Vượt rừng cứu dân

19/10/2010 14:53 GMT+7

(TNO) Đang bận bịu với việc chuyển hàng cứu trợ lên xe, chúng tôi thấy một người đàn ông lui cui đi đi lại lại, hỏi ra mới biết, ông là Nguyễn Chí Sĩ - Bí thư xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình.

Ông Sĩ vừa cắt rừng, tìm đường xuống huyện để báo cáo tình hình và xin "viện trợ". Ông cũng là người đầu tiên ở bản của đồng bào A Rem và Vân Kiều... xuống đồng bằng trong cơn lũ.

Ông Sĩ cho biết 3 ngày qua, 71 hộ dân với 307 nhân khẩu đồng bào dân tộc thiểu số A Rem và Vân Kiều ở xã bị cô lập do trận lũ lớn thứ hai liên tiếp trong tháng 10.

Bản Đoòng, nơi 7 hộ, 32 đồng bào Vân Kiều sinh sống ngay trong vùng lõi rừng Phong Nha-Kẻ Bàng đã bị lũ xóa trắng nhà cửa, rất may bà con kịp leo lên cây và đu bám chờ lũ quét đi qua nên không thiệt hại về người. Trận lũ quét đã xóa trắng bản.

Bản Đoòng là nơi chính quyền nhiều lần tính chuyện di dời vì họ ở quá biệt lập lại giữa vùng rừng cấm nhưng vẫn chưa thể làm được vì người dân chưa đồng thuận về chỗ ở mới.

Cách đó khoảng 70km đường rừng, 64 hộ gia đình của người dân tộc A Rem với 307 nhân khẩu cũng bị lốc xoáy tàn phá, nhà cửa xiêu vẹo, 35 ha lúa và hoa màu hư hại hoàn toàn.

Trước mắt, người Vân Kiều và A Rem sống tạm trong các lều bạt trên đường 20, họ đang thiếu cả cái ăn, quần áo, chăn màn và thuốc chữa bệnh thông thường sau lũ.

Để cứu trợ cho bà con, cơ quan chức năng huyện Bố Trạch tìm mọi cách tiếp tế cho người dân 9 tạ gạo, 40 thùng mì tôm, 3 thùng lương khô, 1 tạ muối, một ít nước uống và thuốc chống sốt rét, cảm cúm…

Dù vậy, số hàng này chỉ có thể tập kết tại lán trại dựng tạm ở km 35 trên đường 20 chứ không thể đi tiếp vào trong bản Đoòng do đường lầy lội và nước vẫn còn cao ngang ngực.

Sáng 18.10, ông Sĩ dẫn theo một số người trong bản cắt rừng gần 10km ra gùi hàng vào bản. Tuy nhiên, đường gập ghềnh, sức gùi không đáng kể nên số hàng mang được về bản chỉ như "muối bỏ bể" so với thiếu thốn trăm bề của bà con.

Trước tình hình đó, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã hỗ trợ 5 tấn gạo, huyện cấp kinh phí đủ thuê một chiếc Zin 3 cầu chở lên.

Ông Sĩ cũng đã đến Tỉnh Đoàn, Hội LHTN tỉnh để xin thêm áo quần, chăn màn và xoong nồi để bà con có thể sống tạm qua ngày chờ lũ xuống.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cấp cho một lều bạt để làm phòng học tạm cho học sinh đang trú tại đường 20. Những thứ đó được chất hết lên chiếc Zin 3 cầu vượt đường rừng chở theo hy vọng của bà con.

Nguyễn Thế Thịnh - Nguyễn Tú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.