Những người vợ can trường

07/03/2023 09:03 GMT+7

Một Hà Nội lầm lũi trong bóng tối của những phố Sinh Từ, Yết Kiêu hay Lãn Ông… đã chứng kiến nhiều bậc tài danh gặp "tai nạn văn nghệ". Nhưng ở đó cũng có ánh sáng dịu dàng từ những người vợ Hà Nội, chỗ dựa cho những người đàn ông long đong, thất chí. Họ là những người đẹp can trường.

Những người vợ can trường  - Ảnh 1.

Vợ chồng nhạc sĩ Hoàng Giác

NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ

Riêng những bài hát còn xanh

Người phụ nữ "gắn bó" với Quốc ca nhất chính là vợ của nhạc sĩ Văn Cao. Người đẹp Hà thành Nghiêm Thúy Băng vốn là con gái một bậc kiệt hiệt trong giới xuất bản trước 1945, ông Nghiêm Xuân Huyến. Ông Huyến vốn là chủ hiệu ảnh ở 37 phố Hàng Quạt, sau đó thực hiện tờ báo trào phúng Con ong cũng tại đây và nhà in Rạng Đông 194 Hàng Bông. Chàng trai trẻ Văn Cao và cô con gái của ông chủ nhà in gặp nhau khi anh liên hệ in báo Độc Lập của Đảng Dân chủ trong Việt Minh. Báo Độc Lập chính là nơi đã in bài hát Tiến quân ca đầu tiên.

Những người vợ can trường  - Ảnh 2.

Nhà thơ Trần Dần và vợ, bà Bùi Thị Ngọc Khuê, năm 1994

NGUYỄN ĐÌNH TOÁN

Ông Huyến bị Nhật bắt và chết trong nhà lao ngay trước ngày Tổng khởi nghĩa. Dường như số phận đã đặt cô Băng vào hoàn cảnh sống bên cạnh những người đàn ông hoạt động trong những công việc đầy bất trắc. 

Văn Cao kết hôn với cô Băng năm 1947, trên đường tản cư về mạn Hà Đông, tại làng Cự Đà, quê của cô. Tuần trăng mặt diễn ra thời chiến và đi cùng những nhiệm vụ "thót tim", chẳng hạn cùng mở quán cà phê Biên Thùy ở Lào Cai để theo dõi tình hình thổ phỉ và phe Quốc dân đảng Trung Hoa buôn lậu thuốc phiện và muối. Cuộc đời của họ đã được chính người chồng chấm phá đôi nét trong thơ:

Dù hai đứa chúng ta/Chưa lúc nào sung sướng/Những ngày đau khổ ấy/Khuôn mặt em/Như mảnh trăng những đêm rừng cháy. (Khuôn mặt em, 1974)

Những người vợ can trường  - Ảnh 3.

Gia đình nhà thơ Lê Đạt

NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ

Đó là những thập niên sau khi Văn Cao gặp tai nạn từ vụ Nhân văn Giai phẩm (1958). Ông bị mất tư cách hội viên các hội nghệ thuật và sáng tác ít hẳn đi. Những bức ảnh chụp Văn Cao cho thấy ông già rất nhanh. Từ một người ngoài ba mươi lịch lãm trong bộ vest, ông thu mình trong chiếc áo đại cán cũ với chòm râu dài tuổi tác. 

Lúc đó, bà Băng đúng như lời Văn Cao, với "khuôn mặt sáng trong và bình lặng", luôn ở bên cạnh ông. Bà là người mẫu tranh cho chồng, một bức sơn dầu và những minh họa báo. 

Cuối thập niên 1980, Văn Cao trở lại với công chúng, vẻ đẹp của bà Băng làm ấm không khí quanh dáng vẻ cô độc thường trực của ông. Ông cũng không ít lần trần tình, trong cuộc đời hôn nhân ông chỉ có một hình bóng của người vợ: "Riêng những câu thơ còn xanh, riêng những bài hát còn xanh. Và đôi mắt em, như hai giếng nước".

Những người vợ can trường  - Ảnh 4.

Bà Nghiêm Thúy Băng - vợ nhạc sĩ Văn Cao

NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ

Chiều nào lòng thấy rộn ràng nhớ người

Tân nhạc đầu thập niên 1950, Đoàn Chuẩn và người bạn Từ Linh tạo ra một huyền thoại mùa thu gắn với những nàng thơ "tà áo xanh". Đoàn Chuẩn cũng có một ca khúc viết cho người vợ - Đường về Việt Bắc (1948) trong thời gian ông học trường nhạc ở Liên khu III, còn vợ con ở vùng Phú Thọ, nơi có xưởng nước mắm Vạn Vân nổi tiếng của gia đình: "Chiều nào áo tím lòng thấy rộn ràng nhớ người. Anh quên sao đôi mắt em, đôi môi xinh, nụ cười tươi…"

Người đẹp áo tím, cô Nguyễn Thị Xuyên, học cùng lớp với Đoàn Chuẩn ở trường Louis Pasteur, được hỏi cưới năm mới 19 tuổi. Biết con trai cảm mến bạn học, bà Vạn Vân bí mật đi xe tay đến cửa hàng khô của mẹ cô Xuyên ở phố Bạch Mai, ngắm xem cách cô gái bán hàng. Bà ưng liền và ngay sau đó gặp gia đình cô gái dạm hỏi. Quả thực anh con trai thứ của bà đã có một hậu phương quá vững chắc cả cho cuộc đời rong chơi lẫn vượt qua sóng gió sau này.

Những người vợ can trường  - Ảnh 5.

Vợ chồng nhạc sĩ Đoàn Chuẩn và con gái cả tại Hải Phòng năm 1952

NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ

Vào thời Đoàn Chuẩn phiêu lưu với những mối tình, bà Xuyên cáng đáng công việc làm ăn, dùng cửa hàng làm cơ sở che giấu cán bộ tiền khởi nghĩa. Cải tạo công thương nghiệp, gia đình Đoàn Chuẩn gặp nhiều biến cố: hãng Vạn Vân thực hiện công tư hợp doanh, còn rạp Đại Đồng giao lại cho nhà nước. Người con trai cả đi bộ đội dính vấn đề "chiêu hồi", rồi vụ án xét xử nhóm thanh niên hát nhạc vàng năm 1971 ở Hà Nội. Trong số những bài hát nhóm này hát có những tình khúc của Đoàn Chuẩn.

Bà Xuyên chính là người đã chèo chống gia đình với số nhân khẩu đông đảo (vài gia đình nhỏ sống cùng một địa chỉ) trong hoàn cảnh ấy. Chẳng những vậy, bà còn rất chan hòa với xung quanh, tham gia hoạt động khu phố, trưởng ban hòa giải khu dân cư. Rồi ông bị tai biến vào năm 1991, bà lại chăm sóc suốt 10 năm cho đến khi ông qua đời.

Những người vợ can trường  - Ảnh 6.

Vợ chồng họa sĩ Bùi Xuân Phái

TRẦN CHÍNH NGHĨA

Oan chồng thương bạc má văn công

Bài thơ Nhất định thắng của Trần Dần chứa những tự sự khi hôn nhân của ông với bà Ngọc Khuê bị lý lịch ngăn cản: "Tôi ở phố Sinh Từ, hai người, một gian nhà chật. Rất yêu nhau, sao cuộc sống không vui? … Gặp em trong mưa, em đi tìm việc, mỗi ngày đi lại cúi đầu: Anh ạ, họ bảo vẫn chờ…". 

Đây cũng là nguồn cơn cho những hệ lụy cả đời nhà thơ sau này, khi báo Nhân văn và tập san Giai phẩm đăng các tác phẩm của Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm… bị phê bình, đóng cửa. Những người vợ của các thi nhân lại là nơi họ tìm thấy sức mạnh tinh thần trong cảnh khó khăn kinh khủng ấy.

Những người vợ can trường  - Ảnh 7.

Bà Kim Châu, vợ nhạc sĩ Hoàng Giác

NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ

Trong trả lời phỏng vấn, Lê Đạt nói nhờ vợ, ông đã không tự tử: "Có một điều chắc chắn là không có vợ tôi, thì tôi có lẽ đã thân tàn ma dại rồi. Tôi đã làm lỡ cả cuộc đời nghệ thuật của cô và cô vì tôi mà mắc bệnh suy nhược thần kinh cho đến bây giờ" (Nghe Lê Đạt kể chuyện mình, Phạm Tường Vân). Ông dành những câu thơ cho người vợ chịu nhiều đau khổ với cái tiếng khủng khiếp "vợ Nhân văn": "Lòng nguyên xanh rừng non xuân trụi lá/ Oan chồng thương bạc má văn công". Bà Thuý vợ ông phải từ bỏ nghề diễn viên, để rồi sống cuộc đời vượt qua oan trái cho đến ngày mọi sự trở lại bình thường. Danh sách này còn dài với những bà Sinh vợ danh họa Bùi Xuân Phái, bà Kim Châu vợ nhạc sĩ Hoàng Giác…

Sự trọn vẹn nghĩa tào khang của những người phụ nữ "chẳng may" có một đấng chồng tài hoa nghịch thời không phải dị biệt, thực sự vô cùng điển hình cho những phụ nữ Hà Nội cũ… Họ đã vượt qua những nhọc nhằn quá sức cho một đời người với vẻ đẹp lớn lao của tình yêu thương.

Từ một người ngoài ba mươi lịch lãm trong bộ vest, Văn Cao thu mình trong chiếc áo đại cán cũ với chòm râu dài tuổi tác. Lúc đó, bà Băng đúng như lời ông, với "khuôn mặt sáng trong và bình lặng", luôn ở bên cạnh ông. Bà là người mẫu tranh cho chồng, một bức sơn dầu và những minh họa báo. Cuối thập niên 1980, Văn Cao trở lại với công chúng, vẻ đẹp của bà Băng làm ấm không khí quanh dáng vẻ cô độc thường trực của ông.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.