Những câu chuyện đáng nhớ nhất của bóng đá thế giới năm 2015

31/12/2015 08:31 GMT+7

Bóng đá thế giới năm 2015 dù không có những sự kiện tầm cỡ như World Cup hay EURO nhưng vẫn để lại nhiều dấu ấn đẹp - xấu khó quên.

Bóng đá thế giới năm 2015 dù không có những sự kiện tầm cỡ như World Cup hay EURO nhưng vẫn để lại nhiều dấu ấn đẹp - xấu khó quên.

Dưới đây là 10 câu chuyện bóng đá “hot” nhất năm 2015:

1- Bê bối tham nhũng ở FIFA

FIFA dưới triều đại của Sepp Blatter bị nhấn chìm bởi bê bối - Ảnh: AFP
Bê bối này gây chấn động thế giới và tệ hại nhất trong lịch sử của FIFA sau khi Bộ Tư pháp Mỹ tiến hành truy tố và bắt giữ hàng loạt quan chức cấp cao. Theo đó, ngày 27.5, 7 quan chức cấp cao của FIFA bị bắt giữ tại Thụy Sỹ do bị buộc tội rửa tiền, nhận hối lộ và tiền lại quả. Chỉ 2 ngày sau đó, ông Sepp Blatter tái đắc cử chức Chủ tịch FIFA nhiệm kỳ thứ 5 liên tiếp nhưng sau đó tuyên bố từ chức. Vị quan chức 79 tuổi này cũng bị lôi kéo vào cuộc điều tra về một thanh toán 2 triệu USD mờ ám cho Chủ tịch UEFA Michel Platini khiến cả hai bị cấm hoạt động bóng đá trong 8 năm. 
Ngày 3.12, bóng đá thế giới tiếp tục rung chuyển khi có thêm 16 quan chức bóng đá, giám đốc điều hành tiếp thị thể thao bị truy tố và bắt giữ do nhận hối lộ và tiền lại quả lên đến 200 triệu USD liên quan đến bản quyền phát sóng, tiếp thị các sự kiện bóng đá ở châu Mỹ-Latin như Gold Cup, Copa America và vòng loại World Cup. 
Mặc dù có tổng cộng 41 quan chức, giám đốc bị truy tố và bắt giữ nhưng cuộc “tấn công” từ phía Mỹ vào bê bối ở FIFA vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

2- Các cô gái Mỹ trở lại ngôi hậu ở World Cup

Tuyển Mỹ làm nên lịch sử với lần thứ 3 vô địch World Cup bóng đá nữ - Ảnh: AFP
Sau 16 năm chờ đợi, tuyển nữ Mỹ trở lại ngôi hậu ở World Cup nữ 2015 diễn ra tại Canada bằng chiến thắng nức lòng với tỷ số 5-2 trước đối thủ Nhật Bản. Điều thú vị là các cô gái của Mỹ chỉ mất 16 phút để kết liễu số phận bằng 4 bàn thắng, trong đó có cú hattrick của Carli Lloyd. Chiến thắng này còn giúp tuyển nữ Mỹ đi vào lịch sử World Cup bóng đá nữ khi trở thành đội tuyển đầu tiên 3 lần đăng quang sau năm 1991 và 1999.

3- Barcelona hoàn tất cú “ăn ba” lịch sử

Barcelona tiếp tục lên một tầm cao mới với cú "ăn ba" lần thứ 2 - Ảnh: Reuters
Thành công của Barcelona trong năm 2015 được ví như một cú ngược dòng đầy ngoạn mục. Theo đó, vào tháng 1, đội bóng xứ Catalan rơi vào khủng hoảng khi giám đốc bóng đá Andoni Zubizarreta bị sa thải kéo theo sự từ chức của trợ lý kiêm cầu thủ Carles Puyol, trong khi siêu sao Lionel Messi được cho là không hài lòng với tân HLV Luis Enrique. Nhưng rồi đột nhiên Barcelona “vượt cạn” một cách đáng kinh ngạc khi “bộ ba” tấn công Messi, Neymar và Luis Suarez thay nhau tỏa sáng giúp đội chủ sân Nou Camp đăng quang La Liga, rồi Cúp Nhà vua Tây Ban Nha trước khi hoàn tất cú ăn ba bằng chiến thắng 3-1 trước Juventus ở trận chung kết Champions League. Thành tích này giúp Barcelona đi vào lịch sử khi trở thành CLB đầu tiền 2 lần đoạt cú ăn ba chức vô địch trong một mùa giải.

4- Sự thăng trầm của Chelsea và Mourinho

Jose Mourinho không còn là "Người đặc biệt" ở Chelsea - Ảnh: Reuters
Trường hợp của Chelsea trong năm 2015 được xem là hiếm có bởi sau khi vô địch Premier League vào tháng 5, “The Blues” trải qua nửa mùa giải mới với nguy cơ rớt hạng dưới sự dẫn dắt của HLV Jose Mourinho. Lạ ở chỗ đội chủ sân Stamford Brigde không những vẫn giữ chân đầy đủ những ngôi sao thượng thặng mà còn bổ sung thêm một số tân binh nhưng đoàn quân của “Người đặc biệt” Mourinho lại thi đấu bê bết ở mùa giải mới 2015 - 2016. Thành tích tệ hại ấy khiến nhà cầm quân Bồ Đào Nha bị sa thải vào ngày 17.12 vừa qua. 
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến những biến cố tại Chelsea nhưng chủ yếu xuất phát từ việc các trụ cột sa sút phong độ và chán nản cách hành xử trong phòng thay đồ. Trong đó đang chú ý nhất là việc Mourinho tác động để sa thải thiếu căn cứ trợ lý phụ trách y tế Eva Carneiro hồi đầu mùa giải. Đây là lần thứ 2 Chelsea sa thải Mourinho đồng thời chấm dứt hy vọng xây dựng “một triều đại mới” của HLV người Bồ Đào Nha. Dẫu vậy, dù thất vọng nhưng Mourinho có lẽ được an ủi khi được Chelsea đền bù hợp đồng đến 40 triệu bảng.

5- Bóng đá châu Âu “sợ” khủng bố

Sân Stade de France suýt nữa trở thành thảm kịch của khủng bố - Ảnh: AFP
Ngày 13.11, thủ đô Paris nhuốm bi kịch với hơn 100 người thiệt mạng do khủng bố với những tiếng nổ lớn và xả súng điên cuồng. Vụ khủng bố diễn ra đúng thời điểm sân Stade de France đang diễn ra trận giao hữu giữa Pháp và Đức. Sự cố khiến hàng chục ngàn người hâm mộ trên sân hoảng loạn lao xuống sân, nhưng họ không hề biết rằng mình đã gặp may bởi trước đó an ninh đã chặn đứng một phần tử mang bom định nổ tung Stade de France. 
Vụ khủng bố gây hoang mang và khiến nhiều trận đấu ở châu Âu phải hoãn lại, còn các sân bóng dày đặc lực lượng vũ trang. Ngay sau đó, EURO 2016 do Pháp đăng cai tổ chức cũng được đem ra bàn thảo về nguy cơ có thể bị di chuyển sang quốc gia khác trước mối lo ngại khủng bố.

6- Kỳ tích của Robert Lewandowski

Robert Lewandowski làm nên một kỷ lục "vô tiền khoáng hậu" - Ảnh: Reuters
Tiền đạo người Ba Lan Robert Lewandowski đã lập nên một kỷ lục ghi bàn có lẽ “vô tiền khoáng hậu” trong lịch sử bóng đá thế giới trong trận Bayern Munich hủy diệt Wolfsburg 5-1 ở Bundesliga hồi tháng 9. Sau khi được vào sân trong hiệp 2, Lewandowski ghi liên một mạch 5 bàn thắng chỉ trong vòng 9 phút (từ phút 51 đến phút 60). Màn trình diễn khó tin trên giúp Lewandowski được xác lập 4 kỷ lục Guinness thế giới, gồm: Cầu thủ lập hattrick, 4 bàn thắng và 5 bàn thắng nhanh nhất và cầu thủ ghi nhiều bàn nhất từ băng ghế dự bị trong lịch sử Bundesliga.

7- Asian Cup sang châu Đại Dương

Úc đưa Cúp vô địch Asian Cup sang châu Đại Dương - Ảnh: Reuters
Lần đầu tiên trong lịch sử chiếc cúp vô địch Asian Cup không ở lại châu Á sau khi Úc đánh bại Hàn Quốc 2-1 ở trận chung kết diễn ra trên sân nhà ở Sydney. Đây là lần đầu tiên đội tuyển đất nước thuộc châu Đại Dương - Úc lên ngôi giải đấu cấp quốc gia lớn nhất châu Á kể từ khi gia nhập AFC (Liên đoàn bóng đá châu Á) vào năm 2005. Cột mốc này cũng đánh dấu thất bại thứ 4 của Hàn Quốc ở trận chung kết Asian Cup sau các năm 1972, 1980 và 1988.

8- Leicester và Vardy “đại náo” Premier League

Jamie Vardy (phải) lập kỷ lục khi ghi bàn 11 trận liên tiếp giúp Leicester "đại náo" Premier League 2015 - 2016 - Ảnh: Reuters
Bước vào mùa Giáng sinh năm 2014, Leicester nằm ở vị trí chót bảng và nguy cơ chia tay Premier League hiển hiện trước mắt. Tuy nhiên bước vào Giáng sinh năm 2015, đội chủ sân King Power gây sốc với vị trí đầu bảng với một thành tích đáng kinh ngạc dưới tài cầm quân của HLV kỳ cựu Claudio Ranieri. Trong cuộc “đại náo” này, chân sút Jamie Vardy đi vào lịch sử trước sự thán phục khi ghi bàn liên tiếp trong 11 trận ở Premier League, vượt qua kỷ lục 10 trận của cựu tiền đạo Ruud Van Nistelrooy của Manchester United. Mùa giải vẫn còn một nửa chặng đường và Leicester có quyền được mơ một vị trí ở top dự cúp châu Âu mùa sau.

9- Thảm kịch Hà Lan và kỳ tích của Iceland

Hà Lan hứng chịu thảm kịch sau khi bị loại khỏi EURO 2016 với thành tích tệ hại - Ảnh: Reuters
Bóng đá Hà Lan đã trải qua một cú sốc lớn khi tuyển quốc gia lần đầu tiên sau 32 năm bị loại khỏi ngày hội bóng đá lớn nhất châu Âu. “Cơn lốc màu da cam” dưới sự dẫn dắt của HLV Danny Blind phơi bày một hình ảnh bạc nhược ở khuôn khổ bảng A vòng loại EURO 2016 với hàng loạt thất bại trước đối thủ yếu và kết thúc với vị trí thứ 4. 
Nỗi thất vọng của Hà Lan cũng chính là niềm vui lịch sử của Iceland khi lần đầu tiên quốc gia nhỏ bé với dân số khoảng 320.000 người giành quyền tham dự EURO. Iceland đã góp phần lớn nhấn Hà Lan xuống “bùn” khi thắng đội đứng thứ 3 ở World Cup 2014 cả 2 lượt trận trên sân nhà lẫn sân khách.

10- Gold Cup 2015 hỗn loạn

Gold Cup 2015 bị hoen ố do những quyết định tranh cãi của trọng tài - Ảnh: AFP
Giải đấu lớn nhất khu vực Bắc Trung Mỹ và Caribbean - Gold Cup 2015 bị hoen ố sau cảnh hỗn loạn ở trận bán kết Mexico đánh bại Panama 2-1. Ở trận này, sau khi phạt thẻ đỏ 1 cầu thủ Panama không rõ ràng, vị trọng tài người Mỹ Mark Geiger tiếp tục gây tranh cãi khi cho Mexico hưởng quả phạt 11m để gỡ hòa 1-1 ở phút 89 đầy tranh cãi. 
Tức giận vì bị xử ép, hơn một nửa đội hình Panama đuổi theo phản ứng trọng tài gây cảnh hỗn loạn trước khi bỏ ra ngoài đường biên. Trận đấu bị gián đoạn hơn 10 phút do CĐV liên tiếp ném vật cứng xuống sân để phản ứng trọng tài. 
Trận đấu kết thúc với phần thắng cho Mexico bằng một quả phạt 11m khác ở phút 105 trong hiệp phụ. Mexico sau đó đăng quang Gold Cup 2015 bằng chiến thắng 3-1 trước Jamaica ở trận chung kết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.