Chi phí hằng ngày: 200 triệu USD?

09/11/2010 08:12 GMT+7

Trước khi Tổng thống Barack Obama dẫn phái đoàn Mỹ 2.000 người đi Ấn Độ, một số nghị sĩ Mỹ đã chỉ trích ông Obama vung tiền qua cửa sổ.

Dựa theo nguồn tin của đài truyền hình Ấn Độ NDTV, bà hạ nghị sĩ Michele Bachmann, đêm 3-11, lên đài truyền hình CNN  tố cáo: “Ông (Obama) dẫn theo 2.000 người. Ông ta mướn hơn 870 phòng khách sạn ở Ấn Độ, toàn  hạng sang của các  khách sạn 5 sao. 200 triệu USD/ngày là tiền của người Mỹ đóng thuế. Đó là một kiểu vung tiền qua cửa sổ”.

Phóng đại quá đáng
 
Phản ứng của bà Michele Bachmann làm Tommy Vietor, người phát ngôn Nhà Trắng, nóng mặt. Ông Vietor khẳng định rằng  số tiền ước tính mà một quan chức Ấn Độ nói với NDTV là “vô căn cứ” và “phóng đại quá đáng”. Tuy nhiên, ông viện lý do an ninh để từ chối đưa ra một con số cụ thể.
 
Ông Vietor cũng cho biết số liệu của NDTV và hãng tin PTI về chuyện Nhà Trắng mướn khách sạn Taj Mahal Palace là sai bét. Ông khẳng định rằng Mỹ không mướn hết phòng của khách sạn này nhưng hỏi mướn cụ thể bao nhiêu phòng thì ông từ chối tiết lộ.
 
Trên internet, dân cư mạng cũng bàn tán rôm rả. Trang web Snopes.com lập luận rằng dẫu cho tin nói chuyện thuê mướn khách sạn là đúng và số người đi theo ông Obama là 3.000 người (bao gồm mật vụ, nhân viên chính phủ, nhà báo và doanh nhân) cũng đúng thì con số 200 triệu USD/ngày là khó tin.
 
Trong khi đó, trang web Factcheck.org phi đảng phái nói chi phí “khủng” hằng ngày của toàn bộ cuộc chiến chống khủng bố ở Afghanistan cũng chỉ có 190 triệu USD/ngày.
 
Phái đoàn ông Obama không thể chi  cao hơn mặc dù có tin đồn Bộ Quốc phòng để bảo vệ ông Obama huy động 34 tàu chiến, khoảng 40 máy bay các loại, trong đó riêng chuyên cơ của tổng thống, mà nội thất được so sánh ngang tầm du thuyền các tỉ phú Nga, ngốn mỗi giờ bay 50.000 USD (theo Daily Mail).

Xây lắp đường hầm nổi chống bom
 
Chiều 6-11, Tổng thống Obama và phu nhân đến thăm Mani Bhavan, tức nhà bảo tàng Mahatma Ghandi, ở Mumbai, trung tâm tài chính của Ấn Độ.
 
Theo hãng tin địa phương DNA, trước đó 6 ngày, mật vụ Mỹ cùng với quan chức cảnh sát và viên chức chính quyền Mumbai đi thị sát toàn bộ lộ trình để lên kế hoạch bảo vệ tổng thống Mỹ hiệu quả nhất.
 
Trong khi quan sát, người Mỹ  phát hiện có một cao ốc mà quân khủng bố có thể núp và khu phố quá đông đúc dân cư. Họ liền đưa ra một giải pháp làm các quan chức Ấn Độ kinh ngạc: Thiết lập một đường hầm nổi trên mặt đất có khả năng chống bom, rộng 3,6 m và cao 3,6 m, dài 1.000 m để phái đoàn của tổng thống an tâm di chuyển.
 
Trong đường hầm có bố trí máy lạnh, hệ thống camera an ninh, chốt gác dày đặc nhân viên an ninh. Bộ phận hậu cần Mỹ cam đoan kỹ sư Mỹ chỉ cần một giờ để xây lắp đường hầm. Nó cũng sẽ được tháo dỡ ngay sau khi tổng thống rời khỏi khu vực.
 
Trong khi tham quan bảo tàng lại có một mối đe dọa khác mà chính quyền địa phương không muốn làm hỏng chuyến thăm của khách quý. Đó là những quả dừa khô trên những cây dừa trồng chung quanh.
 
Năm nào cũng có sự cố dừa khô rớt trúng đầu khách tham quan nhà bảo tàng đồng thời cũng là nhà của ông Ghandi trong thời gian ông đấu tranh bất bạo động đòi thực dân Anh trao trả độc lập. Một số người bị chấn thương sọ não, thậm chí có người chết oan. Để tránh tai nạn từ trên trời rơi xuống này, tất cả dừa khô đã được hái xuống, theo lệnh của chính quyền.
 
Chống  khủng bố... khỉ
 
Tại thủ đô New Delhi, nơi Tổng thống Obama bắt đầu viếng thăm từ chiều chủ nhật, 7-11, chính quyền thành phố cũng đã tiến hành  xây dựng nhiều tháp canh cao khoảng 2,8 m chung quanh khách sạn ITC Mauriya, nơi ông bà Obama nghỉ ngơi.

 
 Khỉ đít đỏ trên đường phố New Delhi - Ảnh: Alamy

Những công trình kiến trúc dã chiến này nhằm đề phòng các nhóm  khủng bố Hồi giáo cực đoan, đặc biệt là nhóm Lashkar-e-Taiba ở tuốt bên Pakistan từng tiến hành một loạt vụ khủng bố kinh hoàng ở Mumbai cách đây 2 năm. Tháp canh cũng dùng  để phát hiện khỉ tấn công vào khách sạn.

Đội đặc nhiệm tinh nhuệ sẽ canh thường trực trên tháp, dùng ống nhòm xuyên bóng tối và đèn pha cực sáng để phát hiện những chuyển động đáng nghi của bọn khủng bố và của lũ khỉ.
 
Tờ The Hindustan Times cho biết khách sạn ITC Mauriya nằm gần rừng Ridge, vốn là “vương quốc” của lũ khỉ từng khủng bố người  dân thủ đô. Cho nên, lực lượng an ninh hỗn hợp Mỹ-Ấn  đã cho triển khai, ngoài nhân viên an ninh, lực lượng đặc nhiệm chống khủng bố vũ trang tận răng, thêm đội quân chuyên nghiệp bắt khỉ.
 
Chống khủng bố khỉ không hề là chuyện giỡn chơi. Đội quân khỉ đít đỏ, đông cả ngàn con sống trong rừng, từng quậy tưng văn phòng các cơ quan nhà nước, cắn nát  dây máy vi tính, tấn công những người mang thức ăn để cướp thực phẩm.
 
Báo chí địa phương đã nhiều lần yêu cầu chính quyền chấm dứt tình trạng quậy phá của lũ khỉ nhưng cơ quan công lực thường không mấy hào hứng với nhiệm vụ  này. Đơn giản bởi vì  người Ấn Độ tin tưởng rằng khỉ là hiện thân của thần Hanuman.
 
Năm 2007, đã xảy ra một vụ án mạng hy hữu liên quan đến khỉ: Ông S.S Bajwa, Phó Thị trưởng New Delhi, trèo qua cửa sổ văn phòng, nơi ông làm việc, khi bị lũ khỉ tấn công. Ông lỡ tay té xuống đất chết.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.