Dễ ngừa tiêu chảy cấp do virus Rota

13/04/2011 10:28 GMT+7

Một cơn mưa báo hiệu thời tiết thất thường sẽ là lúc mà các thầy thuốc phải nghĩ nhiều đến tiêu chảy cấp do virus Rota.

Những thông tin từ một hội thảo về bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ em do Viện Pasteur TPHCM vừa tổ chức cho thấy có đến 95% trẻ dưới 5 tuổi nhiễm virus Rota ít nhất một lần và mỗi năm tiêu chảy cấp do virus Rota tước đi sinh mạng của hơn 600.000 trẻ em trên toàn thế giới. Đây cũng là căn bệnh ẩn chứa nhiều nguy cơ bùng phát thành dịch.

Ở miền Bắc nước ta, các chuyên gia dịch tễ khẳng định bệnh thường xảy ra vào mùa đông, còn ở miền Nam thì xảy ra quanh năm nhưng nhiều nhất là từ tháng 3 đến tháng 9. Một khảo sát tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM) cũng cho thấy 67,4% trẻ nhập viện vì tiêu chảy cấp là do nhiễm virus Rota.

Kháng sinh không có tác dụng đối với tiêu chảy cấp do virus Rota gây ra. Bệnh ở thể nhẹ thì không có biến chứng và có thể tự khỏi sau 3 – 8 ngày nhưng có trẻ vẫn tiêu chảy đến 2 tuần dù đã khỏe, chơi đùa trở lại. Virus Rota tấn công nhanh vào hệ tiêu hóa còn non yếu của trẻ nên rất dễ làm trẻ bị tiêu chảy, nôn ói dẫn đến mất nước nhanh chóng và có thể tử vong nếu không được bù nước kịp thời. Sau bệnh, trẻ rất dễ suy dinh dưỡng.

Thực ra, việc phòng tránh virus Rota là hoàn toàn có thể nếu ý thức phòng ngừa của cộng đồng được nâng cao. Virus Rota lây truyền chủ yếu qua đường phân, miệng và tay. Chúng được thải ra ngoài theo phân của người bệnh và tồn tại nhiều ngày trên bề mặt các đồ vật xung quanh như đồ chơi, sàn và các vật dụng trong nhà. Trẻ từ 3 đến 24 tháng tuổi thường có xu hướng hay mút tay và ngậm đồ chơi nên đây là đối tượng bị virus Rota tấn công mạnh nhất.

Tiêu chảy cấp do virus Rota thường lây lan rất nhanh nên khi trẻ bị bệnh, gia đình nên chủ động cho ở nhà đến khi hết hẳn để tránh lây lan cho trẻ khác. Dạy trẻ giữ vệ sinh tay sạch sẽ và rửa tay trước khi cầm, nắm thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh… là những biện pháp dễ thực hiện mà lại rất tốt để phòng bệnh.

Các bà mẹ, cô bảo mẫu nên triệt để rửa tay sạch bằng xà phòng sau khi thay tã lót hoặc làm vệ sinh cho trẻ, không để trẻ bò trên sàn nhà hoặc ngậm tay, ngậm đồ chơi; lau rửa sàn và các vật dụng trong nhà, sàn nhà vệ sinh, bồn cầu sau khi trẻ tiêu chảy đi vệ sinh; tã lót của trẻ bị bệnh phải được cho vào bao ni lông, cột kín rồi cho vào thùng rác.

Các bà mẹ cần lưu ý thực hiện đủ các bước quy định về tiêm chủng của Bộ Y tế niêm yết tại những nơi tiêm chủng. Tại TPHCM, Bệnh viện ĐH Y Dược và Viện Pasteur cùng các bệnh viện khác như Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2, Hùng Vương… đều đáp ứng được nhu cầu tiêm chủng ngừa nhiễm virus Rota.

Theo NLĐ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.