Nhà hàng, quán ăn tìm cách giữ chân khách

09/12/2023 07:37 GMT+7

Tình hình kinh doanh khó khăn, ảnh hưởng nặng nề từ kinh tế suy thoái và gần đây là cao điểm kiểm tra nồng độ cồn đã khiến nhiều nhà hàng, quán ăn hoặc phải đóng cửa ngừng kinh doanh, hoặc tìm cách giữ chân khách, chẳng hạn đưa khách về nhà an toàn.

Khách ngại nhậu, doanh thu quán giảm sút

Buổi trưa cuối tuần, nhóm bạn của anh Lưu Hoàng Tuấn, ngụ Q.Gò Vấp (TP.HCM) tổ chức họp mặt nhóm bạn thân tại quán G.B trên đường Phan Văn Trị, Q.Bình Thạnh (TP.HCM). Cả diện tích quán rộng lớn chỉ duy nhất bàn của anh Tuấn dù trước đó chỉ hơn 1 tháng, địa điểm này thường xuyên đông đúc từ trưa đến chiều.

Nhà hàng, quán ăn tìm cách giữ chân khách - Ảnh 1.

Nhiều phố ẩm thực trước nay nườm nượp khách thì hiện nay đã trở nên vắng vẻ lạ thường

Q.T

Anh Giang, chủ quán, cho biết thời điểm hiện nay lượng thực khách đang giảm mạnh vì e ngại đo nồng độ cồn. Chị Nguyễn Thị Phương Quyên, thực khách tại quán G.B, bộc bạch: "Hôm nay tôi gặp lại nhóm bạn cũ thật sự rất muốn uống bia cho thoải mái nhưng nghĩ lại lúc lái xe về lỡ bị thổi nồng độ cồn thì thiệt hại rất nặng. Bây giờ là lúc kinh tế đang khó khăn, chỗ tôi làm việc cũng đang cắt giảm giờ làm chỉ còn 2 ngày/tuần, nếu xui rủi bị phạt nồng độ cồn thì xem như mất cả tháng lương, vì vậy tôi chỉ uống nước ngọt".

Con đường Phạm Văn Đồng, chạy dài từ Q.Gò Vấp sang TP.Thủ Đức từng được mệnh danh là phố ăn chơi khi tập trung nhiều hàng quán san sát, hoạt động thâu đêm suốt sáng. Tuy nhiên, kể từ khi kinh tế suy thoái, đặc biệt từ thời điểm CSGT tăng cường kiểm tra nồng độ cồn, lượng khách đến ăn uống và vui chơi giảm hẳn. PV Thanh Niên đã trực tiếp ghi nhận tại khu vực này và nhận thấy hàng loạt mặt bằng trước đây cho thuê làm nhà hàng đang đóng cửa và dán bảng cho thuê. Những hàng quán còn lại chỉ hoạt động cầm chừng với lượng khách hạn chế. Mới chỉ khoảng 22 giờ, đường phố xung quanh khu vực này đã trở nên vắng vẻ, nhiều quán đóng cửa sớm, mặc dù trước đây nhiều khu ăn chơi giải trí tại đây hoạt động đến tận sáng hôm sau.

Trên địa bàn Q.4 (TP.HCM), khu phố ẩm thực Vĩnh Khánh tập trung hàng chục quán nhậu vỉa hè trước đây luôn thu hút thực khách đến ăn uống thì hiện nay cũng lâm vào tình cảnh vắng vẻ. Anh Nguyễn Xuân Thu, tài xế taxi thường xuyên đón khách tại khu vực này, thở dài: "Đúng là hai hình ảnh trái ngược, cách đây chỉ vài tháng khu phố ẩm thực này luôn đông khách, dù sau dịch bệnh thì lượng khách có giảm đi nhưng cũng không đến nỗi ế ẩm như lúc này. Có những hôm tôi nhìn thấy hàng chục quán san sát mà khách chỉ đếm trên đầu ngón tay".

Từ Q.4, PV đi dọc theo tuyến đường Bến Vân Đồn sang khu Trung Sơn vốn luôn nhộn nhịp vì không khí gần bờ sông thoáng mát, nhưng gần đây chỉ mới 22 giờ đã đóng cửa, khách vắng hoe. Một chủ nhà hàng gần chân cầu Chữ Y (Q.8) cho biết: "Tôi có 2 quán ăn nhưng ế ẩm quá đã đóng một chi nhánh. Còn lại một quán ở khu vực cầu Chữ Y cũng đang phải ráng gồng lỗ. Hiện nay tình hình chung các nhà hàng quán ăn đều đang giảm lượng khách vì kinh tế khó khăn và kiểm tra nồng độ cồn. Nói đơn giản thì khách có thể đi xe ôm, taxi đến ăn uống, nhưng thật ra rất phiền phức, nhiều người vẫn chưa quen nên sự ảnh hưởng đến tâm lý là không nhỏ".

Tìm cách giữ khách

Anh Bùi Tường Khoa, chủ một doanh nghiệp ngụ H.Nhà Bè (TP.HCM) kể: "Từ khi bước vào cao điểm kiểm tra nồng độ cồn, tôi đi tiếp khách thường sử dụng app (ứng dụng) BUTL để đặt tài xế đến đón về. Ban đầu sử dụng dịch vụ này tôi thấy cũng khá ổn, tài xế dù chưa quen biết nhưng nhiệt tình, có thể sẵn sàng ngồi đợi nếu khách có yêu cầu chở sang địa điểm khác để… nhậu tiếp. Tuy nhiên, nhiều lần sau thì bắt đầu xuất hiện nhiều bất cập, có những tài xế mới vào nghề, chưa quen đường, tay lái yếu. Xe tôi có giá trị cao mà giao cho tài xế như vậy thì cũng không an tâm".

Nhà hàng, quán ăn tìm cách giữ chân khách - Ảnh 2.

Nhà hàng, quán ăn tìm kiếm ý tưởng mới để giữ chân khách

CTV

Hiện, một số nhà hàng đưa ra dịch vụ cử tài xế đến lái xe của khách để đưa đón nhằm giữ chân khách. Tuy nhiên, khách thì không phải ai cũng sẵn lòng chi trả thêm một khoản cho dịch vụ này. Anh Nguyễn Minh Đức, Giám đốc marketing một hệ thống đào tạo Anh ngữ ngụ TP.Thủ Đức, chia sẻ: "Đôi lần tôi tiếp khách cũng phải đặt tài xế trên ứng dụng đến chở về. Đối với dịch vụ thì tôi không ý kiến, nhưng giá dịch vụ thì lại khá cao. Ví dụ tôi đi từ nơi ăn uống về đến nhà một quãng đường khoảng 10 km, nhưng tốn phí thuê tài xế hết 300.000 đồng. Đi ăn nhậu đã tốn tiền mà lại mất thêm phí nữa, tôi thấy không đáng, nên gần đây tôi chọn lọc lại các buổi nhậu, khi nào thật sự cần thiết mới uống bia".

Thừa nhận tình hình kinh doanh sụt giảm do ảnh hưởng từ quy định thổi nồng độ cồn, anh Hoàng Bảo K., quản lý nhà hàng S.T trên đường Lê Ngô Cát, Q.3 (TP.HCM), cho biết: "Hầu hết các nhà hàng, quán ăn, quán nhậu đều đang bị ảnh hưởng bởi quy định kiểm tra nồng độ cồn. Khách e ngại đi ăn uống hơn trước nên doanh số nhà hàng sụt giảm. Mới đây, nhà hàng đã tìm giải pháp thu hút khách bằng cách thuê một đội ngũ chuyên đưa khách về nhà miễn phí. Nếu đi xe đến thì sẽ có người chở khách về nhà bằng xe của họ, kể cả ô tô hay xe máy. Hy vọng giải pháp này sẽ giúp cho khách đỡ e ngại hơn và quay trở lại".

Đại diện nhà hàng C. trên đường Nguyễn Thái Học, Q.1 (TP.HCM) mặc dù lo lắng vì ảnh hưởng bởi quy định nồng độ cồn nhưng vẫn tỏ ra lạc quan: "Khó khăn đến mức nào đó thì cũng sẽ có cách giải quyết thôi, ngay từ khi CSGT bắt đầu kiểm tra nồng độ cồn, nhà hàng chúng tôi đã chuẩn bị đội ngũ tài xế để đưa khách về, giúp họ yên tâm ăn uống. Hiện nay hầu hết dịch vụ ẩm thực đều bị ảnh hưởng, nhưng chúng tôi cũng mong muốn chia sẻ khó khăn của thực khách để mọi việc ổn định trở lại".

Nhà hàng, quán ăn ế khách. Các doanh nghiệp sản xuất bia, rượu cũng sụt giảm sản lượng mạnh. Ở thời điểm hiện tại, chưa có một giải pháp khả thi nào cho việc này, cộng thêm kinh tế khó khăn, người dân siết chặt chi tiêu nên không ít chủ quán đang tính phương án đóng cửa chờ thời.

Đa số vẫn ủng hộ Nghị định 100/2019/NĐ-CP

Tình hình kinh doanh ế ẩm của các nhà hàng, quán ăn và cả trung tâm tổ chức tiệc cưới được nhiều người quan tâm, chia sẻ trên các diễn đàn mạng xã hội. Chị Phụng Nhi, ngụ Q.6 (TP.HCM) lo lắng: "Tôi sắp tổ chức tiệc đám cưới nhưng việc chọn nhà hàng nào là vấn đề khá đau đầu. Tôi muốn tổ chức một nơi sang trọng cho ngày trọng đại nhưng nhiều người trong gia đình tư vấn rằng vào thời buổi kinh tế khó khăn, quy định kiểm tra nồng độ cồn nghiêm ngặt như hiện nay thì phải tính toán làm sao để khách đến tham dự đông đủ và an toàn nhất, tôi chưa biết phải quyết định thế nào".

Anh Nguyễn Quốc Bình, quản trị một diễn đàn có trên 1 triệu thành viên đăng ký, chia sẻ: "Các quán nhậu thì hiện nay vắng chắc rồi, nhưng các nhà hàng tiệc cưới đang vào mùa cao điểm phục vụ cuối năm thì rất băn khoăn. Mời tiệc cưới ko đãi bia thì kỳ, mà đãi bia thì không ai dám uống, không uống thì tiền mừng liệu có giảm không? Hiện các nhà hàng tiệc cưới và các chủ hôn đang rất lăn tăn lo lắng".

Bên cạnh đó, PV Thanh Niên ghi nhận đa số bình luận trên các diễn đàn nghiêng về ủng hộ thực hiện nghiêm việc đo nồng độ cồn. "Chả ai cấm uống bia cả, uống thì đi taxi công nghệ hoặc xe ôm, không thì nói người nhà, người quen chở về... Ai cũng muốn được lợi ích của bản thân thì lợi ích cộng đồng bị xâm phạm. Ủng hộ vấn đề này", một ý kiến chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.