PGS-TS Diệp Công Thành: Giảng dạy là niềm đam mê

19/11/2010 00:40 GMT+7

Phó giáo sư - tiến sĩ Từ Diệp Công Thành - giảng viên bộ môn Cơ điện tử, khoa Cơ khí, trường ĐH Bách khoa TP.HCM - vừa được phong phó giáo sư ở tuổi 32.

Từ chối lương 130 triệu đồng

Tốt nghiệp ĐH loại giỏi trường ĐH Bách khoa TP.HCM ở tuổi 21, anh tiếp tục hoàn thành chương trình thạc sĩ tại trường. Với suất học bổng toàn phần, anh lấy bằng tiến sĩ tại ĐH Ulsan (Hàn Quốc) ở tuổi 27. Ngoài công việc giảng dạy, anh từng giữ chức Phó trưởng khoa Cơ khí, Trưởng ngành Cơ điện tử Việt Pháp tại trường.

Chỉ con đường này, tôi mới có thể liên tục truyền lại cho thế hệ sau những kiến thức mà mình đã học - PGS-TS Từ Diệp Công Thành

Từ chối rất nhiều lời mời với mức lương hấp dẫn gần 30 triệu đồng/tháng ở trong nước và 130 triệu đồng/tháng tại nước ngoài, anh chia sẻ: “Điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, mức lương hấp dẫn là những cám dỗ mà ai cũng phải cân nhắc khi lựa chọn. Tuy nhiên, tôi luôn ấp ủ những nghiên cứu để tạo ra các sản phẩm phục vụ trực tiếp xã hội ngay trên quê hương mình. Vì vậy, ngay khi tốt nghiệp tôi đã quay về ngay, không một phút chần chừ”.

Về nước, anh vẫn tâm huyết với công việc nghiên cứu và giảng dạy. Anh tâm sự: “Nghề giáo với tôi thực sự là niềm đam mê lớn lao. Tôi nghĩ công việc này chỉ tiền là không nhiều bằng các nghề khác, còn tình cảm thì hơn hẳn. Đây còn là môi trường để tôi cập nhật kiến thức không ngừng, nơi tôi có thể thỏa mãn sở thích nghiên cứu của bản thân. Và chỉ con đường này, tôi mới có thể liên tục truyền lại cho thế hệ sau những kiến thức mà mình đã học”.

Từ Diệp Công Thành xuất thân trong gia đình có truyền thống nghề giáo. Cả họ nội, ngoại Thành đều có nhiều người là giáo viên. Do vậy, từ nhỏ Thành đã được gia đình truyền cho tình yêu nghề một cách tự nhiên. Với Thành, mỗi ngày bước chân lên giảng đường là một niềm vui. Anh quan niệm người thầy không phải là người kéo học trò đi theo mình mà phải là người giúp sinh viên chủ động, tự tin và sáng tạo để tự đi trên đôi chân của mình. Anh ví von: “Khi giảng bài, giống như đưa sinh viên ra một đồng cỏ mênh mông để các em tự tìm con đường đi cho mình”.

Đồng lương đủ sống, môi trường cởi mở

Về công việc của một giảng viên trẻ, Thành tâm tư: “Lương bổng vẫn là điều khiến nhiều người đứng lớp trăn trở. Tôi nghĩ, để có thể vững tâm đi theo con đường nghiên cứu, họ cần một cuộc sống ổn định về vật chất. Nhất là những người trẻ có tài, họ thường có rất nhiều cám dỗ, thì càng cần phải có chế độ đãi ngộ xứng đáng để giữ chân họ lại với nghề”. Thành chia sẻ kinh nghiệm bản thân: “Sau khi được giữ lại trường, mức lương 650 nghìn đồng/tháng không đủ nuôi sống bản thân nên tôi vẫn phải sống dựa vào cha mẹ. Cho tới khi tôi nhận được học bổng nghiên cứu sinh và trở thành tiến sĩ mới tự lo được cho bản thân bằng đồng lương của mình”. Thành cho rằng không chỉ ở đồng lương, người trẻ còn cần một môi trường cởi mở để làm việc, cống hiến và phát huy tính sáng tạo.

Anh cũng cho rằng những giảng viên trẻ hiện có rất nhiều cơ hội để phát triển. “Mình thấy đã có tín hiệu vui, bởi Nhà nước đã có những đầu tư nhất định về cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, cải thiện về lương bổng...”.

Nói về vinh dự khi được phong chức danh phó giáo sư ở tuổi 32, Thành khiêm tốn: “Mình rất vui nhưng chưa dám tự hào, bởi những đóng góp của mình rất nhỏ nhoi và còn rất nhiều việc phải làm. Đây là sự khích lệ rất lớn với bản thân để mình tiếp tục làm việc và hoàn thiện hơn trên con đường nghiên cứu và giảng dạy mà mình đã chọn lựa”.

Hà Ánh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.