Những suy tư trong thơ Nguyễn Việt Chiến

31/01/2023 00:00 GMT+7

Bốn mươi tuổi, Nguyễn Việt Chiến mới xuất bản tập thơ đầu tay Mưa lúc không giờ (1992), nhưng giờ đây, sau 30 năm kể từ mốc khởi đầu tĩnh lặng ấy, qua tập Nguyễn Việt Chiến - Thơ và Trường ca mà NXB Hội Nhà văn vừa ấn hành, ta thấy ông thực sự đã có một gia tài thơ ca bề thế, không chỉ vì số lượng tập thơ liên tiếp gối nhau ra đời, mà quan trọng hơn, vì sự hấp dẫn, chiều sâu và sự phức tạp cảm quan thường thấy ở những cá tính thơ, phong cách thơ lớn.

Ngọn sóng thời gian, Cỏ trên đất, Những con ngựa đêm, Trăng và thơ đọc chậm, Hoa hồng không vỡ, Tổ quốc nhìn từ biển…mỗi một tập thơ, ít hay nhiều, đều cho thấy Nguyễn Việt Chiến biểu đạt tiếng nói công dân ở những suy tư, ngẫm nghĩ, những bình luận và cảm luận về đất nước, Mẹ-Tổ quốc, về sự vĩ đại mà gần gũi của tình giống nòi, đồng bào, của giá trị dấn thân tìm kiếm lẽ phải, hạnh phúc. Nhưng cũng trong mỗi tập thơ đó, còn có một Nguyễn Việt Chiến rất đỗi đơn độc, tựa như kẻ biết giới hạn của những điều lớn lao, để không ngừng tự tình, tâm tình về nỗi buồn và cô đơn, về nhỏ bé hiện hữu và vĩnh hằng bất tận của cỏ và cát, về sự đổ vỡ tâm trí và bất khả xóa bỏ nhọc nhằn, mệt mỏi của kiếp người. Một Nguyễn Việt Chiến nhuần nhuyễn và đôi lúc rất mực tài hoa ở lục bát, cũng đồng thời là một Nguyễn Việt Chiến chủ ý rất cao khi xây dựng cấu trúc, mượn âm nhạc và nghệ thuật thị giác để kiến tạo hình ảnh, nhịp điệu trong thơ tự do, trường ca. Nguyễn Việt Chiến của ngôn từ bay bổng, lãng mạn ở chặng đầu, lại trở thành Nguyễn Việt Chiến tính toán, lý trí và tích cực làm mới ý tứ, chữ nghĩa ở chặng sau. Tất cả đối nghịch tưởng chừng khác chiều đó lại không loại trừ nhau, mà cùng tạo vị thế đọc, thách thức đọc của thơ Nguyễn Việt Chiến. Đọc thơ ông, có thể nói, cần sự đọc chậm, đọc trong hoài nhớ tìm về các bóng hình văn hóa châu thổ, trong thúc đẩy nhận ra hệ thống biểu tượng, ẩn dụ, liên tưởng đa nghĩa, và dĩ nhiên, trong cả thao tác so sánh với thi sĩ cùng thế hệ. Nhưng những cách đọc cũng sẽ còn kéo dài, tôi tin, với thơ Nguyễn Việt Chiến.

Những suy tư trong thơ Nguyễn Việt Chiến - Ảnh 1.

Bìa tập Nguyễn Việt Chiến - Thơ và Trường ca

Thoạt nhìn, thơ như là phái sinh trong nghiệp cầm bút của Nguyễn Việt Chiến. Bởi lẽ, viết báo mới là hoạt động chủ yếu và đồng thời là hoạt động xác định tư thế công dân của ông rõ ràng, quyết liệt hơn cả. Tuy nhiên, sự thực, thơ mới là cách để ông hoàn thiện chính mình, cũng là cách để tiếng nói nội tâm đạt đến các chiều kích sâu rộng mà đời cầm bút ít khi có được. Nguyễn Việt Chiến, dưới danh xưng nhà báo, là hình ảnh thi sĩ lặng lẽ cô đơn, người sớm nhận thấy tâm hồn mình hóa lẫn trong những hạt cát thầm lặng để góp thêm một nghĩa lý trần đời: "Câu thơ như cát mỗi chiều/Đem theo chút ấm nắng nghèo vào đêm" (Cát đợi).

Cũng như thế hệ mình, Nguyễn Việt Chiến sớm rời ghế nhà trường để bước vào chiến trường. Những trải nghiệm ngắn ngủi nhưng có lẽ khốc liệt về chiến tranh, một mặt, lưu sâu trong ký ức người cầm bút cựu chiến binh như một chất liệu thơ ca lâu dài, mặt khác, là căn cớ thúc đẩy ông vấn đáp nội tâm, vấn đáp xung quanh và bứt phá lên trong những ngẫm ngợi, bình luận sâu sắc về đất nước, dân tộc. Nguyễn Việt Chiến giữ được năng lượng đó, xuyên suốt, không đứt gãy, ngay từ tập thơ đầu tiên Mưa lúc không giờ, rồi các tập Ngọn sóng thời gian và Cỏ trên đất.

Đến Những con ngựa đêm, Nguyễn Việt Chiến chủ hướng tìm tòi, cách tân thơ. Những ẩn ý đa tầng, những thi ảnh mới và đa dạng, nhịp điệu thơ biến hóa kéo theo nhịp cảm xúc sinh động, Những con ngựa đêm, tự nó, đứng vào mạch tiếp tục đổi mới thơ VN giai đoạn đầu thế kỷ 21. Tuy vậy, Những con ngựa đêm dường như chưa được đánh giá kỹ lưỡng, thấu đáo. Nguyễn Việt Chiến, đáng chú ý thay, hầu như chỉ được đông đảo công chúng biết đến, yêu thích với tư cách là tác giả của nhiều thi phẩm viết về biển đảo. Hai trong số đó là Tổ quốc nhìn từ biển và Tổ quốc bên bờ biển cả, nhìn chung, trở lại giọng điệu hào hùng, khỏe khoắn, giàu âm hưởng tráng ca và sử thi nhờ việc tái sử dụng các tích sử, tích truyền thuyết, đặc biệt là các sự kiện đánh giặc ngoại xâm trên sông nước của cha ông. Nguyễn Việt Chiến nhìn biển đảo trong chiều dài quá khứ và bề rộng không gian để tạo nên hình tượng biển-dân tộc một cách vừa gần gũi vừa thiêng liêng.Tuy viết theo thể trường thiên 7, 8 chữ khá quen thuộc nhưng bởi giọng điệu bi tráng, hình ảnh thơ chắt lọc nên hai bài thơ của Nguyễn Việt Chiến đã chiếm trọn tâm trí độc giả, nhất là khi người tiếp nhận cũng đang tự thấy trong tâm hồn mình có những ngọn sóng Biển Đông.

Một phẩm tính nổi bật của thơ Nguyễn Việt Chiến là những suy tư, ngẫm nghĩ, những bình luận và cảm luận. Thuở ban đầu, là những suy ngẫm về con người, về điều còn lại trong cuộc chiến: "Chiến tranh là nơi ngọn cỏ/Cao hơn tất cả chúng ta/Những người lính bị đốn ngã/Xanh xao hơn mọi hận thù" (Vô danh trận mạc). Về sau, khi biên độ cảm luận nới rộng và trở nên phức tạp, thì cái đẹp, cái thật, cái giá trị trở thành tâm điểm ngẫm ngợi: "Hiền nhân và bạo chúa/Thành bụi đất cả rồi/Phù điêu nung từ đất/Chỉ tạc hình em thôi" (Phù điêu cổ).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.