Người trẻ 'giữ lửa' văn hóa vùng cao: Tiếng thơ Ka Lang bay muôn nơi

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
15/10/2023 07:15 GMT+7

Trong bài thơ 'Bay về phía núi', cây bút trẻ Pơloong Plênh (cán bộ Phòng VH-TT H.Tây Giang, Quảng Nam) viết: Ta như chim Ka Lang bay lang thang muôn nơi. Từ đại ngàn Trường Sơn, anh tựa cánh chim Ka Lang không mỏi mang thi ca "sải cánh bay phiêu du khắp đất trời…".

"TÌM CÂU THƠ CỘT MÌNH TRÊN NÊU LÀNG"

Nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh, Phó chủ tịch Hội Nhà văn TP.Đà Nẵng, khi chọn và giới thiệu thơ để đăng trên Báo Đà Nẵng (số ra ngày 19.6.2022) cho biết Pơloong Plênh là cây bút thơ trẻ duy nhất của Quảng Nam tham gia Hội nghị Những người viết trẻ toàn quốc lần thứ 10 do Hội Nhà văn VN tổ chức tại TP.Đà Nẵng (từ 17 - 20.6.2022). Tìm hiểu thêm, tôi được biết Pơloong Plênh cũng chính là tác giả người dân tộc thiểu số đầu tiên của Quảng Nam trở thành đại biểu trong 10 kỳ hội nghị văn trẻ toàn quốc. Thơ của anh có gì đặc sắc để anh trở thành một đại biểu đặc biệt như vậy?

Người trẻ 'giữ lửa' văn hóa vùng cao: Tiếng thơ Ka Lang bay muôn nơi - Ảnh 1.

Anh Pơloong Plênh, cây bút thơ trẻ là người dân tộc thiểu số hiếm hoi của Quảng Nam, luôn lắng nghe các già làng để tích lũy chất liệu

HOÀNG SƠN

Theo nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh, thơ của Pơloong Plênh mang đậm bản sắc và văn hóa của người Cơ Tu. Tư duy thơ mang tính trực quan, mộc mạc, giản dị, chân phương, thường lấy thiên nhiên chắp cánh tâm hồn. Sinh ra từ nguồn cội là núi rừng bao la, thơ của anh hồn nhiên, chân chất, thấm đẫm tình yêu dân tộc mình. Quả thật, đọc thơ của anh, người ta dễ dàng cảm nhận được tình yêu mà anh dành cho đại ngàn Tây Giang: Tôi sinh ra nơi núi rừng bao la/Yêu khúc dân ca son sắt đậm đà/Yêu những con người thật thà mến khách/Yêu cánh rừng thiêng yêu chiêng cồng ngân nga (Khúc hát mẹ ru con bay tìm về nguồn cội).

Là người con của làng Pơr'ning (xã Lăng), sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Văn hóa TP.HCM vào năm 2012, Pơloong Plênh về với bản làng. Vừa làm công tác chuyên môn để phát triển du lịch cộng đồng vừa tham gia bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống người Cơ Tu, anh vẫn tranh thủ thời gian để sáng tác. Nhiều người biết đến anh qua những bài tản văn, bút ký…, nhưng để nhớ tên anh thì thơ mới là mảnh đất anh gieo trồng được nhiều tác phẩm. Đi nhiều, trải nghiệm với núi rừng nhiều, gặp nhiều già làng và thu thập nhiều câu chuyện cổ thú vị, Pơloong Plênh bảo anh may mắn vì có thêm những chất liệu quý để sáng tác thơ: Tôi bay đi xa tìm ánh sáng tương lai/Tìm câu hát lý lạc quên trong vách đá/Tìm câu thơ cột mình trên nêu làng/Tìm tiếng đàn Abel ai đã lãng quên…

Pơloong Plênh có nhiều sáng tác về rừng. Điều đó không khiến người yêu thơ anh ngạc nhiên, bởi anh yêu rừng như chính máu thịt của mình. Trở về sau những chuyến khảo sát thực địa để làm hồ sơ cho các rừng di sản pơ mu, lim xanh, đỗ quyên…, anh lại có những sáng tác mới: Người sống nhờ rừng xanh/giữ mạch sống trong lành/Giữ thanh bình biên giới/Vững bền đến tương lai… (Giấc mơ xanh). Ngoài viết về rừng, anh còn viết về đề tài ca ngợi người chiến sĩ trên "tuyến đầu" chống dịch, người lính bảo vệ biên cương, bảo vệ rừng…

"MANG LỜI CA TIẾNG QUÊ HƯƠNG GỌI MỜI"

Khi thực hiện bài viết Chàng trai Cơ Tu mê hát - Danh Zoram trong kỳ trước, tôi để ý đến cái tên Pơloong Plênh xuất hiện trong mục thông tin liên quan đến bài hát. Tìm hiểu thì được biết từ những vần thơ mang âm hưởng đại ngàn, ca - nhạc sĩ Danh Zoram đã phổ nhạc và trình bày nhiều tác phẩm ấn tượng. Bài hát có thể kể đến đầu tiên là Ka Lang ơi do Danh Zoram phổ nhạc và biểu diễn với phong cách đậm chất rock: Ta như chim Ka Lang bay lang thang muôn nơi/Sải cánh bay phiêu du khắp đất trời/Ta như chim Ka Lang bỏ rừng về phố chơi/Mang lời ca tiếng quê hương gọi mời… Cùng với những ca từ gần gũi với vùng cao như khúc nhạc a-hen, tiếng trống chiêng, già làng…, Ka Lang ơi đã đi vào lòng cộng đồng Cơ Tu như một sáng tác biểu trưng.

Người trẻ 'giữ lửa' văn hóa vùng cao: Tiếng thơ Ka Lang bay muôn nơi - Ảnh 2.

Gắn cuộc đời mình với đại ngàn Trường Sơn, thơ ca của Pơloong Plênh luôn đậm phong vị núi rừng

"Một kỷ niệm sâu sắc của tôi với ca sĩ Y Jang Tuyn đó là vào năm 2021 anh Y Jang Tuyn tình cờ đọc được bài thơ A mế ơi (Mẹ yêu ơi) của tôi, anh ngẫu hứng sáng tác ngay một bản nhạc trong 15 phút. Đây là bài thơ tôi viết cách đây hơn 14 năm, có nội dung về những người mẹ vùng cao tần tảo trên nương với mong muốn con cái trưởng thành. Từ một dịp tình cờ như thế mà 2 trái tim, một Cơ Tu, một Ba Na, đã hòa cùng để có một bài hát gây nhiều xúc động cho bao trái tim Cơ Tu nói riêng và đồng bào dân tộc thiểu số nói chung. Kỷ niệm đó tôi không bao giờ quên, vì sau đó không lâu, ca sĩ Y Jang Tuyn đã mất vì Covid-19", Pơloong Plênh xúc động.

Trong cuộc đời sáng tác của mình, thơ của anh được chọn đăng trên nhiều tờ báo, tạp chí trên cả nước. Nhưng vui hơn cả là từ khoảng 10 bài thơ của mình, các nhạc sĩ đã phổ thành những bài hát dễ đi vào lòng người. Có những tác phẩm đoạt giải cao, như: Đôi chân (ca - nhạc sĩ Phi Ưng, giải B giải thưởng VHNT tỉnh Gia Lai), Tiếng trống Chagơr K-thu (nhạc sĩ Trần Cao Vân, giải C giải thưởng VHNT tỉnh Quảng Nam)… Không chỉ tạo chất liệu cho các nghệ sĩ phổ nhạc, bản thân Pơloong Plênh đã sáng tác nhiều bài hát về quê hương, về đại ngàn như: Lời của rừng thiêng, Bài ca trên núi, Chiếc gùi mây, Ama ơi (Cha yêu)… Riêng ca khúc Tình ca bên suối đoạt giải khuyến khích giải thưởng VHNT tỉnh Quảng Nam…

Nhà báo Alăng Ngước, Chi hội trưởng Chi hội VHNT các dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Nam, đánh giá Pơloong Plênh không chỉ là một người miền núi làm thơ tự tình theo phong cách riêng mà còn có năng khiếu sáng tác nhạc, nghiên cứu văn hóa Cơ Tu. Nhiều ca khúc của anh viết về miền núi mang nhiều giá trị đặc trưng, cổ vũ tinh thần bảo vệ môi trường của cộng đồng. Bằng câu từ gần gũi, bằng âm hưởng dân ca miền núi đặc sắc, các sáng tác của Pơloong Plênh đã chạm vào trái tim của người nghe, tạo nên một không gian âm nhạc sinh động gắn với đời sống, văn hóa Cơ Tu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.