Ngân hàng… lời phê

02/12/2014 12:32 GMT+7

Từ năm học này, học sinh tiểu học được “giảm áp lực” bằng cách hạn chế tối đa việc đánh giá bằng điểm số. Thay vào đó là những lời phê, lời nhận xét trong bài làm và trong các mặt hoạt động, rèn luyện khác của các em.

Ai đã từng đi học mà không “mừng hết lớn” trước điểm 10 “chói lọi” bên cạnh lời phê “giỏi”. Con số ấy đâu phải vô hồn. Nhiều “học sinh già” kể lại, mỗi lần được điểm 10 và chữ “giỏi” của thầy cô, cứ lâu lâu họ lại giở vở ra xem và lần nào cũng thấy… tâm hồn bay bổng. Họ nói hồi đó họ đua nhau từng điểm trong niềm hứng thú say mê kiến thức chứ chẳng thấy áp lực gì. Cho nên cả xã, cả huyện không có lấy một chỗ dạy thêm học thêm nào… Có lẽ con số cũng là một “lời phê” cơ học rất cần thiết. Dù cao hay thấp, “đẹp” hay không “đẹp”, điểm số vẫn là “chứng nhân” đáng tin cậy kèm theo lời phê ngắn gọn của thầy cô giáo.

Ai đã từng đi học mà không “ghét” điểm 1, điểm 2…, mà không thấy giận mình, không thấy chạnh lòng khi nhìn điểm 8, điểm 9… trong bài làm của bạn. Dường như đó không phải là áp lực. Càng không phải là một cảm xúc tiêu cực mà là một cảm xúc đẹp có được từ sự nhắc nhở của các thầy cô: “Thất bại là mẹ thành công”. Đó cũng là một nỗi buồn đẹp khi đứa trẻ cảm thấy mình thua kém bạn bè. Các em cố gắng học hành để cải thiện điểm số thì đâu có gì gọi là trái với tự nhiên?

“Thực hiện đổi mới đánh giá chưa được bao lâu mà lời phê chừng như muốn cạn”, một giáo viên bộc bạch. Gần đây, báo chí phản ánh: Đã có những nhà giáo khắc hàng chục “con dấu lời phê” mang nội dung khác nhau để đóng vào bài làm của học sinh cho nhanh. Nhưng con dấu ở đâu cho phỉ khi mà bài làm của học sinh thì mỗi em một vẻ? Thêm nữa, lời phê phải bảo đảm tinh thần phê chứ không… phán, phải hạn chế đến mức thấp nhất sự trùng lặp, không được phê chung chung; lời phê phải mang tính giáo dục, thể hiện rõ quá trình tiến bộ của học sinh, phải hết sức khéo léo, tế nhị, tôn trọng các em; phải khích lệ, động viên các em là chính.

Còn quá sớm để chứng minh cho sự đúng đắn của chủ trương nhận xét thay cho điểm số, trừ những luận giải “chặt chẽ và đẹp đẽ” trên văn bản. Điều dễ thấy là hàng ngàn giáo viên tiểu học đang ăn ngủ cùng… lời phê. Họ nhiều đêm trằn trọc nghĩ về những lời nhận xét khác nhau cho phù hợp với mỗi tiến bộ dù rất nhỏ đối với từng học sinh của họ.

Gặp nhau, các nhà giáo tiểu học nói vui: Kiểu này chắc anh em mình phải lập một… ngân hàng lời phê mới được.

Trần Cao Duyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.