy nhiên, ông Mạnh cho hay, hiện nay với sự bùng nổ của thương mại điện tử xuyên biên giới, xu hướng chung của nhiều quốc gia cho thấy lượng giao dịch hàng hóa có giá trị nhỏ xuyên biên giới đã tăng nhiều lần trong thời gian qua.

Ông Mạnh dẫn chứng số liệu của Tổng công ty cổ phần Bưu chính viễn thông VN: tháng 3.2023, có trung bình khoảng 4 - 5 triệu đơn hàng/ngày từ Trung Quốc về VN, giá trị mỗi đơn hàng từ 100.000 - 300.000 đồng. Theo đó, hằng ngày trung bình có khoảng 45 - 63 triệu USD, một tháng khoảng 1,3 -1,9 tỉ USD giá trị hàng hóa được luân chuyển qua các sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada, Tiki, TikTok…

Vẫn theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách QH, hiện nhiều nước đã bỏ quy định miễn thuế VAT đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ để bảo vệ nguồn thu, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa hàng sản xuất trong nước và nhập khẩu. Từ đó, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ tham khảo xu thế chung để cân nhắc bỏ quy định này, tạo điều kiện mở rộng và bao quát các nguồn thu trong bối cảnh hạn chế về ngân sách hiện nay.

Một đề nghị khác của cơ quan thẩm tra QH là tăng thuế suất thuế VAT theo lộ trình. Chủ nhiệm Lê Quang Mạnh cho hay thuế VAT hiện đang áp dụng 3 mức thuế suất lần lượt là 0%, 5% và 10%. Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng mức thuế suất phổ thông 10% hiện thấp so với các nước.

Ông Mạnh dẫn chứng khi thuế suất trung bình tại châu Á là 12%, khu vực Mỹ La tinh là 14%, châu Phi 16%, châu Âu 22%. Còn mức thuế VAT trung bình toàn cầu là 15%. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng cho biết một số nước ASEAN đã tăng thuế VAT như một giải pháp thu ngân sách sau dịch Covid-19.

Giải trình thêm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng doanh nghiệp đang gặp khó khăn, nên QH đã quyết định giảm mức thuế suất từ 10% xuống 8%. Việc này giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Vì thế, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng mức thuế suất 10% hiện nay là phù hợp.

Cũng trong chiều 23.4, Ủy ban Thường vụ QH đã bế mạc phiên họp 32. Trong phát biểu bế mạc, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ khẳng định sau 4,5 ngày làm việc, phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ QH đã hoàn thành tất cả các nội dung; xem xét, cho ý kiến đối với 19 nội dung và cho ý kiến bằng văn bản đối với 3 báo cáo của Chính phủ.

Mức thuế VAT với phân bón 0% hay 5%?

Việc Chính phủ đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế VAT với mức thuế suất 5% thay vì không chịu thuế như hiện nay được nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ QH quan tâm. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật QH Hoàng Thanh Tùng bày tỏ tán thành khi dự thảo luật đã đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế. Theo ông Tùng, đây là một điểm bất cập đã được nêu nhiều năm, ảnh hưởng đến tính cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất phân bón khi không được khấu trừ hoàn thuế VAT đầu vào (do được miễn thuế VAT) dẫn tới giá thành tăng lên. Tuy nhiên, ông Hoàng Thanh Tùng băn khoăn khi mặt hàng phân bón từ diện không chịu thuế thì nay được Chính phủ đề xuất đưa vào diện chịu thuế VAT 5%. "Chúng tôi đề nghị làm rõ để xác định phù hợp là thuế suất 5% hay 0%. Bởi vì 5% thì không phải là mới. Luật Thuế VAT 2008 đã quy định phân bón là thuế suất VAT 5%. Tuy nhiên, đến năm 2014, khi sửa đổi luật thì đã đưa phân bón thành đối tượng không chịu thuế VAT. Bây giờ quay trở lại là 5% thì phải làm rõ tại sao ngày xưa chúng ta bỏ và tại sao bây giờ đặt lại là 5%", ông Tùng nêu. Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cũng đề nghị cơ quan soạn thảo phải thuyết minh kỹ vấn đề này. "Tính toán đưa vào diện chịu thuế là đúng rồi, rất phù hợp, nhưng nên để thuế suất là 5% hay 0% cần phân tích thấu đáo hơn. Mình cố gắng tập trung lý giải có cơ sở một chút để thuyết phục vì lâu lắm rồi chưa được sửa", Chủ tịch QH lưu ý.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.