Chợ nước trên sông

20/03/2010 18:05 GMT+7

Nắng hạn triền miên kéo theo hàng loạt những hệ lụy của nó đang là chuyện thời sự của người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trong số đó, nước trở thành mặt hàng bán... chạy nhất.

Chợ nước đầu mối

Tờ mờ sáng. Một khúc sông ngoại vi thị trấn Kiên Lương (Kiên Giang) đã rực đèn. Tấp nập tàu ghe ra vào, rôm rả cười nói, tiếng máy nổ và nước chảy xành xạch… báo hiệu một phiên chợ bắt đầu. Từ lâu, người ta coi đây là phiên “chợ nước đầu mối”, cung cấp nước ngọt cho cả một vùng rộng từ Kiên Lương, Hà Tiên đến Giang Thành, những nơi “mưa vài hôm đã khát”. Liên tục một, hai, mười, hai mươi… hàng chục chiếc ghe đủ loại từ vài tấn đến vài chục tấn cặp “chợ”. Tất cả ghe vào đều nổi mà vài mươi phút sau lại ra khẳm. Hàng được lấy từ một khu hồ rộng qua trạm xử lý và từ đây được chuyên chở đi khắp nơi, chiếc ngược ra hướng biển, chiếc xuôi về hướng Tám Ngàn, chiếc dọc qua hướng Hà Giang… theo những con đường được vẽ sẵn và những xóm dân quen thuộc, những khách hàng cố định. Nơi nước ngọt đang là mặt hàng khan hiếm.

Chúng tôi gặp ông Nguyễn Văn Mách (tổ 10, ấp Hòa Lập, thị trấn Kiên Lương) lúc ông đang chạy chiếc ghe cũ kỹ chở khẳm nước cặp lại cống Ba Hòn. Bên kia cống, phía sông đổ ra biển đã có ghe bạn hàng chờ sẵn. Ông Mách nói lúc trước gia đình ông kinh tế cũng khó khăn lắm. Năm 1990, ông mua lại được chiếc ghe cũ máy dầu D22 của một người quen chuyên chở lúa. Ngay mùa nắng gắt, đi đâu cũng nghe người ta than vãn chuyện thiếu nước, nghĩ “mùa này hàng chạy nhất không phải là gạo hay cá mắm mà là nước”. Thế là ông chuyển nghề. Về sửa lại chiếc ghe chở lúa, trét chai, lấp vò rồi đi tìm những hồ nước sạch để mua nước bán lại. Không bao lâu, bạn hàng của ông Mách không chỉ là cư dân của những xóm nhập cư, vùng xa xôi hẻo lánh, mà còn mở rộng ra cho các tàu đánh cá… Đến khi cống Ba Hòn ngăn đôi đoạn sông, ông Mách không chở từng chuyến nước ngọt bán lẻ mà là bán sỉ cho các ghe phía ngoài cống. Trong số bạn hàng thường xuyên của ông Mách là vợ chồng bà Đỗ Thị Lệ. Hằng ngày, bà Lệ mua nước từ các ghe phía trong cống rồi đi bán lẻ lại cho các tàu đánh cá, có khi rong ruổi đến các xóm dân cư ven biển. Bà nói, ngay tại xóm dân ở Ba Hòn bà đã có hàng trăm khách hàng. Mỗi ngày, chiếc ghe 15m3 nước của bà phải chở nhiều chuyến mới đủ cung cấp cho nhu cầu của xóm dân ở đây.

Ngoài bà Lệ, tại khu vực Ba Hòn còn có nhiều ghe khác chuyên lấy nước từ các ghe bán sỉ bên trong và chở đi bán lẻ khắp nơi. Nhiều lái nước ngọt đã làm ăn lâu năm, có khách hàng ổn định thì đi gần, còn những người buôn nước ngọt mới vào nghề thì phải đi xa hơn, và dĩ nhiên giá nước bán ra cũng cao hơn. Anh Ngô Trung Hiếu, một lái nước ngọt lâu năm kể: Hằng ngày cứ 3 giờ sáng anh lấy nước tại hồ rồi chạy dọc về Hà Giang. Bình quân mỗi ngày, chiếc ghe chở 13 khối nước của anh đi 1, 2 chuyến, những lúc nắng gắt, người ta gọi nhiều thì anh phải đi nhiều chuyến hơn. Mỗi khối nước ngọt từ “chợ đầu mối” đến khi bán lẻ chênh lệch giá 19.000 đồng. Vì buôn nước ngọt mùa này có lời cao, nên chỉ tính khu vực Hòa Giang (xã Hòa Điền, Kiên Lương) đã có trên chục gia đình đóng ghe chở nước ngọt đi bán.


Nước được bơm trực tiếp vào khoang chứa ở các ghe để chở đi bán - Ảnh: Tiến Trình

Siêu lợi nhuận

Các bản tin dự báo thời tiết đều loan báo mùa khô năm nay nắng hạn sẽ gay gắt, kéo dài. Điều đó đồng nghĩa với danh sách những vùng bị thiếu nước, các hộ dân bị thiếu nước càng dài thêm. Thị trường nước ngọt vì thế đã nóng càng thêm nóng. Và vì hút hàng, nên giá nước qua mỗi chuyến ghe cũng tăng lên. Như hôm ông Mách mua nước ở hồ chứa tại Nhà máy xi măng Hà Tiên 2, giá 6.000 đồng/m3, chở vài cây số tới cống Ba Hòn, ông bán lại cho bạn hàng bán lẻ 11.000 đồng. Từ các tay bán lẻ, giá nước cũng được thổi lên: 20.000 đồng, 25.000 đồng, thậm chí 30.000, 40.000 đồng khi đến với người xài, tùy theo đoạn đường vận chuyển và độ… khan hiếm. Với giá cả như vậy, rõ ràng buôn nước ngọt đang là mặt hàng siêu lợi nhuận, các mặt hàng thiết yếu khác như gạo, muối, cá mắm, xăng dầu… cánh lái buôn còn mơ mới có lợi nhuận như vậy.

Ở những vùng hạn hán đi qua, người dân đang ở trong hai hoàn cảnh khác nhau. Người may mắn có ghe đã được thời hốt bạc, số đông khác chưa hẳn kinh tế đã khá hơn, thậm chí những người nghèo đang phải lo toan cái ăn từng bữa lại phải gồng gánh khoản chi cho nước sinh hoạt, khó khăn vì thế càng thêm chồng chất.

Tuy cùng làm nghề chở nước, nhưng tại chợ nước này, các ghe đều có hình dáng, trọng tải khác nhau. Một lái nước ngọt cho biết, tất cả các ghe đều không phải thiết kế để chở nước mà là chở các mặt hàng khác. Mùa nắng, khi nước hút hàng, nhiều chủ ghe chuyển sang chở nước. Trên mỗi ghe nước đều có trang bị 2 máy: 1 ở đuôi ghe và 1 ở đầu ghe làm nhiệm vụ bơm nước.

Mùa nắng càng khắc nghiệt, mặt hàng nước ngọt bán chạy như tôm tươi. Nhiều chủ ghe chở lúa, cát đá, vật liệu xây dựng, tôm cá… hết mùa cũng chuyển qua buôn nước ngọt. Một lái nước ngọt “thời vụ” nói rằng mùa này buôn bán gì còn sợ ế chứ nước ngọt thì bảo đảm, đồng lời lại thấy trước, nên dù mùa lúa vào vụ đông, anh cũng từ nghề hàng xáo chuyển sang lái nước, “nhưng chỉ làm từ đây tới tháng 5 thôi, mùa mưa xuống tôi sẽ chuyển ghe chở hàng khác”.

Mùa nắng năm nào cũng vậy, khi nước ngọt trở thành nhu cầu bức bách của nhiều nơi trong khu vực ĐBSCL. Nơi vài tháng trước, nước thượng nguồn tràn về thành lũ, người dân lắm phen khổ sở, thì mùa nắng lại càng khổ hơn vì khan hiếm nước. Trong khi ao hồ cạn kiệt, không thể khoan giếng ngầm, chính quyền chưa thể lo được nước sinh hoạt cho dân, thì các ghe buôn đã nhanh chóng mang lại nguồn nước dùng duy nhất cho nhiều xóm dân.

Và vì quá cần nước ngọt, nên khi có nước tới nhà, khách hàng cũng không quá khắt khe đến chất lượng. Một vài chủ ghe kỹ tính, trước khi bơm nước vào ghe thì lót thêm tấm bạt để tránh bụi bẩn, còn phần lớn nước được bơm trực tiếp vào đầy khoang ghe rồi cứ thế chở đi. Mùa nắng khắc nghiệt, khi nước ngọt ngày càng khan hiếm thì khách hàng cũng chẳng ai phàn nàn chuyện nước có sạch hay không và sạch đến mức nào. Nên dù nước từ khoang ghe có màu xanh rêu hay thậm chí đục ngầu cũng chẳng nghe lái nào than là nước bị chê.

Giá nước trên... trời

Nhiều nơi trong khu vực ĐBSCL, giá nước đã nhích lên từng ngày. Tại ấp Bà Lý (xã Mỹ Đức, thị xã Hà Tiên, Kiên Giang), vùng quanh năm thiếu nước sạch, mùa này giá nước người dân đến tận các giếng bơm nước ngầm để chở về từng can nhựa, giá đã trên 30.000 đồng/m3. Thế nhưng, bao nhiêu cũng không thể bì được với giá nước ngọt ở các đảo trên vùng biển Tây. Khó khăn như tại quần đảo Nam Du (H.Kiên Hải, Kiên Giang), ông Huỳnh Văn Lời, Phó chủ tịch UBND xã đảo An Sơn cho biết nước trên các đảo ở đây đã “chồm” lên ở mức 25.000 đồng/phuy 200 lít. Trong khi nước từ đảo Củ Chon chở qua rất xa thì hồ nước có sức chứa 30.000 mét khối trên đảo Hòn Lớn, trung tâm xã xây dựng đã trên 10 năm vẫn chưa xong. Theo nhận định của nhiều người dân, cứ tình hình nắng hạn như thế này thì giá nước ngọt sẽ còn lên cao. Ông Nguyễn Trường Vũ, Bí thư xã Thổ Châu (quần đảo Thổ Chu, Phú Quốc, Kiên Giang) cho biết, các giếng khơi ở đây đã cạn kiệt, và 474 hộ dân trên đảo đang đối diện với cảnh thiếu nước. Trên đảo có một vài hộ xây được hồ chứa nước ngọt đã bán ra thị trường với giá 5.000 đồng/can 30 lít. Nhưng mùa khô năm nay kéo dài, chưa biết sắp tới, giá nước còn lập “kỷ lục” mới là bao nhiêu.

Trong khi đó, tại xã Biển Bạch (H.Thới Bình, Cà Mau), xã đã lập kỷ lục với trên 600 giếng nước ngầm bị… bỏ không vì không thể sử dụng (có mùi hôi hoặc bị nhiễm mặn), người dân cũng đang trong cảnh thiếu nước ngọt trầm trọng. Ông Trần Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã cho biết, giá nước các ghe lái chở trên các tuyến sông ở đây bán với giá 10.000 đồng/kiệu chứa 10 đôi.

Tiến Trình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.