Viktor Vekselberg - Người chinh phục Điện Kremlin

10/04/2010 17:00 GMT+7

(TNTS) Vào cuối tháng 3.2010, Tổng thống Nga Dmitri Medvedev đã phê chuẩn quyết định bổ nhiệm tỉ phú Viktor Vekselberg làm chủ đầu tư Trung tâm phần mềm ở Shkolkovo (tương tự Thung lũng Silicon của Mỹ) ở ngoại ô Moscow. Đây là quyết định khá bất ngờ, nhưng có vẻ hợp lý.

Cùng với nhiều tỉ phú Nga, Viktor Vekselberg được báo chí “chăm sóc” khá kỹ, nhưng khác với họ, tin tức về ông ít khi bị đồn thổi. Việc này có nhiều nguyên nhân: Tài sản cá nhân của ông không nhiều bằng Roman Abrammovich, Mikhail Prokhorov, Vladimir Potanin hay Mikhail Fridman. Hay ông dường như không tham chính và là người nghiêm túc, hầu như không gây scandal. Tuy thế, số phận, cách thức lập nghiệp của Vekselberg, các tư duy trong kinh doanh và những sở thích cá nhân của ông quả là đáng cho báo giới quan tâm. Khi nhà nước Nga tiến hành đầu tư, xây dựng Trung tâm phần mềm ở Shkolkovo, nhiều cái tên được xướng lên như Prokhorov, Fridman, nhưng cuối cùng lại là Vekselberg.

Đứa con đa sắc tộc

Viktor Vekselberg sinh ngày 14.4.1957, tại Ukraina, trong một gia đình có bố là người Do Thái, còn mẹ là người Ukraina. Do họ hàng thân thích phía bên người bố hầu hết bị chết trong Thế chiến II, nên Vekselberg hầu như không có mối liên hệ mật thiết với cộng đồng Do Thái ở Ukraina cũng như ở Nga. Theo thừa nhận của tỉ phú này, ngay từ nhỏ ông đã cảm thấy lạ lùng với thân phận của mình nếu nhìn nhận từ góc độ cội nguồn dân tộc. Từ một phía, người Do Thái không thừa nhận hoàn toàn Vekselberg, bởi mẹ ông là người Ukraina, ngược lại người Ukraina và cả người Nga không coi Vekselberg là dân Xô Viết chính cống vì có bố là người Do Thái. 

Cách nhìn nhận như trên đã tác động vào Vekselberg, nên ngay từ ấu thơ cậu bé mang 2 dòng máu này ý thức được rằng, chỉ có thể tự thân khi muốn thực hiện điều gì đó. Nghĩ thế, nên Vekselberg lao vào học hành. Suốt những năm học phổ thông cậu luôn là học sinh xuất sắc. Năm 1979, chàng sinh viên Vekselberg nhận bằng Đỏ (xuất sắc - PV) khi tốt nghiệp khoa Tự động hóa và Tin học Đại học đường sắt Moscow - MIIT.

Tài năng của Vekselberg được các giáo sư để ý và người ta đồng ý để anh bảo vệ luận án phó tiến sĩ tại Trung tâm máy tính Viện khoa học Hàn Lâm Liên Xô. Sự nghiệp khoa học của chàng trai trẻ thăng tiến thuận lợi: Vào cuối những năm 1980, Vekselberg đã là trưởng phòng thí nghiệm của Trung tâm thiết kế đặc biệt “Connas”. Tuy nhiên Vekselberg sớm nhận thấy, sự thay đổi trong  nền tảng chính trị - xã hội cũng như trong kinh tế của Liên Xô khi đó không đảm bảo tương lai cho hoạt động khoa học, cả về đời sống vật chất cũng như tinh thần, nên ông chuyển sang hướng đi khác: Kinh doanh.


Một quả trứng trong bộ sưu tập trứng phục sinh Fabergé - Ảnh: Artinvestment

Tỉ phú đa ngành nghề  

Chuyển hướng sang kinh doanh, vào cuối thập niên 1980, Vekselberg thành lập hãng riêng, chuyên mua bán quặng nhôm và đồng để xuất khẩu. Khi đó, Liên Xô thường bán quặng thô nên giá trị thấp, nhưng với Vekselberg thì khác. Sau khi mua quặng thô, Vekselberg xử lý xong rồi mới bán ra nước ngoài, lợi nhuận đạt hàng trăm phần trăm. Tuy kinh doanh có  quy mô nhỏ, nhưng việc này giúp cho nhà tỉ phú tương lai tích lũy số vốn cần thiết để bước vào “cuộc chơi lớn” sau này.

Vào năm 1987, khi còn là cán bộ nhà nước, Vekselberg sang Mỹ dự một hội thảo khoa học. Tại đó ông gặp người bạn học từ thời ở MITT là Leonit Blavatnic, vốn đã định cư ở Mỹ được vài năm. Hai người thường xuyên trao đổi, hợp tác các ý tưởng kinh doanh và đến năm 1991 cùng nhau thành lập Hãng Renova, chuyên mua máy vi tính tại Mỹ đem về Liên Xô (sau này là Nga) để đổi cổ phiếu của các nhà máy, xí nghiệp đang được cổ phần hóa. Chỉ sau một thời gian ngắn, bằng cách này Vekselberg cùng Blavatnic nắm quyền kiểm soát nhà máy sản xuất nhôm ở Irkutsk (1993); Nhà máy sản xuất nhôm ở Ural (1996), rồi thành lập tập đoàn sản xuất nhôm Trung Ural (SUAL). Năm 1997, Vekselberg tiến thêm bước nữa là nắm quyền khai thác mỏ bô xít lớn nhất của Nga tại vùng Timansk. Tựu trung, hiện tập đoàn khai khoáng và luyện kim của Vekselberg bao gồm nhiều nhà máy với đủ chức năng từ khai thác nguyên liệu thô đến luyện kim màu, rồi xuất khẩu. Người ta bảo, trong các tỉ phú Nga, có lẽ Vekselberg là người đầu tư vào nhiều lĩnh vực nhất. Ngoài khai khoáng, luyện kim, ông còn có 12% cổ phiếu tại tập đoàn dầu khí TNK - BR, đứng thứ 3 về trữ lượng dầu khí của Nga. Ngoài ra, còn kiểm soát nhiều tổ hợp hóa học, tập đoàn điện, các nhà máy sản xuất máy móc công nghiệp, kênh truyền hình cáp Moscow CableCom, hãng máy tính Oerlikon, tập đoàn xây dựng Renova - Story, hãng dược phẩm Natur Produkt Holdings … Hiện tài sản của Vekselberg khó có thể đánh giá chính xác, Forbes khi thì đưa ra con số 2 tỉ USD, lúc lại là 5 tỉ USD. Riêng theo số liệu của tạp chí Tài chính, Nga năm 2010, thì vị tỉ phú này có 8 tỉ USD.

Tay chơi nghệ thuật 

Giàu có, nắm nhiều lĩnh vực then chốt trong nền kinh tế Nga, nhưng Vekselberg lại được người dân Nga và thế giới biết đến nhiều hơn với tư cách là tay chơi nghệ thuật. Vào tháng 2.2004, tất cả báo chí Nga và thế giới đều đưa tin trên trang nhất: Bộ sưu tập trứng Phục sinh Peter Carl Fabergé của Sa Hoàng trở về nước Nga. Đây cũng là lần đầu tiên cả thế giới biết đến cái tên Vekselberg, người đã bỏ ra hơn 100 triệu USD để  mua bộ sưu tập gồm 9 trái trứng tại nhà đấu giá Sothebys, New York.  

Bộ sưu tập trứng Phục sinh Fabergé cực kỳ có giá trị (cả về lịch sử, văn hóa lẫn tài chính). Sa hoàng Alexander III và Nicholas II đặt nhà kim hoàn lừng danh Carl Fabergé những trái trứng này để làm quà Phục sinh hằng năm cho nữ hoàng Maria và nữ hoàng Alexandra. Chẳng hạn, một trong số đó là quả trứng “Mùa đông” do Nicholas II tặng cho mẹ của ông - Maria, gắn 3.000 viên kim cương, được bán với giá 5,6 triệu USD vào năm 1994 và được bán lại vào năm 2002 giá 9,6 triệu USD. 

Vekselberg mua 9 trái trứng này không để cho mình mà hiến tặng cho nước Nga. Điều đáng nói vào năm 2004 ấy, Vekselberg chưa giàu có như bây giờ, nên có thể nói ông phải bỏ ra một phần không nhỏ tài sản cá nhân của mình để sở hữu bộ sưu tập trứng. Nhìn nhận con người và tính cách của Vekselberg, có thể thấy ông tặng nước Nga bộ sưu tập có một không hai này vì tình yêu quê hương xứ sở chứ không phải để đánh bóng tên tuổi mình. Có lẽ chính vì thế mà Vekselberg đã chinh phục được nước Nga nói chung và điện Kremlin nói riêng.

Khá điềm đạm, rất kín tiếng, có đời sống gia đình hạnh phúc với vợ và hai người con, Vekselberg đang có những bước đi tỉnh táo, vững chắc trong sự nghiệp. Có lẽ chính vì điều đó mà ông Dmitri Medvedev giao Trung tâm phần mềm ở Shkolkovo cho Vekselberg chứ không phải các tỉ phú Nga giàu có, nhưng không ít scandal khác. Một cơ sở khoa học quyết định cả một nền công nghệ của Nga trong tương lai, cần phải được trao vào bàn tay tin cẩn, có tình yêu nước từ cội nguồn.

Phong Trần

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.