Cơn sốt iDosing

28/08/2010 16:42 GMT+7

Những ngày này, cư dân mạng nói riêng và giới trẻ nói chung phát sốt khi có tin đồn về một loại nhạc có thể gây nghiện mang tên iDosing.

Tại một điểm dịch vụ internet trên đường Thành Thái (P.14, Q.10, TP.HCM), các cư dân mạng đang kháo nhau và cùng tìm kiếm các đoạn nhạc iDosing trên các website trong và ngoài nước. "Đây là loại nhạc hot nhất hiện nay. Em vừa tải xong 3 ca khúc, nghe cũng thú vị lắm", một bạn tên Trung vừa nói vừa nhắm mắt như đắm chìm vào đoạn nhạc ấy. Theo quan sát, trên các website mà các cư dân mạng này tìm kiếm, có rất nhiều website đăng tải về chủ đề iDosing, hướng dẫn cách nghe iDosing, dạy cách làm thế nào để có thể "phê" nhạc iDosing...

Theo lời Trung, cách đây vài hôm, nghe lời giới thiệu của một người bạn về iDosing, bạn đã tò mò nghe thử. "Mấy bữa thường tụ tập ở quán khác, nhưng vì nghe iDosing cần có không gian kín, có tai nghe vừa vặn, âm thanh to nên tìm đến quán này vì đáp ứng được yêu cầu", Trung cho biết. Trung cũng là người khai mào dòng nhạc lạ này cho các bạn trẻ tại đây. "Hai ngày nay, đứa nào vào quán cũng chỉ tìm các đoạn nhạc iDosing mà nghe. Trên các mạng xã hội như Facebook, Blog, Youtube… có rất nhiều đoạn nhạc iDosing. Nếu muốn thay đổi thì tìm tải các đoạn khác trên các trang nước ngoài". Trung cũng tỏ ra kinh nghiệm: "Nghe iDosing có cảm giác rất lạ. Nhiều người tại quán cũng nhận xét như vậy về iDosing. Thậm chí có người bảo: mấy ngày nay nghe iDosing nên nghiện thật rồi”.

Những ảnh hưởng xấu

Chưa có một nghiên cứu cụ thể nhưng có những dấu hiệu cho thấy iDosing có tác dụng xấu đến tai của người nghe. Những sóng âm với tần số đập liên hồi, dừng lại hay tiếp diễn đột ngột trong một thời gian dài có thể khiến cho lớp màng nhĩ trong tai người bị tổn thương và hoàn toàn có thể dẫn tới triệu chứng rối loạn tiền đình. Thậm chí ngay cả khi không thưởng thức iDosing, họ cũng có thể rơi vào trạng thái ảo giác về sự di chuyển của môi trường xung quanh hoặc bản thân, thường là cảm giác xoay tròn hoặc bập bềnh, rất dễ khiến người ta quỵ ngã.

Bên cạnh chứng mất thăng bằng, người ta cũng ghi nhận hàng loạt triệu chứng của những người "nghiện" iDosing, đó là thường xuyên rơi vào trạng thái buồn chán, u sầu, đau nửa đầu hay chói và ù tai.

 Nhiều người đã biết đến ca khúc Gloomy Sunday được nhạc sĩ Reszo sáng tác vào một ngày chủ nhật ảm đạm tháng 12.1932. Ban đầu bài hát là một tình khúc kể về một tình yêu đã mất nhưng nhanh chóng người ta đã coi đây là một bài hát ma quỷ, một "tử khúc" khi có đến trên dưới 100 ca tự tử có liên quan trực tiếp đến bài hát. Giai điệu và ca từ bài hát lạ lùng và quá buồn thảm khiến tâm trí người nghe trở nên u uất, buồn chán, thậm chí không còn thiết sống trên cõi đời này. Sau khi đĩa nhạc được phát trên sóng phát thanh, người ta đã chứng kiến hàng loạt trường hợp tự tử mà trên tay vẫn cầm lời ca khúc Gloomy Sunday. Bản thân người sáng tác, nhạc sĩ Reszo cũng tự tử vào năm 1968.

Bài hát này cũng đã được các bạn trẻ Việt Nam truyền nhau nghe, và hầu hết mọi người nhận xét rằng nó "rất bình thường", "chả có gì phải tự tử cả". Cũng giống như iDosing vậy. Thế nhưng, sự kích thích đến từ những bài hát sẽ khác nhau khi bạn ở trong tâm thế khác nhau. Chính vì vậy, khi có những chuyện đau buồn, chán nản, mọi người không nên nghe những bản nhạc có khả năng tác động đến trí não như iDosing.

Có thể nói, iDosing cũng giống như các trào lưu từ nước ngoài khác đang sống và phát triển mạnh mẽ trong giới trẻ. Đã gọi là trào lưu tức là có sự hình thành, phát triển và thoái trào. Tuy nhiên, các bạn trẻ cần hết sức tỉnh táo và có một cái nhìn đúng đắn về bản chất và hậu quả sự việc, tránh rơi vào tình trạng a dua, chạy theo cám dỗ, tò mò để đến lúc không thể dứt ra được.

iDosing là gì?

Năm 1975, Robert Monroe lần đầu tiên đăng ký một số bằng sáng chế liên quan đến kỹ thuật âm thanh được thiết kế để kích thích chức năng não cho đến khi bán cầu trái và phải trở nên đồng bộ.

Monroe cho rằng tình trạng này, còn gọi là hemi-sync (bán cầu đồng bộ hóa), có thể được sử dụng để thúc đẩy thần kinh hoặc gây ra trạng thái biến đổi của ý thức. iDosing cũng dựa trên kỹ thuật này để tác động lên não bộ. Một bản iDosing sẽ có những nhịp sóng âm lặp đi lặp lại, phát ra song song ở 2 tần số gần tương tự nhau. Thế nhưng, tác động của iDosing chưa mạnh đến mức người nghe rơi vào tình trạng hemi-sync.

Khảo sát cho thấy không dưới 90% các lời bình luận trên diễn đàn đều cho biết họ hoàn toàn không cảm thấy có một sự lôi cuốn nào từ iDosing. Mọi người thường sử dụng những từ ngữ như "nhát ma", "đinh tai nhức óc", "nhàm chán", "chả có gì hay", "nghe Death metal còn hơn"… để đánh giá về iDosing. Nhưng hầu hết những người này đều nghe "không đúng cách". Nghĩa là họ không ở một mình, không đeo tai nghe, không bịt mắt, không trói tay hay không trùm chăn lên người… Trà My, 19 tuổi chia sẻ: "Quả thật nghe mọi người nói mình cũng hơi sợ, nhỡ nghiện thì chết! Thế nên mình chỉ dám mở và nghe như nhạc bình thường thôi. Và lúc mình nghe phải có vài bạn khác ở bên".

Một số ít bạn khác dám thử và cũng thừa nhận rằng có những lúc bị cuốn theo bản nhạc. Lê Phong, 21 tuổi tâm sự: "Đã có lúc mình cảm thấy rất phê, như lạc vào một thế giới hoàn toàn khác vậy!".

Trong khi chờ đợi những lý giải chính xác từ khoa học, một số nhà tâm lý cho rằng tất cả chỉ xuất phát từ tâm lý a dua, "tự đánh lừa bản thân" của không ít các bạn trẻ khiến iDosing trở thành một thú chơi thời thượng.

Nguyễn Thanh Nam - Tào Thanh Huyền  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.