Sáng nay, lai dắt đốt hầm Thủ Thiêm

07/03/2010 01:32 GMT+7

Theo kế hoạch, đúng 7 giờ sáng nay, một phát pháo hiệu màu xanh sẽ được bắn để phát lệnh, chính thức lai dắt đốt hầm số 1, trong tổng số 4 đốt của hầm dìm vượt sông Sài Gòn, rời khu vực bể đúc ở H.Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, để về vị trí lắp đặt tại TP.HCM.

Diễn tập thành công

Công tác lai dắt và dìm hầm đã được chuẩn bị kỹ lưỡng từ nhiều ngày trước. Đến sáng qua (6.3), đích thân ông Nguyễn Thành Tài, Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện công tác lai dắt, lắp đặt các đốt hầm dìm Thủ Thiêm đã đi khảo sát dọc sông Sài Gòn - Nhà Bè, từ bán đảo Bình Quới - Thanh Đa cho đến khu vực bể đúc các đốt hầm ở H.Nhơn Trạch, Đồng Nai.

Cũng trong sáng qua, công tác diễn tập lai dắt hầm đã được triển khai. Một chiếc xà lan 500 tấn giả định là đốt hầm, được 4 chiếc tàu kéo có công suất 3.500 mã lực (đội tàu lai dắt của Công ty tàu kéo Sriacha - Thái Lan) và 1 tàu kéo dự phòng công suất 2.900 mã lực lai dắt, cùng với 2 tàu đẩy cảnh giới và 5 ca nô cao tốc làm nhiệm vụ dẫn đường và cảnh giới từ bể đúc đến vị trí lắp đặt đốt hầm. Đoàn diễn tập xuất phát từ khu vực bể đúc lúc 9 giờ 15, đến khoảng 10 giờ 45 tới khu vực cầu Phú Mỹ (Q.7) và tới vị trí lắp đặt lúc gần 12 giờ cùng ngày. Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án Đại lộ Đông - Tây và Môi trường nước TP.HCM, cho biết, cuộc diễn tập đã thành công, thời gian hoàn tất sớm hơn kịch bản do kéo chiếc xà lan quá nhẹ. Về sức kéo của 4 chiếc tàu lai dắt, ông Lương Minh Phúc cho biết, nhà thầu đã có thư cam kết đảm bảo đủ sức kéo đốt hầm.

Đoàn lai dắt diễn tập vào sáng qua, chiếc xà lan 500 tấn được giả định là đốt hầm -  ảnh: Diệp Đức Minh


Chiều hôm qua, Thường trực Thành ủy và UBND TP.HCM đã có cuộc họp đánh giá cuộc diễn tập, đồng thời rút kinh nghiệm để chuẩn bị tốt công tác lai dắt chính thức vào sáng nay. Ông Nguyễn Thành Tài cho biết, trong buổi diễn tập, các lực lượng tham gia rất phấn chấn và làm việc có trách nhiệm; các quy định về kỹ thuật, thông tin liên lạc đã được triển khai rất nghiêm túc, chặt chẽ. Tuy nhiên, ông Tài lưu ý, tại cuộc diễn tập, đoàn lai dắt kéo chiếc xà lan chỉ có 500 tấn, so với đốt hầm sẽ được kéo nặng 27.000 - 28.000 tấn, lại còn có các tháp định vị cao đến 26m, do vậy lực cản sẽ lớn hơn rất nhiều so với diễn tập bằng chiếc xà lan.

Tạm ngưng lưu thông cầu Phú Mỹ trong 1 giờ

Ông Nguyễn Thành Tài cũng lưu ý có 2 vị trí khó khăn trên hành trình lai dắt là khu vực ngã ba Đèn Đỏ và khu vực cầu Phú Mỹ, vì qua đoạn sông cong và hẹp. Đặc biệt là khu vực cầu Phú Mỹ, người dân có thể tập trung rất đông để xem, có thể sẽ không an toàn. Trước lo ngại của ông Tài, trong cuộc họp chiều hôm qua, Chủ tịch UBND TP, ông Lê Hoàng Quân đã chỉ đạo Sở Giao thông vận tải triển khai việc tạm ngưng lưu thông qua cầu này, trong thời gian từ 9-10 giờ sáng nay (thời điểm đoàn lai dắt đi ngang qua khu vực cầu Phú Mỹ). Trên cầu chỉ có phóng viên báo chí được phép lên để ghi hình, chụp ảnh. Ông Nguyễn Văn Đua, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM nhắc nhở các địa phương quản lý chặt chẽ các phương tiện thủy hoạt động trên địa bàn, không để những chiếc thuyền, ghe, đò ngang đi vào khu vực lai dắt.

Đại diện Công ty hoa tiêu khu vực 1 cho biết, thời tiết ngày lai dắt được dự báo là rất tốt, thủy triều sẽ rất thuận lợi, dòng chảy nhẹ. Tuy nhiên, vào giờ xuất phát lúc 7 giờ sáng, tại khu vực bể đúc thủy triều đang lên, nên dòng chảy sẽ hơi mạnh, nhưng khi vào đến Thủ Thiêm thì dòng chảy sẽ êm, thuận lợi cho việc xoay đốt hầm đúng vào vị trí neo đậu và dìm xuống đáy sông. Trên tháp chỉ huy đoàn lai dắt, sẽ có một thuyền trưởng và một hoa tiêu tổng chỉ huy, trong đó chỉ huy hoa tiêu được chọn là một hoa tiêu giỏi, đã từng thực hiện lai dắt thành công cần cẩu của Cảng SPCT vào khu vực Hiệp Phước, Nhà Bè.

Về việc quay phim tư liệu, máy bay trực thăng của Sư đoàn 370 sẽ cất cánh vào sáng sớm hôm nay, chỉ chở đoàn quay phim của Đài truyền hình TP.HCM tác nghiệp và các chuyên gia tư vấn, theo chỉ đạo của UBND TP. Đối với việc quay phim tư liệu dưới nước, theo ông Lương Minh Phúc, lực lượng cứu hộ của Công ty cầu phà TP.HCM đã quay thử nhưng không đạt yêu cầu do nước quá đục, đồng thời phía nhà thầu cũng lo ngại việc quay phim dưới nước sẽ không an toàn trong quá trình lắp đặt đốt hầm dưới lòng sông. 

Đốt hầm dài 92,4m, rộng 33,3m, cao 9,1m, nặng 27.000 - 28.000 tấn sẽ được 4 chiếc tàu kéo chính, cùng một đoàn "hộ tống" của các lực lượng chức năng, tiến hành việc lai dắt về khu vực Mỹ Cảnh - Thủ Thiêm (Q.1 và Q.2). Cơ quan chức năng đã nghiên cứu con nước, chọn ngày 7.3 (nhằm ngày 22 tháng giêng âm lịch), là ngày có dòng chảy yếu để lai dắt đốt hầm.

Trên hành trình dài 22 km lai dắt đốt hầm được chia thành 2 phân đoạn: Đoạn 1 từ bể đúc ở H.Nhơn Trạch, Đồng Nai đến ngã ba sông Sài Gòn (ngã ba Đèn Đỏ) luồng khá rộng, nên vận tốc di chuyển dự kiến là 3 hải lý/giờ (5,5 km/giờ); đoạn 2 từ ngã ba sông Sài Gòn về vị trí lắp đặt hầm ở khu vực Mỹ Cảnh - Thủ Thiêm (Q.1, Q.2) luồng hẹp, có nhiều đoạn bờ sông uốn cong, vận tốc di chuyển chậm lại, chỉ khoảng 2 hải lý/giờ (3,7 km/giờ). Ông Lương Minh Phúc cho biết, thời gian dự kiến kéo một đốt hầm từ vị trí bể đúc đến nơi lắp đặt từ 6-9 giờ. Nhà thầu sẽ mất 29 ngày tiếp theo để lắp đặt đốt hầm ở độ sâu 27m.

Mai Vọng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.