Những chuyện chưa kể về Tam quốc diễn nghĩa Và Thủy hử truyện: La Quán Trung là ai?

17/11/2021 06:30 GMT+7

Nói đến tác giả bộ tiểu thuyết chương hồi Tam quốc diễn nghĩa , chúng ta dễ dàng gọi ra cái tên La Quán Trung.

Dù có thể không biết chi tiết về hành trạng cuộc đời, nhưng chí ít nhiều người cũng đã biết về mối quan hệ thầy trò giữa Thi Nại Am (tác giả bộ Thủy hử truyện) và La Quán Trung.

La Quán Trung người thời Nam Tống, Nguyên hay Minh ?

Thực ra thông tin về hành trạng cuộc đời của La Quán Trung phức tạp hơn nhiều. Thậm chí sau khi đọc hết những thông tin đó, chúng ta buộc phải thốt lên câu hỏi: Rốt cuộc có bao nhiêu La Quán Trung?

Bộ tiểu thuyết chương hồi Tam quốc diễn nghĩa (Nhà xuất bản Văn học, 1999)

H.M

Điền Nhữ Thành (1503 - 1557) chính là người đưa ra đề xuất La Quán Trung là người thời Nam Tống. Trong sách Ủy hạng tùng đàm, ông viết: “La Quán Trung Bản (La Quán Trung tên thật là Bản) ở Tiền Đường, người thời Nam Tống, biên soạn tiểu thuyết mấy chục loại, mà Thủy hử truyện kể chuyện bọn Tống Giang gian trộm lừa gạt, quỷ quyệt, rất là kỹ lưỡng, nhưng biến trá trăm bề, làm hại tâm thuật của con người. Con cháu của y ba đời đều câm. Đạo trời vay trả, báo ứng như thế”.

Tuy nhiên, thông tin của Điền Nhữ Thành không được các nhà nghiên cứu chấp nhận. Họ thường chú ý đến một ghi chép khác về La Quán Trung trong sách Lục quỷ bộ tục biên. Sách này có người bảo là của Giả Trọng Minh (1343 - 1422) thời cuối Nguyên đầu Minh biên soạn; nhưng cũng có người cho rằng không phải do họ Giả viết mà là một tác giả khuyết danh. Sách này cho biết: “La Quán Trung là người Thái Nguyên, hiệu là Hồ Hải tản nhân, ít giao thiệp với người. Nhạc phủ, ẩn ngữ của y rất là trong sáng mới mẻ. Y cùng với tôi làm bạn vong niên (bạn bè có tuổi tác hết sức chênh lệch), gặp thời lắm việc, mỗi kẻ một phương. Đến năm Giáp Thìn niên hiệu Chí Chính (1364) lại gặp nhau, bặt tin nhau đến sáu chục năm, cuối cùng chẳng biết kết cục của y thế nào”. Sở dĩ ghi chép của Lục quỷ bộ tục biên được tin cậy là vì có vẻ nó xuất phát từ một người có quen biết với La Quán Trung. Hơn nữa, nó cũng khớp với một vài nguồn thông tin khác về La Quán Trung.

Vương Kì (1530 - 1615) trong sách Bại sử vị biên có nói: “Tông Tú La Quán Trung, Quốc Sơ Cát Khả Cửu đều có chí đồ vương, lúc gặp chân chúa (tức Chu Nguyên Chương nổi lên) thì Cát gửi sự thần kỳ vào nghề thuốc, La chuyển sự thần kỳ vào bại sử”. Cố Linh (1609 - 1682) trong Tháp Ảnh viên tập có nói La Quán Trung từng là “khách ở bá phủ của Trương Sĩ Thành” - một lãnh tụ khởi nghĩa thời cuối Nguyên. Đem tất cả những thông tin đó hòa trộn vào nhau thì thuyết La Quán Trung là người cuối Nguyên đầu Minh là hợp lý nhất. Chỉ riêng thông tin La Quán Trung người thời Nam Tống là không thể chấp nhận. Vì thế ngày nay khi viết tiểu sử La Quán Trung thì “cuối Nguyên đầu Minh” là chính thuyết. Năm sinh năm mất của La Quán Trung đại khái là vào khoảng năm 1330 đến năm 1400.

Tượng La Quán Trung ở Quảng Đông

TƯ LIỆU TÁC GIẢ

Những dấu hiệu từ trong… tiểu thuyết

La Quán Trung là người thuộc thời đại nào? Câu hỏi này có thể được trả lời bằng những dấu hiệu được rút ra từ chính văn bản tiểu thuyết. Cụ thể là bản in cổ nhất của Tam quốc diễn nghĩa (có tên là Tam quốc chí thông tục diễn nghĩa) được in năm 1522. Nếu đọc sách từ đầu đến cuối ta sẽ thấy phần lớn các thông tin trong chính văn của bản tiểu thuyết này đều dừng lại ở cuối thời Tống, các bài thơ bình phẩm nhân vật trong tiểu thuyết cũng chỉ dẫn đến thơ của thời Tống là hết, không hề có thơ bình của thi nhân thời Nguyên. Một số địa danh cổ trong truyện có cước chú địa danh “hiện nay” theo tình hình của thời Tống. Ví dụ, quyển 11, hồi 103 “Gia Cát Lượng lược định bốn quận” khi nhắc đến quận Vũ Lăng thì có chú thích “nay thuộc Đỉnh Châu”. Đỉnh Châu là địa danh thời Tống. Có lẽ vì thế mà người ta ngờ rằng La Quán Trung là người thời Nam Tống. Tuy nhiên, khảo sát kỹ lưỡng sẽ thấy tác phẩm này có niên đại muộn hơn một chút.

Hai nhà nghiên cứu Chương Bồi Hằng, Mã Mỹ Tín tiến hành khảo sát cổ bản Gia Tĩnh 1522 đã nhận thấy nhiều địa danh trong sách được chú thích tình hình “hiện nay” theo tình trạng của thời Nguyên. Chẳng hạn, quyển 2, hồi 20 “Tào Tháo cất quân báo thù cha” địa danh Lang Da được chú là “nay thuộc Nghi Châu, Ích Đô lộ”. Nghi Châu thuộc lộ Ích Đô là tình hình thời Nguyên.

Sang thời Minh, Ích Đô lộ đổi thành phủ Thanh Châu, còn Nghi Châu thì đổi thuộc Duyện Châu. Quyển 11, hồi 103 địa danh quận Quế Dương có chú “nay thuộc Sâm Châu, vẫn còn địa danh lộ Quế Dương”. Đặc biệt trong cùng quyển này, hồi 103 chú quận Trường Sa “nay thuộc Đàm Châu”; hồi 106 chú Công An “nay là huyện trị thuộc quản hạt của Giang Lăng”. Hai lời chú này là tình hình trước năm 1329 thời Nguyên Văn Tông.

Vì sau năm đó nhà Nguyên đã cho đổi Kiến Khang thành Tập Khánh, Giang Lăng thành Trung Hưng. Lại nữa, địa danh hành chính “lộ” đến thời Minh đã bị bãi bỏ. Cổ bản Tam quốc diễn nghĩa vẫn dùng nó để xác định tình hình “hiện nay” cho thấy ít nhất phần truyện đó đã được định bản từ thời nhà Nguyên. Sách được định bản thời nhà Nguyên thì tác giả của nó là người thời Nguyên. Đó là kết luận hết sức hợp lý. Tiểu sử La Quán Trung còn liên quan đến tiểu sử của một văn hào khác. Người đó chính là Thi Nại Am. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.